"Chúa đảo" hòn Nồm
Để sinh tồn được trên đảo hoang không có nước ngọt, địa hình hiểm trở nằm biệt lập giữa biển là những dị nhân có khả năng thích nghi với sự sống đặc biệt. Họ chính là những cột mốc sống của biển trời biên cương Tổ quốc.
1. Vùng biển đảo Tây Nam có hơn 150 hòn đảo lớn nhỏ thuộc hai tỉnh Cà Mau và Kiên Giang. Nhiều đảo dân cư quần tụ đông đúc nhưng cũng có những hòn nằm khuất nẻo, chưa có sự sống của con người.
Một ngày cuối tháng 7, khi gió Tây Nam thổi mạnh, chúng tôi thuê một chiếc tàu nhỏ xuất phát từ Hòn Củ Tron (An Sơn - Kiên Hải - Kiên Giang) để ra Hòn Nồm giữa thăm “chúa đảo” Sáu Ánh. Lão ngư Ba Miệt nở nụ cười lèo lái con tàu lướt trập trùng trên sóng nước đại dương. Ba Miệt tự hào là cư dân sống lâu đời trên đảo, ăn sóng nói gió, am tường địa lý, thông thạo luồng lạch.
Trên đường đi, lão Ba Miệt dí dỏm kể những câu chuyện được gọi là "đặc sản" của vùng phục vụ khách phương xa. Lão cho biết, vào những năm cuối thế kỷ 18, chúa Nguyễn Ánh đã chạy tới đảo này lánh nạn.
Vì thiếu thức ăn và nước uống nên Nguyễn Ánh sai đoàn tùy tùng đào giếng lấy nước ngọt và đào củ nần (có hình tròn tròn) ăn tạm qua ngày. Sau khi lên ngôi, để ghi nhớ những kỷ niệm của một thời bôn ba, nhà vua đã có chiếu dụ đặt tên cho hòn là "Củ Tròn", nhưng lâu nay dân địa phương quen đọc thành Hòn Củ Tron.
Từ Hòn Củ Tron đến Hòn Nồm khoảng hơn 10 hải lý, tàu chạy 35 phút thì tới. Ở đây, có 3 Hòn gồm Hòn Nồm ngoài, Hòn Nồm giữa và Hòn Nồm trong, nhưng chỉ có Hòn Nồm giữa là có người sinh sống, với một gia đình duy nhất của “chúa đảo” Sáu Ánh.
Đón chúng tôi bằng một nụ cười tràn đầy sinh lực biển, ông Sáu Ánh sở hữu đầy đủ sự rắn rỏi, vạm vỡ của một “chúa đảo” dạn dày sóng nước. Sau những năm dầm mình trên sóng biển, nay ông Sáu Ánh ở nhà vá lưới cho con cháu đi biển.
Ông Sáu Ánh tên đầy đủ là Vương Văn Ánh (70 tuổi), có gần 60 năm sống trên đảo. Hơn nửa thế kỷ qua, Hòn Nồm giữa chứng kiến cuộc sống kiên cường, dũng mãnh của gia đình “chúa đảo” Sáu Ánh. Các thế hệ con cháu sinh ra đều gắn cuộc đời trên đảo, sống bằng sản vật của biển, không đứa nào muốn rời đảo vào đất liền.
Năm 1960, nghe tiếng quần đảo Nam Du nhiều cá tôm mà vắng người ở, ông Vương Văn Kiều mang theo vợ con dong thuyền đi tìm miền đất hứa. Đến chòm ba đảo Hòn Nồm, ông Kiều quyết định neo thuyền đậu bến. Đá chiếm hơn một nửa diện tích của đảo, gia đình ông Sáu Ánh dựng nhà trên một bãi đất xen đá ở sườn phía Đông.
Chỉ với con dao, cái búa, ông Kiều đốn cây khai hoang trồng trọt. Lúc này, ông Sáu Ánh 14 tuổi cũng biết phụ cha ra biển mò cua bắt ốc. Cuộc sống trên đảo hoang trăm bề khốn khổ, gạo không có ăn, nước ngọt phải trông vào mưa. Vài tháng mới có ghe tàu đi ngang qua, họ ghé vào đổi mắm muối lấy cá khô, mực khô. Gia đình ông Sáu Ánh phải tự túc lương thực, cần mẫn khai khẩn từng núm đất trồng lúa nương, sắn, khoai lang...
Ông Sáu Ánh cho biết, đây là đảo nhỏ mà cha con ông lại ham trồng cây nên diện tích trồng hoa màu không còn bao nhiêu. Sinh tồn ở đảo, ngại nhất là gió mùa Tây Nam gây ra những cơn mưa rất lớn, có khi mạnh lên thành bão sẽ tàn phá vườn cây trên đảo, làm hư hỏng nhà cửa, tàu ghe không thể ra khơi đánh cá.
Ông Sáu Ánh kể: "Thời điểm mới ra, đảo hoang chỉ có cây dại và thú. Đêm về, tiếng thú kêu đến rợn người. Cha con tôi phải mất hơn một năm chặt cây, đốt lá, đi vơ từng miếng đất về, đào hố trồng dừa và các loại cây xanh khác. 5 năm đầu tiên, đảo vẫn một màu hoang sơ, cuộc sống vẫn bám vào con cá ngoài biển".
Khi những cây dừa đầu tiên ra trái, gia đình ông Ánh lại phải chiến đấu với lũ dơi háu ăn để "cướp" lại dừa. Trải qua bao mùa bão, dừa bị bật gốc, chết mất một số. Nhìn thân dừa rũ rượi chờ chết, cha con ông Sáu Ánh bần thần xót xa. Họ có một tình yêu đặc biệt với loài dừa, nó kiên cường, hiên ngang như chính cuộc đời của cha con ông trước sóng gió dữ dằn của biển Tây Nam.
Theo sau hàng dừa xanh ngát là hàng mít 200 cây mọc quanh sườn đồi, len vào tận hốc đá. Dừa, mít mỗi lần thu hoạch cho hàng tấn. Số này sẽ có tàu vào tận nơi thu mua hoặc đổi nhu yếu phẩm cho gia đình ông Ánh. Có thời điểm nhiều quá, thương lái không thu mua hết, những người trong nhà sẻ dừa, mít ra ăn trừ cơm.
20 tuổi, ông Sáu Ánh bén duyên với bà Võ Thị Hương trong những lần mang hàng đi đổi gạo ở đảo lớn. Ông bà sinh được 9 người con, 6 gái, 3 trai. Khi cái ăn đã tạm ổn, con cháu đề huề, cha ông Sáu Ánh cũng mãn nguyện thanh thản. Trước khi mất, ông kêu tất cả con cháu lại, bắt chúng hứa với ông là phải yêu biển, yêu rừng. Phải cùng nhau sống mãi trên mảnh đất mà suốt cuộc đời ông chan hòa mồ hôi nước mắt khai khẩn. Từ đó, ông Sáu Ánh chính thức tiếp quản ngôi vị "chúa đảo" Hòn Nồm từ cha.
2. Ông Sáu Ánh bộc bạch, dù có khai khẩn đến mức nào đi chăng nữa thì đây vẫn chỉ là một hoang đảo có rừng che phủ. Ông và con cháu của mình sống dưới cánh rừng này, hưởng đặc ân của thiên nhiên và phải có trách nhiệm bảo vệ từng gốc cây, hòn đá. Trên đảo vẫn còn một số loại thú như trăn, rắn, kỳ đà, sóc...
Mỗi năm, trăn ăn mất một số gia cầm nhưng vì đảo rộng, gà vịt lại nhiều nên ông không thống kê đầy đủ được. Trên đảo, ông Sáu Ánh cho đào vài cái giếng thật sâu để chứa nước vào mùa mưa. Từ ngày ra đảo, ông luôn trăn trở kiếm tìm nguồn nước. Ông đã lật tung từng miếng đất, từng hòn đá trên đảo với hy vọng sẽ có nguồn nước ngọt, nhưng bao nhiêu năm rồi vẫn chưa thấy.
Mỗi năm, tiền thu hoạch hoa quả trồng trên đảo giúp gia đình ông Sáu Ánh đổi được tất cả những nhu yếu phẩm cần thiết. Ngoài ra, vùng biển quanh đảo có loài cá xương xanh thịt ngon, giá cao. Con cháu ông Ánh sống no ấm nhờ nghề đi đánh loài cá này.
Mấy năm nay, gia đình ông Sáu Ánh có máy phát điện chạy bằng dầu. Tuy nhiên, nguồn sáng này rất tốn kém nên ông sắm thêm tấm phát năng lượng điện mặt trời. Hôm nào trời nắng to thì dùng bóng thoải mái, còn hôm nào trời âm u, mưa dầm thì dùng máy phát.
Thức ăn và nước cũng được bà Hương và con dâu tích trữ bài bản, ngăn nắp, dùng được cả năm. Bây giờ ở đảo lớn có sóng điện thoại nên đảo nhỏ của gia đình ông Sáu Ánh cũng dùng ké, dù mỗi lần gọi cho ai thì phải leo lên ngọn cây bắt sóng.
Kể từ khi thân phụ ông Sáu Ánh ra đảo lập nghiệp, đến nay thế hệ thứ 5 đã chào đời. Những đứa con của ông Sáu Ánh lớn lên đều là những ngư phủ giỏi từ trong trứng nước. Cuộc sống đã không còn phải canh cánh nỗi lo cơm áo, gạo tiền.
Những đứa cháu lớn của ông Sáu Ánh được gửi đi học ở Hòn Ngang còn những đứa nhỏ dù đến tuổi học mẫu giáo, lớp một nhưng phải ở nhà. Đây là điều ông Sáu Ánh trăn trở nhiều nhất. Ông bảo, đời ông đã không được học hành, đời con ông cũng thế. Giờ đến đời cháu, chắt thì phải cho chúng học, không thể để mù chữ, thiếu văn hóa được.
Việc học chữ là vậy, chuyện ốm đau lại càng nan giải. Dù con người sống trên đảo có sức đề kháng tốt, sức khỏe phi thường nhưng không tránh khỏi những lúc ốm đau, tai nạn. Ở Hòn Nồm sang đảo lớn phải mất vài tiếng, con đường từ đảo lớn vào đất liền mất thêm cả chục tiếng nữa. Nếu chẳng may ốm nặng hoặc bị tai nạn thì phó mặc cho số phận.
Ông Sáu Ánh tâm sự: "Tôi sống cả đời trên đảo đã quen rồi, giờ cho vào đất liền sống nhà lầu xe hơi cũng không muốn. Nhưng tụi nhỏ thì thiệt lắm, cái thiệt lớn nhất là thiếu kiến thức văn hóa và không được khám bệnh định kỳ".
Hơn 10 năm trước, ông Sáu Ánh bị đau ruột thừa. Cơn đau khủng khiếp kéo đến vào lúc 5 giờ sáng, nhưng để kiếm ghe có máy chạy ngon lành phải đến 7 giờ mới có. Ra tới TP Rạch Giá, ông Sáu Ánh được mổ khẩn cấp và bảo toàn tính mạng. Nhớ lại thời điểm đó, ông Sáu Ánh rùng mình: "Mạng tôi còn hên chứ lúc đó tôi đã cầm chắc cái chết, bác sĩ nói chỉ cần chậm 10 phút nữa là không cứu được vì ruột đã bể rồi".
60 năm đương đầu với bão gió để sinh tồn, ông Sáu Ánh và những người con của mình đã khoác lên hoang đảo một màu xanh no ấm. Đảo hoang giờ đã có hơn 20 thành viên sinh sống. Sự kiên cường, dũng mãnh của ông Sáu Ánh như cột mốc sống trên đảo hoang. Nhờ có ông mà ngày nay, một số đảo hoang ở biển Tây Nam đã có người sinh sống, tạo thêm nhiều cột mốc cho vùng biển biên cương Tổ quốc.
Theo Ngọc Thiện - Cát Tường
Công an nhân dân