Chủ tịch TPHCM: "TP Thủ Đức đang hoạt động như đơn vị cấp huyện"

Hoài Thu

(Dân trí) - Việc lập TP Thủ Đức với mô hình "thành phố trong thành phố" được kỳ vọng sẽ giúp địa phương làm những việc lớn, song thực tế triển khai, Chủ tịch TPHCM nói Thủ Đức đang hoạt động như đơn vị cấp huyện.

Một số vấn đề trong việc triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù của TPHCM cũng như việc thành lập và phát triển thành phố Thủ Đức, được Chủ tịch TPHCM Phan Văn Mãi trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội ngày 20/11.

Việc thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM với mô hình "thành phố trong thành phố", theo ông Mãi, được kỳ vọng tạo cơ hội cho đơn vị hành chính này có quy mô đủ lớn để "làm những việc lớn".

Chủ tịch TPHCM: TP Thủ Đức đang hoạt động như đơn vị cấp huyện - 1

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi (Ảnh: Quang Phúc).

Tuy vậy, thực tế quá trình triển khai, ông Mãi cho biết còn nhiều khó khăn do cơ chế, chính sách chưa đồng bộ. Đó là lý do vì sao thời gian qua, thành phố Thủ Đức vẫn đang hoạt động như một đơn vị cấp huyện.

"Khi quy mô và vị thế đã lớn nhưng chỉ hoạt động với cơ chế cấp huyện, nghĩa là cái áo cho TP Thủ Đức đã quá chật", theo lời ông Mãi.

Người đứng đầu chính quyền TPHCM cho rằng việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho địa phương này sẽ tháo gỡ nhiều vướng mắc hiện nay, đặc biệt trong việc thành lập các cơ quan, thực hiện một số cơ chế phân cấp, ủy quyền.

Với thành phố Thủ Đức, ông Mãi nhấn mạnh vấn đề quan trọng hiện nay là xây dựng đội ngũ đủ mạnh để thực hiện phân quyền.

Bên cạnh việc kết nối và tiếp sức cho thành phố Thủ Đức, ông Mãi cho biết TPHCM sẽ nghiên cứu để có thể chế vượt trội, phù hợp và đủ lớn cho TP Thủ Đức nói riêng và TPHCM nói chung.

Chủ tịch TPHCM: TP Thủ Đức đang hoạt động như đơn vị cấp huyện - 2

Chủ tịch TPHCM cho rằng TP Thủ Đức đang mặc một chiếc áo quá chật (Ảnh: Hải Long).

Để phân cấp mạnh mẽ hơn, theo ông Mãi, hoàn thiện hệ thống pháp luật là yêu cầu cấp thiết, song phải mang tính đồng bộ, và không thể quan niệm một luật hay một nghị quyết có thể giải quyết được mọi việc.

Thông tin thêm về việc cụ thể hóa Nghị quyết 98, Chủ tịch TP.HCM cho biết nhìn chung thành phố đang tích cực triển khai và khá thuận lợi.

"Thực tế có những vướng mắc nhưng TPHCM xác định chủ động nhận ra vấn đề, chủ động phối hợp giải quyết", theo lời ông Mãi.

Với một số vấn đề mới, ông cho biết địa phương đang học tập thêm kinh nghiệm quốc tế, ví dụ vấn đề về tín chỉ carbon, mô hình TOD, chính sách cho nhà đầu tư chiến lược…

Thành phố Thủ Đức rộng khoảng 211km2 với hơn một triệu dân, được thành lập đầu năm 2021, trên cơ sở sáp nhập quận 2, quận 9 và Thủ Đức, là mô hình thành phố trong thành phố đầu tiên trên cả nước.

Nơi đây được kỳ vọng là hạt nhân dẫn đầu, đóng góp 30% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TPHCM, tương đương 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước.

Nghị quyết 98 về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM được Quốc hội thông qua đã dành riêng một điều khoản về những cơ chế đặc thù cho thành phố Thủ Đức.

Theo đó, thành phố Thủ Đức được tổ chức lại và đổi tên 5 cơ quan chuyên môn do chuyển chức năng, nhiệm vụ qua lại với nhau; thành lập 3 tổ chức hành chính mới trực thuộc UBND thành phố Thủ Đức gồm: Phòng Giao thông công chính, Thanh tra xây dựng, Trung tâm phục vụ hành chính công.

Như vậy, UBND thành phố Thủ Đức sẽ có 16 phòng chuyên môn thực hiện chức năng quản lý Nhà nước.

Cũng theo nghị quyết của Quốc hội, UBND thành phố Thủ Đức được thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất trên cơ sở tổ chức lại Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng thành phố Thủ Đức. Trước đó, thành phố Thủ Đức đã thành lập 3 trung tâm mới, gồm: Phát triển hạ tầng kỹ thuật, An sinh xã hội, Xúc tiến thương mại và đầu tư.

HĐND thành phố Thủ Đức sẽ có 2 phó chủ tịch chuyên trách, có 3 ban (Kinh tế - xã hội, Pháp chế, Đô thị) và 8 đại biểu chuyên trách. Đồng thời, UBND thành phố Thủ Đức sẽ có 4 phó chủ tịch.

Dòng sự kiện: Thành phố Thủ Đức