Chú trọng phát huy vai trò tích cực của người có uy tín, chức sắc tôn giáo
(Dân trí) - Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong đồng bào dân tộc thiểu số, theo Thứ trưởng Bộ Công an, cần chú trọng phát huy vai trò tích cực của người có uy tín, chức sắc tôn giáo.
Ngày 15/8, tại tỉnh Sóc Trăng, Bộ Công an tổ chức Hội nghị biểu dương các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (BVANTQ) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) khu vực Tây Nam Bộ, giai đoạn 2018-2024.
Theo đánh giá của Bộ Công an, công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân BVANTQ vùng đồng bào DTTS khu vực Tây Nam Bộ trong giai đoạn 2018-2024 luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền.
Hiện nay, cả nước có trên 4.700 mô hình; riêng khu vực Tây Nam Bộ có 891 mô hình phong trào toàn dân BVANTQ, với 260 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến.
Trong giai đoạn này, có nhiều mô hình phong trào toàn dân BVANTQ là điểm sáng theo hướng tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải từ cơ sở, có tính xã hội hóa cao, được đồng bào DTTS đồng tình, ủng hộ tham gia.
Các mô hình tiêu biểu như: 2 an (an ninh, trật tự - an sinh xã hội); Rủ nhau làm tốt xóm Chăm; Câu lạc bộ 3 tích cực trong đồng bào dân tộc Khmer; Tổ tự quản trong người Hoa; Câu lạc bộ người hoàn lương; Cổng rào phòng, chống tội phạm;…
Phong trào này đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến tiêu biểu, xuất sắc, gương mẫu.
Thông qua phong trào toàn dân BVANTQ, nhân dân khu vực Tây Nam Bộ đã cung cấp cho lực lượng công an hơn 181.000 nguồn tin có liên quan đến an ninh trật tự có giá trị, giúp lực lượng chức năng xử lý nhiều đối tượng vi phạm; triệt phá nhiều băng, ổ nhóm tội phạm, tệ nạn xã hội trên địa bàn.
Tại hội nghị, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, nhấn mạnh, những kết quả đạt được trong công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân BVANTQ vùng đồng bào DTTS đã góp phần xây dựng môi trường an ninh, an toàn, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị thời gian tới, lực lượng công an các địa phương Tây Nam Bộ tiếp tục tham mưu, phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân đối với phong trào này.
Trong đó chú trọng phát huy vai trò tích cực của người có uy tín trong đồng bào DTTS, chức sắc tôn giáo, cộng đồng dân cư tham gia xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến.
Các địa phương cần có kế hoạch duy trì, nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả; nghiên cứu, xây dựng mô hình mới phù hợp với điều kiện từng vùng, lĩnh vực, địa bàn; tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải từ trong gia đình cho đến cộng đồng dân cư, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục.
Khu vực Tây Nam Bộ gồm 13 tỉnh, thành: Cần Thơ, An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long.
Dân số khu vực hơn 19 triệu người (chiếm 19,15% dân số cả nước). Trong đó đồng bào DTTS có khoảng 1,56 triệu người (chiếm 8,2% dân số toàn vùng), chủ yếu là dân tộc Khmer (tỷ lệ nhiều nhất), Hoa, Chăm.
Đây là vùng có vị trí chiến lược, đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại của đất nước.