1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chủ tịch TPHCM: "Có việc tôi chỉ đạo, sau 1 năm vẫn... còn nguyên"

Quốc Anh

(Dân trí) - Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, ông đã chỉ đạo giải quyết khó khăn cho một doanh nghiệp Nhà nước, nhưng sau 1 năm quay lại kiểm tra thì các nội dung kết luận vẫn còn nguyên.

Chiều 7/5, UBND TPHCM tổ chức hội nghị triển khai công tác cải cách hành chính hướng tới xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư của TPHCM.

Chủ tịch TPHCM: Có việc tôi chỉ đạo, sau 1 năm vẫn... còn nguyên - 1

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, tình trạng người dân, doanh nghiệp phải bổ sung hồ sơ nhiều lần vẫn còn xảy ra ở một số cơ quan, đơn vị. Đây là hạn chế lớn nhất của TPHCM hiện nay trong cải cách hành chính.

Phát biểu tại đây, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, công tác cải cách hành chính của thành phố được triển khai quyết liệt, đồng bộ trên các lĩnh vực, tạo chuyển biến trong hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước các cấp theo hướng kiến tạo, phục vụ.

Cải cách tài chính công đã đạt được kết quả tích cực theo hướng đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao tính công khai, minh bạch và hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính - ngân sách nhà nước.

Bên cạnh những kết quả nổi bật, TPHCM cũng nhận thấy còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Trong đó, hoạt động phối hợp trong giải quyết công việc giữa các cơ quan chuyên môn, các quận huyện, thành phố Thủ Đức vẫn chưa thật sự thông suốt, nhịp nhàng.

"Đặc biệt, tình trạng người dân, doanh nghiệp phải bổ sung hồ sơ nhiều lần vẫn còn xảy ra ở một số cơ quan, đơn vị. Đây là hạn chế lớn nhất của chúng ta hiện nay", người đứng đầu chính quyền thành phố nhìn nhận.

Ông Nguyễn Thành Phong dẫn ra câu chuyện xảy ra tại một doanh nghiệp Nhà nước mà ông từng chỉ đạo giải quyết khó khăn cách đây một năm. Sự việc này cũng ứng với câu nói mà Chủ tịch UBND TP từng nhiều lần nhắc tới là "không chấp nhận tình trạng trên bảo dưới không nghe".

Tháng 4/2020, ông Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp giải quyết khó khăn cho Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC Tân Thuận). "Tháng 4 vừa rồi tôi quay lại để nghe việc triển khai các nhiệm vụ của IPC thời gian qua như thế nào? Rà lại thì các nội dung kết luận cách đây 1 năm vẫn nguyên vẹn, không thực hiện. Thực hiện rất chậm, thậm chí có những nội dung vẫn còn nguyên", ông Phong bức xúc.

Chủ tịch UBND TP cho rằng, nếu tình hình như thế thì rất khó phục vụ người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần rút kinh nghiệm và quyết liệt hơn trong thời gian tới.

Chủ tịch TPHCM: Có việc tôi chỉ đạo, sau 1 năm vẫn... còn nguyên - 2

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận 2 (nay là TP Thủ Đức).

Bên cạnh đó, TPHCM chưa có chuyển biến mạnh mẽ trong khắc phục tình trạng giải quyết hồ sơ trễ hạn trên lĩnh vực đất đai, đầu tư và lý lịch tư pháp. Vẫn còn 56.632 hồ sơ giải quyết quá hạn, trong đó có 1.689 hồ sơ chưa thực hiện thư xin lỗi.

Năm 2020, vẫn còn 19,2% người dân, doanh nghiệp chưa hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Việc tiếp nhận và trả lời phản ánh của người dân, doanh nghiệp chưa kịp thời, nhất là phản ánh trên hệ thống cổng 1022 của thành phố và phản ánh kiến nghị về quy định hành chính.

Đáng chú ý, Chủ tịch UBND TP cho rằng, công tác khắc phục các tồn tại, hạn chế của Chỉ số cải cách hành chính (Chỉ số PAR Index) được thành phố đặc biệt quan tâm, triển khai quyết liệt, đồng bộ nhưng theo dự báo, kết quả của năm 2020 sẽ khó đạt vị trí trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước, thậm chí là ngày càng xa top 5.

Ông cho rằng, nỗ lực cải cách hành chính của thành phố phải nhìn vào kết quả cuối cùng và ví von như câu chuyện học bài đi thi: "Cố gắng học ngày học đêm và vận dụng các phương pháp để đạt điểm cao. Chứ nói cố gắng, nỗ lực mà cuối cùng điểm thấp thì làm sao được. Phải xem do phương pháp học hay nguyên nhân gì".

Để thực hiện cải cách hành chính tốt hơn trong năm 2021, Chủ tịch UBND TP lưu ý, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm công tác cải cách hành chính. Trong đó đặc biệt lưu ý tiếp tục đổi mới phương thức, lãnh đạo quản lý, tăng cường sự tương tác, đối thoại đối với người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cải cách hành chính phải gắn liền với chuyển đổi số của thành phố. Ngay tại lúc này, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, đây là cơ hội xuất hiện trong tình huống khó khăn để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số.