1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chưa nên vội dự báo thiểu phát năm 2009

(Dân trí) - Với tư cách người đứng đầu cơ quan dự báo kinh tế, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc đã có quan điểm riêng trước những cảnh báo về nguy cơ thiểu phát của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2009.

Bên hành lang Quốc hội sáng 29/10, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với báo giới.

Lại một lần nữa, công tác dự báo được QH “mổ xẻ” sau việc rớt giá gạo, nông sản, tăng giảm giá xăng dầu… Bộ trưởng đánh giá thế nào về ý kiến cho rằng, dự báo yếu kém khiến chúng ta không kịp thích nghi kịp với tình hình thế giới?

Phải nói rằng công tác dự báo của chúng ta thời gian qua chưa đầy đủ lắm. Nhưng ngay cả các nhà hoạch định chiến lược, nhà dự báo quốc tế nhiều lúc cũng không dự báo nổi.

Chuyên gia Alan Greenspan, người được mệnh danh là “phù thuỷ của kinh tế Mỹ” cũng phải phát biểu “tình hình kinh tế thế giới thời gian qua ngoài dự đoán của tôi” và ông phải nhận lỗi trước QH Mỹ.

Nói như vậy để thấy vấn đề dự báo là rất khó, phải kết nối toàn cầu nhưng khả năng kết nối đó gần như chúng ta chưa có.

Có nhiều đơn vị làm công tác dự báo nhưng Bộ KH-ĐT là cơ quan tham mưu cho Chính phủ? Phải có cơ quan nào chịu trách nhiệm về những chỉ tiêu kinh tế xã hội đề xuất để trình QH hàng năm, thưa ông?

Chúng tôi xây dựng các chiến lược trung hạn, dài hạn và ngắn hạn hàng năm, dự báo có tính chất dài hơi hơn. Hiện chúng tôi có Trung tâm thông tin và dự báo quốc gia.

Bộ đang tăng cường và củng cố cơ quan đó, trước hết là các vấn đề đào tạo nhân lực và quan trọng nhất là việc hợp tác với các tổ chức quốc tế để nâng cao năng lực dự báo.

Nhiều đại biểu cho rằng, cuối năm ngoái, những dấu hiệu của suy giảm kinh tế đã có, Bộ có phần lơ là về công tác dự báo khi vẫn tham mưu cho chính phủ trình QH phương án tăng trưởng và lạm phát như năm nay?

Năm 2007 thì chưa có dấu hiệu giảm phát bởi tăng trưởng, nguồn đầu tư rất lớn, chỉ có vấn đề về giá cả.

Khi đó, chỉ nghĩ về việc điều hành tài chính tiền tệ nên Bộ đã có kiến nghị với Chính phủ, cảnh báo về khả năng giá cả tăng chứ dự báo về tăng trưởng, ngay cả thế giới cũng đều dự báo là tăng chứ ai nghĩ cuối năm 2008 nền kinh tế thế giới lại suy giảm.

Bộ trưởng cũng nêu ý kiến khác trước những cảnh báo về khả năng thiểu phát của nền kinh tế đất nước của một số chuyên gia trong năm 2009. Những dấu hiệu được phân tích vẫn chưa đủ cơ sở, thưa ông?

Vấn đề đó chúng ta cần phải xem xét, mới chỉ có một tháng chỉ số CPI âm. Giảm phát có nhiều yếu tố, ngoài giá còn vấn đề sức sản xuất, sức mua của người dân và nhiều yếu tố khác động.

Vậy nên giờ chưa nên vội vàng kết luận thiểu phát hay giảm phát mà phải theo dõi tiếp tình hình sản xuất của các doanh nghiệp, sức mua của người dân… trong tháng 11, 12 tới.

Tuy nhiên, Chính phủ vẫn có các biện pháp để ngăn ngừa thiểu phát vì chống thiểu phát đòi hỏi thời gian dài hơn khống chế lạm phát như bây giờ.

Theo nhận định của bộ trưởng, khả năng thiểu phát có thể xảy ra trong năm 2009?

Vấn đề này chưa nói được, còn tùy thuộc vào tình hình khu vực và thế giới. Vừa qua, giá tiêu dùng giảm nguyên do chính thị trường thế giới giảm đột ngột, dầu từ 140 USD/thùng giảm xuống còn hơn 60 USD/thùng. Chưa nên vội dự báo mà cần theo dõi.

Tình hình khó đoán định như vậy thì Chính phủ có nên trình QH quyết ngay một số mục tiêu kinh tế xã hội như GDP, CPI trong kỳ họp này, thưa ông?

Theo tôi, chỉ số GDP và CPI thì có thể dự báo được. Cũng nên chỉ ra con số để chúng ta có hướng điều hành. Và con số cụ thể thế nào, ngày 1/11 tới, Chính phủ sẽ họp trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, đánh giá tình hình trong nước và thế giới, từ đó sẽ báo cáo bổ sung trình QH trong kỳ họp tiếp theo.

Bộ trưởng nghĩ thế nào về việc đề ra mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 7% trong khi các nước trong khu vực - những đối tác kinh tế chính của chúng ta chỉ phấn đấu “chống âm” tăng trưởng?

Các nước trong khu vực đề ra mục tiêu giữ để có tăng trưởng cho dù tăng trưởng ít, không giảm, không “âm”. Tôi nghĩ ta khác, họ khác.

Trước hết, thị trường tài chính tiền tệ của ta chưa hội nhập, họ đã hội nhập sâu và bị tác động lớn. Vừa qua, ảnh hưởng từ các ngân hàng, đặc biệt thị trường vốn tác động lớn đến tăng trưởng của họ.

Hơn nữa, chúng ta đang hướng vào nội nhu, kích cầu nội địa. Hiện một số nước đang phát triển, có thị trường nội địa lớn như Trung Quốc, Ấn Độ đang hướng vào nội nhu. Chúng ta cũng nên thế và hướng vào một số thị trường quốc gia trong khu vực, nơi mà sự suy giảm kinh tế không lớn.

Xin cám ơn ông!

P.Thảo (ghi)