1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thanh Hóa:

Chủ tịch xã mạo chữ ký, nhận tiền bảo vệ rừng để chi việc riêng

(Dân trí) - Sau khi có dự án 661, cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lò và Chủ tịch UBND xã Sơn Hà đã lập hồ sơ khống, giả mạo chữ ký để nhận tiền bảo vệ rừng sai quy định với số tiền lên đến gần 300 triệu đồng.

Sau khi nhận được thông tin về việc tiền công tác bảo vệ rừng của các hộ dân ký hợp đồng với Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Sông Lò đã có nhưng chưa được nhận, các hộ dân làm đơn kiến nghị gửi lên Ban và các cấp chính quyền có liên quan đề nghị được giải quyết. Đến lúc này thì người dân mới được biết hơn 292 triệu đồng đã được xã ký nhận và trích lại 50%, còn lại lãnh đạo xã dùng chi vào việc cá nhân.

Rừng phòng hộ Sông Lò.
Rừng phòng hộ Sông Lò.

Theo phản ánh của người dân, năm 2010, BQLRPH Sông Lò được tỉnh Thanh Hóa giao thực hiện Dự án 661 trên phần đất thuộc đơn vị quản lý và thiết kế mở rộng thêm 487,2 ha đất rừng do UBND xã Sơn Hà quản lý.

Sau khi được BQLRPH Sông Lò giao trách nhiệm, ông Ngô Văn Minh là cán bộ của Ban đã đến các bản đặt vấn đề với 4 trưởng bản của xã Sơn Hà về nội dung hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng phòng hộ theo Dự án 661 trên diện tích đất rừng của xã Sơn Hà quản lý.

Sau khi đã thống nhất, ông Minh lấy danh sách, hợp đồng khoán hộ bảo vệ rừng đã lập sẵn gồm có 12 hộ. Trong đó có 8 hộ do ông Ngân Văn Thợi (trưởng bản Nà Sắng) ký thay và 5/8 hộ này không có họ tên trong sổ hộ khẩu tại xã Sơn Hà.

Đến tháng 3/2014, nhận được thông tin là số tiền công tác bảo vệ rừng của các hộ đang ở BQLRPH Sông Lò, ông Thợi và một số hộ dân đã làm đơn gửi BQLRPH Sông Lò và các cấp có thẩm quyền xem xét để được thanh toán tiền công bảo vệ rừng.

Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh, UBND huyện Quan Sơn đã thành lập đoàn thanh kiển tra. Khi làm việc với đoàn thanh tra, ông Vi Hồng Thấm - Chủ tịch UBND xã Sơn Hà đã thừa nhận trực tiếp ký thay danh sách các hộ nhận tiền khoán bảo vệ rừng trong 3 năm từ 2010 - 2012 với số tiền là 292.320.000đ.

Khi đã ký nhận số tiền trên, ông Thấm và BQLRPH Sông Lò thống nhất trích lại 50% số tiền trên. Còn lại, ông Thấm đã sử dụng vào mục đích cá nhân và mục đích khác sai quy định.

Ông Thấm thừa nhận sử dụng số tiền hơn 146 triệu từ BQLRPH Sông Lò, đem về xã, nhưng không cấp cho 12 hộ dân có tên trong danh sách nhận khoán bảo vệ rừng mà mua một số đồ dùng cho xã, trả tiền nợ tiếp khách của UBND xã. Còn lại ông Thấm sử dụng để điều trị bệnh cho cá nhân.

Cuối năm 2013, đầu năm 2014, rừng phòng hộ Sông Lò bị chặt phá tại nhiều khu vực.
Cuối năm 2013, đầu năm 2014, rừng phòng hộ Sông Lò bị chặt phá tại nhiều khu vực.

Trước tình hình trên, đến ngày 1/10, UBND huyện Quan Sơn đã quyết định không đồng ý thanh quyết toán số tiền nêu trên cho các hộ dân đã ký hợp đồng với BQLRPH Sông Lò vì: BQLRPH Sông Lò và UBND xã Sơn Hà không bàn giao diện tích rừng phòng hộ cho các hộ dân quản lý và các hộ dân không thực hiện bảo vệ rừng.

Đồng thời thu hồi 146.160.000đ mà ông Vi Hồng Thấm đã ký nhận, nộp vào tài khoản tạm giữ chờ xử lý. UBND huyện Quan Sơn cũng đề nghị Sở NN&PTNT làm rõ trách nhiệm lãnh đạo và cán bộ có liên quan của BQLRPH Sông Lò kiểm điểm trách nhiệm và xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật. 

Sau khi có kết quả giải quyết khiếu nại của UBND huyện Quan Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có văn bản chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan đến sai phạm, tổ chức thu hồi số tiền sử dụng sai mục đích vào ngân sách Nhà nước chờ xử lý. Sở Nông nghiệp cũng xem xét việc chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để xử lý theo quy định.

Duy Tuyên