1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chủ tịch tỉnh vẫn lên Bộ Tài chính xin được giao thu thấp, chi nhiều

(Dân trí) - Kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, chỉ đạo của Thủ tướng tại Bộ Tài chính sáng nay, 26/8, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng yêu cầu làm rõ việc xây dựng dự toán thu chi giao địa phương, việc Bí thư, Chủ tịch tỉnh vẫn lên Bộ Tài chính để lo xin được giao thu thấp, được chi nhiều…


Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng là tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng làm việc với Bộ Tài chính.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng là tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng làm việc với Bộ Tài chính.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng – tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh thông điệp của Thủ tướng với Chính phủ khoá mới là quyết tâm xây dựng Chính phủ hành động, liêm chính, phục vụ, thống nhất giữa nói và làm, chuyển từ quản lý hành chính cứng nhắc chuyển sang cơ chế phục vụ người dân và doanh nghiệp để thu hút nguồn lực phát triển đất nước.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng quyết định lập một tổ công tác giúp Thủ tướng kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng. Đợt làm việc đầu tiên của tổ công tác là tại 2 Bộ kinh tế tổng hợp: Bộ KH-ĐT (hôm qua, 25/8) và Bộ Tài chính (hôm nay, 26/8).

Tổ trưởng tổ công tác cũng chia sẻ, sáng nay, trước khi đến Bộ Tài chính, Thủ tướng còn gọi ông để phê bình khi chưa thấy thông tin Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý chỉ đạo của Thủ tướng khi làm việc với bộ KH-ĐT về việc Bộ này phải kiểm điểm khi vẫn còn tư tưởng xin – cho, co kéo lợi ích nội bộ trong vấn đề chuẩn bị luật Đầu tư, xây dựng phương án phân bổ vốn…

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, với tinh thần kiểm tra, theo dõi, đôn đốc, rà soát mọi nhiệm vụ Chính phủ giao cho các bộ ngành cũng như những việc Bộ Chính trị đã quyết định, tổ công tác cũng như cơ quan được kiểm tra phải cùng nghiêm túc đánh giá những nhiệm vụ đã làm được, những nhiệm vụ chưa hoàn thành để tìm nguyên nhân, để tháo gỡ những việc khó khăn vướng mắc chưa thực hiện được.

“Thủ tướng cũng truyền đạt, thông qua tôi, yêu cầu Bộ tài chính làm rõ việc khi xây dựng dự toán giao địa phương thì Bộ Tài chính chưa siết chặt. Bí thư, Chủ tịch tỉnh/thành phố vẫn lên Bộ Tài chính để lo việc xin được giao thấp nhiệm vụ vượt thu, tăng thu, còn chi thì được chi nhiều, rồi xin được giữ lại 5% nguồn vượt thu để chi cho cải cách tiền lương” – tổ trưởng tổ công tác nói.


Hai Bộ trưởng trao đổi về việc thực hiện nhiệm vụ của bộ quản lý túi tiền quốc gia.

Hai Bộ trưởng trao đổi về việc thực hiện nhiệm vụ của bộ quản lý túi tiền quốc gia.

Ngoài ra, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khái quát, dù đã cải cách rất mạnh mẽ từ hải quan, thủ tục thuế, cắt giảm giấy phép con… nhưng so với yêu cầu của người dân, DN, hoạt động của Bộ Tài chính vẫn phải rà soát nhiều. Vẫn còn chỗ này chỗ khác, DN kêu ca phàn nàn.

Đáp lại ý kiến truyền đạt này, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng xác nhận, tồn tại về vấn đề lên dự toán thu – chi ngân sách đúng là như vậy. Như năm nay, đến thời điểm này, Bộ Tài chính đã phải làm dự toán đến lần thứ 4.

Ông Dũng giải thích, ban đầu dự toán luôn được lập theo truyền thống, nhưng sau khi “cò cưa” với địa phương thì có thay đổi.

“Mà địa phương thì các anh biết rồi, bao giờ chả muốn giao kế hoạch thu thấp, trung ương cũng muốn điều tiết thu thấp để có phần vượt thu cao. Bộ Tài chính ở thế khó vì làm người đứng giữa, trên thì kéo lên, dưới kéo xuống” – Bộ trưởng Tài chính ca thán.

Ông Đinh Tiến Dũng cũng kể lại việc, có lần, sau khi làm việc, thống nhất dự toán với các địa phương xong thì Thủ tướng lại yêu cầu giao thu thêm 30.000 tỷ đồng. Ở vị trí của mình, người đứng đầu ngành Tài chính khi đó cũng “vò đầu bứt tóc” không biết bổ cho ai nữa vì đã thống nhất với các tỉnh thành hết rồi. Chưa hết, sang đến Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội lại bảo “ông làm cho tôi 10.000 tỷ nữa để cải cách tiền lương”.

Bộ trưởng Tài chính thở dài than “chết dở”.

Để khắc phục việc này, ông Dũng cho biết, ông cũng họp rút kinh nghiệm với nhiều cán bộ. “Tôi đã phải chỉ đạo ông nào thoả hiệp với địa phương, tôi kỷ luật. Thay đổi dần từ năm đầu tiên, đến năm thứ 2, 3 thì dần dần, mỗi năm nguồn thu tăng thêm được 50-60 nghìn tỷ đồng. Khi đó, Chính phủ, Quốc hội mới thôi, không nhắc nữa vì tăng thu như vậy là quá cao rồi” – Bộ trưởng Tài chính khẳng định.

P.Thảo