1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chủ tịch tỉnh Hải Dương thừa nhận có việc đốt pháo

(Dân trí) - “Tôi khẳng định việc đốt pháo trên địa bàn tỉnh là có, nhưng không ở mức quá nhiều. Nếu không ngăn chặn kịp thời thì việc đốt pháo lại bùng phát...” - ông Nguyễn Mạnh Hiển, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương thừa nhận.

Trao đổi với PV Dân trí vào gần trưa ngày hôm nay (18/2), ông Nguyễn Mạnh Hiển, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho hay: “Việc đốt pháo trên địa bàn tỉnh nhà trong dịp tết Quý Tỵ là có, tuy nhiên không phải ở mức quá nhiều, cần phải đánh giá đúng mức độ để có hướng giải quyết. Nói không có chuyện pháo nổ là không đúng”.

Ông Hiển khẳng định, dịp Tết nguyên đán Quý Tỵ vừa rồi, cơ quan chức năng địa phương đã thu được một số lượng pháo. Chủ tịch tỉnh đã chỉ đạo Giám đốc công an tỉnh, Chủ tịch các huyện kiểm tra, rà soát, đánh giá cụ thể việc đốt pháo xảy ra ở đâu, nguồn pháo ở đâu ra.  

Theo lời ông Hiển, dịp trước Tết nguyên đán, lãnh đạo tỉnh đã có chủ trương cảnh báo các địa phương ngăn chặn không để xảy ra tình trạng đốt pháo trong dịp Tết, cũng như các dịp lễ hội diễn ra trên địa bàn tỉnh.

Xác pháo bự tịt ngòi nằm nhan nhản bên đường trên địa bàn huyện Ninh Giang - Hải Dương

Xác pháo tịt ngòi nằm "nhan nhản" bên đường trên địa bàn huyện Ninh Giang - Hải Dương (Ảnh: Quốc Cường)

Xác pháo nằm vương vãi trên địa bàn huyện Gia Lộc - Hải Dương sau tết Quý Tỵ.
Xác pháo nằm vương vãi trên địa bàn huyện Gia Lộc - Hải Dương sau tết Quý Tỵ (Ảnh: Quốc Cường).
“Nếu không cảnh báo và ngăn chặn kịp thời thì tình trạng đốt pháo lại bùng phát. Như thế sẽ không đúng với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. UBND tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo ban ngành chức năng kiểm tra cụ thể khu vực, địa bàn xảy ra việc đốt pháo cũng như đánh giá đúng mức độ để sớm báo cáo về UBND tỉnh xem xét hướng xử lý trong thời gian tới” - ông Hiển cho biết.
Trước đó, theo khẳng định của ông Hoàng Mai Khương - Chánh văn phòng, người phát ngôn của UBND tỉnh Hải Dương, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ trên địa bàn tỉnh không xảy ra hiện tượng đốt pháo. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, tại khu vực thị trấn Gia Lộc, thuộc huyện Gia Lộc có rất nhiều mảnh giấy vụn là xác pháo màu đỏ nằm sát bên vệ đường, bên cạnh những chồng gỗ lớn bên đường.

Còn tại khu vực thuộc địa bàn huyện Ninh Giang, cách trung tâm thị trấn Ninh Giang vài km, phóng viên đã ghi nhận có nhiều xác pháo được đốt trước đó, vương vãi trước cửa nhiều gia đình nằm sát trên con đường trục chính. Đi vào bên trong thị trấn, không khó để ghi nhận nhiều đống pháo vụn được người dân thu dọn, vun lại bên cạnh hố thoát nước. Trong sân ngõ của một số hộ gia đình vẫn còn sót lại “tàn dư” xác pháo.

Tại một ngôi nhà mới xây, bên cạnh một quán cà phê thuộc địa phận làng Tranh, xã Đồng Tâm (Ninh Giang - Hải Dương) cũng ghi nhận được hình ảnh một đống pháo cỡ bự nằm lăn lóc trên nền đất sát nhà. Qua trao đổi, một người dân xin giấu tên cho hay, do pháo để lâu bị ẩm ướt nên khi đốt không phát nổ mà chỉ xì xịt.

Chiều ngày 17/2, ông Hoàng Mai Khương cũng đã thừa nhận việc đốt pháo dịp Tết nguyên đán là có, tuy nhiên chỉ xảy ra lẻ tẻ ở vài địa điểm mà thôi. Ông Khương khẳng định, trong buổi họp đầu năm mới diễn ra vào hôm nay (18/2), lãnh đạo tỉnh Hải Dương sẽ yêu cầu các huyện, thị xã báo cáo và kiểm tra, xử lý nghiêm túc việc đốt pháo đã xảy ra trên địa bàn các huyện dịp đầu xuân Quý Tỵ.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này đến độc giả.

Quốc Đô