Cà Mau:

Chủ tịch tỉnh “lệnh” tuyệt đối không trừ tiền hỗ trợ của dân

(Dân trí) - Chủ tịch tỉnh Cà Mau vừa có công văn khẩn chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, thực hiện hỗ trợ thiệt hại sau thiên tai cho người dân. Trong đó, tuyệt đối không bỏ sót đối tượng thụ hưởng hoặc để xảy ra tiêu cực, trục lợi,...

Theo UBND tỉnh Cà Mau, việc kiểm tra, xử lý các hạn chế, thiếu sót trong hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất lúa và đẩy nhanh tiến độ thực hiện hồ sơ, thủ tục hỗ trợ nông dân khôi phục nuôi thủy sản sau thiên tai hạn, mặn vừa qua, Chủ tịch tỉnh đã chỉ đạo, đôn đốc thường xuyên. Tuy nhiên, nhìn chung tiến độ thực hiện vẫn còn chậm so với yêu cầu, dẫn đến phát sinh kiến nghị, khiếu nại và bức xúc trong nhân dân.

Cụ thể như: Chỉ mới hoàn thành công tác kiểm tra hỗ trợ khôi phục sản xuất lúa tại TP Cà Mau; đa số các huyện còn lại vẫn đang trong giai đoạn rà soát, xử lý; việc chi trả tiền hỗ trợ khôi phục nuôi trồng thủy sản cho hộ dân chưa thực hiện được;…

Trước tình hình trên, để khắc phục hạn chế, thiếu sót nhằm đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chính xác, công khai, Chủ tịch tỉnh Cà Mau chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện các văn bản đã chỉ đạo vừa qua.

Yêu cầu các huyện Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời và Cái Nước đẩy nhanh tiến độ kiểm tra, rà soát, phân loại, xử lý các trường hợp thiếu sót trong việc hỗ trợ khôi phục sản xuất lúa. Đối với những hộ dân đã đủ thủ tục hồ sơ nhưng chưa nhận được tiền thì cần hỗ trợ ngay kinh phí cho dân. Đối với các trường hợp thiếu sót đã được xử lý, khắc phục cần rà soát lần cuối, qua đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý ngay hồ sơ hỗ trợ và kinh phí đã chi không đúng quy định. Đối với các trường hợp thiếu sót mới phát hiện chưa được xử lý, khắc phục cần khẩn trương thực hiện các thủ tục và quyết định hỗ trợ, tuyệt đối không bỏ sót đối tượng thụ hưởng chính sách hoặc để xảy ra tiêu cực, lợi dụng chính sách hỗ trợ nhằm trục lợi hoặc đề nghị ủng hộ các quỹ của địa phương.

Chủ tịch tỉnh yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực, vi phạm trong quá trình thực hiện chính sách theo quy định. Công bố công khai kết quả kiểm tra và xử lý sai phạm (nếu có) trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Yêu cầu các địa phương tập trung rà soát, xác định thiệt hại thủy sản nuôi, thẩm định hồ sơ kê khai sản xuất ban đầu, hóa đơn chứng từ đầu tư sản xuất trong thời gian ngắn nhất,… để hoàn tất thủ tục và quyết định hỗ trợ kinh phí cho hộ dân khôi phục sản xuất đúng quy định, tránh để xảy ra sai sót tiêu cực và chậm trễ, nhất là tránh bỏ sót đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng.

Chủ tịch tỉnh Cà Mau chỉ đạo các địa phương khẩn trương kiểm tra, thực hiện chính sách hỗ trợ thiệt hại sau thiên tai cho người dân. Trong đó, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, trục lợi hoặc đề nghị ủng hộ các quỹ của địa phương từ tiền hỗ trợ. (Ảnh minh họa)
Chủ tịch tỉnh Cà Mau chỉ đạo các địa phương khẩn trương kiểm tra, thực hiện chính sách hỗ trợ thiệt hại sau thiên tai cho người dân. Trong đó, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, trục lợi hoặc đề nghị ủng hộ các quỹ của địa phương từ tiền hỗ trợ. (Ảnh minh họa)

Trước đó, Dân trí đã có nhiều tin, bài phản ánh, trong quá trình thống kê, chi hỗ trợ thiệt hại do hạn, mặn trên địa bàn tỉnh Cà Mau, một số địa phương đã để ra sai sót khiến người dân bức xúc.

Như tại huyện U Minh, một số hộ dân ở ấp 1 (xã Khánh Lâm) bị thiệt hại lúa do hạn, mặn gây ra nhưng không được chính quyền địa phương xét hỗ trợ. Khi có tiền hỗ trợ, UBND xã chỉ chi 50%, còn lại 50% không chi cho dân. Bảng chi tiền hỗ trợ gửi cho dân thấp hơn bản thống kê gửi UBND huyện xét duyệt mức độ thiệt hại. Có hộ dân ở xã Khánh Hòa (huyện U Minh) còn phản ánh, hộ mình có tên trong danh sách nhận tiền nhưng thực sự không được nhận, nhưng lại có chữ ký nhận tiền.

Còn tại huyện Trần Văn Thời, có hàng chục hộ dân ở ấp Rạch Lùm A (xã Khánh Hưng) bị thiệt hại nhưng không được chính quyền địa phương xét hỗ trợ kinh phí để khôi phục sản xuất.

Tại huyện Thới Bình, nhiều người dân ở xã Biển Bạch bức xúc vì bị chính quyền địa phương “ăn chặn” tiền hỗ trợ hạn, mặn với danh nghĩa đóng góp vào Quỹ đền ơn đáp nghĩa. Theo đó, cứ một triệu đồng tiền hỗ trợ hạn, mặn, người dân phải đóng góp 40.000 đồng.

Nhiều người dân còn cho biết, họ còn bất bình khi việc hỗ trợ được thực hiện theo kiểu “ưu tiên” cán bộ, đảng viên. Ngoài ra, cán bộ ngang nhiên bớt xén tiền hỗ trợ của dân mà không hề có biên lai, chứng từ gì.

Huỳnh Hải