“Chưa ngăn được đà tuyệt chủng thú quý hiếm”
(Dân trí) - Theo đại biểu Quốc hội, Giám đốc vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát Nguyễn Đình Xuân, tê giác là biểu tượng cho cuộc đấu tranh gìn giữ thiên nhiên và là niềm hi vọng mong manh, nhưng nỗ lực của chúng ta chưa tương xứng với tài sản vô giá này…
Thưa ông, việc phát hiện xác của một tê giác Java, loài động vật rất quý hiếm mà Việt Nam đang sở hữu tại vườn Quốc gia Cát Tiên đã khiến nhiều người tiếc nuối, bất bình. Là người làm công tác bảo tồn hẳn ông rất “ tâm trạng” khi biết được tin này?
Đọc tin đó, tôi hết sức sửng sốt, bàng hoàng, giống như mình vừa bị mất thứ gì đó rất quý giá trong cuộc đời. Cả Việt Nam chỉ còn vài con tê giác hoặc có thể chỉ còn một con tê giác…
Phải nói rằng, dù còn 5 hay 7 con tê giác thì xem như tê giác Việt Nam cũng đã tuyệt chủng do chúng sẽ cận huyết và không thể tái tạo lại quần thể như trước. Tuy nhiên, những cá thể đó là một biểu tượng cho cuộc đấu tranh gìn giữ thiên nhiên của chúng ta và cũng là niềm hi vọng mong manh, bởi biết đâu, sau này chúng ta có thề nhân giống vô tính chẳng hạn.
Tôi nói thí dụ chúng ta còn 3 cá thể cái, 1 cá thể đực chẳng hạn, về nguyên tắc quần thể đó không thể phát triển lên được vì chúng sẽ bị giao phối cận huyết. Nhưng chúng ta vẫn còn hi vọng đem một con tê giác Java hay một vài cái phôi về lai với con tê giác Việt Nam.
Ông Nguyễn Đình Xuân: "Tê giác là... vô giá" (Ảnh: Việt Hưng)
Dù hơi khác một chút về đặc điểm nhưng chúng cùng một phân loài với nhau và có thể lai tạo trở lại để cứu nguy cho đàn tê giác Việt Nam. Còn khi chúng ta đã mất trắng không còn gì thì không thể đặt vấn đề hồi phục lại, không còn hi vọng nào cả, dù là sinh sản vô tính.
Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên WWF vừa cho biết, xác con tê giác ở vườn quốc gia Cát Tiên không còn sừng và trong xương chân còn lưu lại một viên đạn?
Con tê giác bị bắn, bị lấy sừng là chắc chắn. Còn vấn đề tranh cãi, viên đạn đó có phải là nguyên nhân gây ra cái chết của con tê giác đó không. Vì viên đạn vào xương, vết thương rất nghiêm trọng và cho dù con tê giác không chết trực tiếp, nhưng có thể bị nhiễm trùng mà chết.
Đối tượng nào bắn tê giác chắc chắn biết tê giác nằm chỗ nào để theo đuổi đến cùng, lấy sừng đó… Sừng của con tê giác rất giá trị, nhưng tê giác là thứ vô giá. Chúng ta có một thứ vô giá trong tay, nhưng lực lượng của chúng ta, nỗ lực của chúng ta, biện pháp của chúng ta để giữ gìn chưa tương xứng.
Không ít động vật quý hiếm của ta đã bị săn, bị chết đáng tiếc trong thời gian gần đây. Theo ông, pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, động vật quý hiếm chưa đủ hay việc thực thi chưa ổn?
Cả hai. Pháp luật chưa đủ và thực thi chưa tốt. Chúng ta cố gắng sửa đổi pháp luật, nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Tôi nói ví dụ, luật hình sự có thêm tội nuôi nhốt động vật hoang dã quý hiếm, nhưng nghị định hướng dẫn luật lại ghi là… xử phạt hành chính.
Về nguyên tắc điều đó là trái luật và phải bị hủy bỏ, dù là phạt đến 50 triệu cho người nuôi nhốt một cá thể. Tội hình sự có thể phạt tiền, nhưng vẫn là một bản án thật sự.
Chưa hết, chúng ta còn bỏ quên trong luật tội tàng trữ. Thật ra, nếu như anh tàng trữ gì người ta sẽ quy ra người mua bán vì không ai cho không anh cái gì cả, nhưng luật thiếu chỗ đó nền người ta có thể “vận dụng” để lọt tội phạm.
Hay đánh giá thế nào là nghiêm trọng không nghiêm trọng cũng rất chủ quan. Vừa rồi có chuyện mua bán 4 con hổ, nhưng khi xử vẫn chỉ là tù treo... Như thế, quan điểm của xét xử là có vấn đề.
Vấn đề đặt ra là phải xử nặng hơn với tội phạm săn bắn, mua bán động hoang dã quý hiếm?
Phải xử nặng hơn và điều tra đến nơi đến chốn. Ví dụ, bắt được con hổ đang vận chuyển, phải điều tra con hổ này nguồn gốc từ đâu, những ai tham gia đường dây. Không phải một người bán từ A đến Z được.
Tại vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát nơi ông đang làm giám đốc, thực trạng bảo vệ động vật hoang dã như thế nào?
Tình hình bảo vệ động vật hoang dã tại chỗ chúng tôi tương đối ít. Chỗ chúng tôi không có súng săn, không có những hoạt động khai thác, săn bắt một cách ồ ạt. Tuy nhiên, việc người dân bẫy nhỏ lẻ vẫn còn và có tháng cao điểm chúng tôi thu 1.000 cần bẫy các loại.
Chúng tôi có chính sách thưởng 500 đồng cho mỗi cần bẫy thu được, nhưng cũng không đủ tiền để thưởng vì số bẫy nhiều quá. Thực ra đó là bẫy dành cho những loài thông thường nhưng bẫy cũng vô tình như súng đạn nên có khi con thú rất quý cũng rơi vào bẫy.
Thưa ông, một điều khiến nhiều người lo ngại là nhiều khi những người làm kiểm lâm hay người của ban quản lý các rừng quốc gia lại chính là kẽ hở, thậm chí dính dáng đến việc động vật quý hiếm bị săn bắn?
Cũng như tất cả các lĩnh vực khác chúng ta có những tiêu cực trong quản lý, nhưng vấn đề là làm sao hạn chế được việc đó. Cũng phải nói thêm, khó nhất trong quản lý động vật hoang dã hiện nay là khi chúng ta giao đất giao rừng lại không giao thú, không giao động vật.
Bộ xương còn lại của con tê giác vườn quốc gia Cát Tiên vừa "tử nạn"
Chúng ta kiểm kê rừng cũng chỉ kiểm kê gỗ không kiểm kê thú nên mất đi vài cây gỗ, chúng ta có thể biết, nhưng mất đi vài chục con thú thì không ai biết cả.
Thật ra cũng có cách để làm việc này, hàng năm hoặc vài năm một lần, nhờ các nhà khoa học tham gia bằng các phương pháp khác nhau xác định độ đa dạng sinh học, không nhất thiết phải đếm tất cả các loài.
Những gì đã mất là rất lớn, không thể lấy lại, nhưng xem ra nhìn về tương lai, sự sinh tồn của các động vật quý hiếm cũng rất mong manh?
Tuyệt đại đa số những loài quý hiếm, có giá trị đang trên đà đi xuống. Điều này có nghĩa, những nỗ lực của chúng ta trong những năm qua để giữ gìn những bộ gien động vật quý hiếm là chưa đạt hiệu quả.
Chúng ta có thể làm giảm được tốc độ tuyệt chủng của các loài này so với việc chúng ta không làm gì, chứ chúng ta chưa ngăn được đà tuyệt chủng các loài quý nhất.
Những năm qua, các loài hổ,voi, gấu báo, sếu đầu đỏ… tín hiệu đều kém lạc quan và nếu một loài nào trong số này mất đi là chúng ta đã để mất một di sản quý giá của cha ông và sẽ vĩnh viễn không bao giờ tìm lại được.
Xin cám ơn ông!
Cấn Cường (thực hiện)