1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chủ tiệm internet “chuyển nghề” lừa đảo bán sim số đẹp

(Dân trí) - Phát hiện việc giao dịch mua bán sim số đẹp có nhiều kẽ hở, Chiển đã nảy sinh ý định lừa đảo. Từ 2 chiếc chứng minh thư nhân dân nhặt được, Chiển đã mở tài khoản ngân hàng, “câu” khách chuyển tiền vào đó rồi chiếm đoạt.

Ngày 21/4, Cơ quan điều tra - Công an thành phố Hà Nội đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Trần Xuân Chiển (SN 1983, ở 409 Thiên Lôi, Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng) về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo cơ quan điều tra, qua trinh sát nắm tình hình trên mạng internet, Đội phòng chống tội phạm Công nghệ cao - Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện đối tượng Trần Xuân Chiển có dấu hiệu lừa đảo nên ngày 20/4 đã triệu tập Chiển tới làm việc. Trước những chứng cứ không thể chối cãi, Chiển đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình.
 
Chủ tiệm internet “chuyển nghề” lừa đảo bán sim số đẹp - 1
Tại cơ quan điều tra, Chiển tỏ ra ăn năn, hối lỗi và "đề nghị" mọi người đừng học theo mình.

Theo lời khai ban đầu, do có cửa hàng kinh doanh internet nên Chiển hay lên mạng đọc báo và vào các trang mua bán sim điện thoại. Thấy việc giao dịch này có qua nhiều kẽ hở, người mua, người bán không biết mặt nhau, chỉ giao dịch qua mạng và điện thoại nên đã nảy sinh ý định lừa đảo.

Tháng 9/2009, Chiển nhặt được một chiếc chứng minh thư nhân dân mang tên Đặng Văn Tới, Chiển liền dùng chứng minh thư này ra ngân hàng mở tài khoản, tiến hành hành vi lừa mua bán sim số đẹp. Sau đó, anh ta lên các mạng rao vặt tìm số đẹp của các các đại lý rao bán rồi cóp lại mang rao bán trên các mạng khác. Mỗi khi có người mua, anh ta cho số tài khoản để người mua chuyển tiền vào cho mình.

Để “câu” được nhiều khách, Chiển thường rao bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với thị trường. Anh ta thường dùng sim “rác” để giao dịch với khách hàng rồi bẻ chiếc sim đó đi. Để tránh bị phát hiện, mỗi khi đăng tin bán sim, Chiển lại ra các quán internet khác chứ không sử dụng mạng ở cửa hàng của gia đình. Ngoài ra, anh ta chỉ lựa chọn khách hàng ở các tỉnh xa như Hà Nội, Nghệ An, Đắc Lắc, thành phố Hồ Chí Minh…chứ không bán cho người ở địa phương mình.

Do tài khoản Đặng Văn Tới bị nhiều người phát hiện là lừa đảo nên tháng 10/2010, Chiển nhặt được một chứng minh thư tên Vũ Đức Tâm và tiếp tục mở thêm một tài khoản khác mang tên này để lừa đảo.

Bằng thủ đoạn này, từ tháng 10/2009 đến nay, Chiển đã chiếm đoạt được của những người cả tin gần 250 triệu đồng.

Cơ quan điều tra đề nghị những ai là nạn nhân của Chiển đến Đội Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội (địa chỉ số 7 Thiền Quang) để trình báo.

Tiến Nguyên