1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chưa có trợ cấp, xe buýt TPHCM nghỉ chạy

(Dân trí) - Tính đến hôm nay, đề án xin tăng mức trợ giá năm 2008 cho xe buýt của Sở Giao thông Công chính TPHCM vẫn chưa được chấp thuận. Trong khi đó, sau hơn nửa tháng cầm cự bù lỗ vì giá dầu tăng cao, giới chủ xe buýt gần như “chịu hết nổi”.

Ông Phùng Đăng Hải, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Vận tải TPHCM, cho biết: đến ngày 14/3, riêng hợp tác xã đã có hơn 15 xe buýt nghỉ chạy, bỏ chuyến; trong đó HTX Rạng Đông có đến 10 xã viên xin nghỉ vì không có tiền đổ dầu.

Trong buổi họp ngày 3/3, ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTCC, đã trấn an các chủ xe cố gắng duy trì tuyến, còn bù chi phí giá dầu tăng chắc chắn TP sẽ bù. Tuy nhiên, điều quan trọng là bù vào lúc nào.

Vì mỗi ngày, mỗi xe buýt phải bù lỗ 300.000 - 500.000 đồng, cao hơn khoản lãi hàng ngày của xe. Hơn nửa tháng nay, các chủ xe không thu được đồng nào còn phải móc tiền túi ra đổ dầu. Nếu ai trường vốn thì chịu được, còn những xã viên vốn ít thì rất khó khăn.

Trong khi đó, đề án xin tăng mức trợ giá xe buýt năm 2008 từ 450 tỷ lên 570 tỷ của Sở GTCC vẫn còn đang được UBND TPHCM giao cho Sở Tài chính xem xét tính khả thi, chưa biết đến bao giờ xong.

Đó là chưa kể, cho dù được tăng mức trợ giá thì đến tháng 4 các chủ xe mới nhận được tiền trợ giá cho tháng 2. Như vậy, họ vẫn phải tiếp tục móc tiền túi ra duy trì tuyến ít nhất thêm 1 tháng nữa.

Một vấn đề đáng bàn nữa là thủ tục. Trong khi cơ chế xin tăng giá xăng dầu gần như đã được “thả nổi”, chỉ mới nghe phong phanh tăng giá thì đùng cái là tăng liền. Trong khi đó thủ tục tăng giá vé xe buýt, tăng mức trợ giá quá nhiêu khê.

Chỉ khi các HTX thấy lỗ quá, thống nhất với nhau đề xuất Sở GTCC, Sở GTCC gửi đề án cho UBNTP, tiếp theo UBND TP giao đề án cho Sở Tài chính xem xét, nếu Sở Tài chính “thấy được”, gửi văn bản tham mưu cho UBND TP rồi gửi HĐND TP xét duyệt, HĐND triệu tập cuộc họp xét duyệt xong mới có quyết định.

Các thủ tục ấy phải mất cả tháng. Trong thời gian đó, chi phí lỗ lã các chủ xe phải tự chịu dẫn đến nguy cơ bỏ xe, bỏ chuyến làm xáo trộn và giảm hiệu quả của hệ thống giao thông công cộng.

Từ đó dẫn đến nguy cơ chỉ tiêu phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng của TP khó mà thành hiện thực. Nó liên đới tạo nên sự thất bại của Đề án Giảm ùn tắc giao thông của TPHCM và nguy cơ giao thông TPHCM trong tương lai còn bi đát hơn hiện tại. Bởi dự kiến đến năm 2020, dân số TPHCM sẽ là 10 triệu người.

Tùng Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm