1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chưa nên đánh thuế bảo vệ môi trường với thuốc lá

(Dân trí) - Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng, các nước đánh thuế thuốc lá rất cao, nhưng không áp thuế môi trường với mặt hàng này. Nhiều ý kiến cũng nhìn nhận, nếu đánh thêm thuế bảo vệ môi trường với thuốc lá sẽ tạo ra những tác động không tích cực.

Đề xuất đưa thuốc lá vào diện chịu thuế môi trường đã nhận được nhiều “phản biện” của các ủy viên UB Thường vụ Quốc hội tại buổi cho ý kiến về dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường, sáng 23/7.

Dự thảo luật quy định 5 nhóm hàng hóa thuộc  đối tượng chịu thuế, bao gồm: xăng, dầu; than; dung dịch HCFC; túi nhựa xốp và thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng. Tuy nhiên, một số ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp vừa qua cho rằng, không chỉ có 5 nhóm hàng hóa này tác động xấu đến môi trường mà nhiều loại hàng hóa khác cũng gây hại cho môi trường. Do đó, đề nghị mở rộng đối tượng chịu thuế theo hướng mọi sản phẩm độc hại, tác động trực tiếp đến môi trường đều thuộc đối tượng chịu thuế.

Về vấn đề này, một luồng ý kiến của UB Tài chính - Ngân sách thuộc Quốc hội cho rằng, tại thời điểm hiện nay, chỉ nên quy định 5 nhóm đối tượng chịu thuế như trong Dự thảo luật đã trình Quốc hội do bước đầu áp dụng luật cần có lộ trình thích hợp, lựa chọn những đối tượng phù hợp với trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam, bảo đảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước, không gây tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc mở rộng đối tượng chịu thuế sẽ được xem xét trong giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước.

Tuy nhiên, luồng ý kiến khác của UB này lại có quan điểm: trước thực trạng môi trường bị hủy hoại, sức khỏe của người dân bị tác động bởi nhiều sản phẩm độc hại, căn cứ vào ý kiến của nhiều ĐBQH, trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn đối với một số sản phẩm có mức độ gây ô nhiễm lớn, tác động nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, sức khỏe con người, gây bức xúc trong xã hội, đề nghị tiếp thu để bổ sung vào đối tượng chịu thuế một số mặt hàng.

Cụ thể, bổ sung thuốc diệt cỏ do đây là hóa chất đang được sử dụng rộng rãi, gây ô nhiễm nghiêm trọng cho đất đai, nguồn nước, sức khỏe con người. Thêm nữa, bổ sung mặt hàng thuốc lá, mặt hàng không khuyến khích sử dụng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.

Tại buổi thảo luận, bàn về mặt hàng thuốc lá, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho rằng, cần cân nhắc việc đưa mặt hàng này vào diện chịu thuế bởi nhiều lẽ.

Nếu đánh thuế, giá thuốc lá lên cao, nhập lậu thuốc sẽ càng tăng, trong khi hàng chục năm qua nhập lậu thuốc là vấn đề chưa giải quyết được. Việc giá thuốc lên cao cũng khiến sức cạnh tranh của mặt hàng này khi xuất khẩu giảm. Đó là chưa kể sẽ có những khó khăn với đồng bào trồng cây thuốc lá mà vừa qua có tập đoàn đã đầu tư vào cho đồng bào trồng cây này để xoá đói giảm nghèo.
 
Chưa nên đánh thuế bảo vệ môi trường với thuốc lá - 1
Cần cân nhắc nhiều mặt việc đánh thuế môi trường với thuốc lá (Ảnh: Báo Lào Cai)

Phó Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Đức Kiên cũng cho rằng, thuốc lá đang là nguồn thu của bà con một số nơi khó khăn, nếu đưa vào diện chịu thuế phải cân nhắc ảnh hưởng tới sức sản xuất và sức tiêu thụ. Trong trường hợp, buộc phải đánh thuế, sẽ phải tính tới phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt của mặt hàng này.

Chia sẻ quan điểm của các ý kiến trên, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết thêm, nhiều nước đánh thuế (thuế tiêu thụ đặc biệt) với thuốc lá rất cao, nhưng không nước nào đánh thuế bảo vệ môi trường.

Chuyển sang các mặt hàng khác, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, tại kỳ họp vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung thêm vào danh mục những hàng hoá như hoá chất độc hại, chất tẩy rửa công nghiệp…  “Những loại này sử dụng nhiều và độc hại lớn hơn thuốc bảo quản thực vật nên cần bổ sung vào diện phải chịu thuế”, ông Lưu đề nghị.

Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách, Phùng Quốc Hiển cho rằng, thuế môi trường là sắc thuế khó và Việt Nam là một trong những nước tiên phong. Việc đánh thuế theo ông Hiển là cần thiết, nhưng cần nhìn thực tế xung quanh trước khi tính tới việc mở rộng hơn.

Với luật này, chúng ta chọn nhóm tương đối gây ô nhiễm môi trường nặng nề nhất. “Xu thế chung là chúng ta chỉ nên ở một khuôn khổ hợp lý, không nên mở rộng quá để rồi gây bất lợi cho chúng ta”, ông Hiển nhấn mạnh.

Trong phát biểu “chốt” lại buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, đánh giá mức độ gây ô nhiễm môi trường còn khó khăn nên chúng ta chọn lộ trình đánh thuế hợp với sức của mình. Đi vào vấn đề cụ thể là có mở rộng danh mục chịu thuế, ông Kiên đề nghị lưu ý tới chất diệt cỏ, hoá chất trong công nghiệp, chất tẩy rửa.

Cấn Cường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm