Đà Nẵng:
Chủ tịch thành phố ăn cá biển để "trấn an" người dân
(Dân trí) - Chiều 30/4, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã cùng đại diện các ban, ngành chức năng trực tiếp xuống Âu thuyền Thọ Quang để ghi nhận những khó khăn của người dân, đặc biệt là ngư dân vùng biển sau vụ cá chết ở các tỉnh phía Bắc miền Trung cũng như hiện tượng cá chết lan sang vùng biển Đà Nẵng.
Ngay sau buổi làm việc này, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cùng lãnh đạo các ban, ngành chức năng đã cùng người dân địa phương chế biến và thưởng thức các món cá tại chỗ để khẳng định niềm tin của mình và để thuyết phục người dân an tâm sử dụng hải sản đánh bắt tại vùng biển Đà Nẵng.
Ngư dân đang vô cùng khó khăn
Ảnh hưởng từ thông tin sau vụ cá chết ở các tỉnh phía Bắc miền Trung và thông tin hiện tượng cá chết lan sang vùng biển Đà Nẵng, không ít người dân thành phố tỏ ra hoang mang, không dám ăn thịt cá, khiến ngư dân địa phương lâm vào cảnh khó khăn.
Trao đổi tại buổi họp báo cáo tình hình với Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, ông Cao Văn Minh - Chủ tịch hiệp đoàn nghề cá phường Nại Hiên Đông (Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) bày tỏ, nỗi lo lớn nhất của ngư dân địa phương hiện nay là mất nguồn doanh thu mưu sinh chính từ con cá.
“Cá khai thác được nhưng không bán được thì làm sao chúng tôi có thể xoay vòng từ đó tiếp tục bám biển. Nghiệp đoàn tôi có 40 chiếc tàu thì đã nghỉ 20 chiếc. Từ đó, đa số lao động đã nghỉ biển vì phải lo kế sinh nhai từng ngày, nhiều người đã chuyển tìm việc phổ thông khác. Chúng tôi mong muốn lãnh đạo TP cần khẳng định sự an toàn của ngư trường” - ông Minh nói.
Ông Lê Văn Sang - Tổ trưởng Tổ hậu cần nghề cá Đà Nẵng nói: “Ngoài biển chúng tôi thu mua theo mức giá bình thường, nhưng đem hàng vào thì chúng tôi bán không được. Không đủ thu để chi trả cho thuyền viên”
Theo ghi nhận của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP Đà Nẵng, bắt đầu từ ngày 24/4, cảng cá Thọ Quang bắt đầu có những dấu hiệu sụt giảm sản lượng. Đến trưa 27/4, khi xuất hiện thông tin cá chết dạt vào biển Đà Nẵng, thì lượng tiêu thụ giảm hẳn, từ đó dẫn đến tình trạng các chủ tàu, tiểu thương hoang mang.
Từ ngày 27/4-30/4, số lượng tàu cập cảng là 65 chiếc đã giảm còn 11 chiếc. Gần 3000 người lao động mưu sinh ở cảng lâm vào cảnh khó khăn.
“Sở NNPTNT Đà Nẵng đã gởi công văn cho Bộ NNPTNT để xác minh nguyên nhân cá chết những hiện nay vẫn chưa được Bộ trả lời” - ông Nguyễn Phú Ban - Giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng cho biết.
Ngành chức năng hiến kế
Ngay khi có thông tin một số cá chết dạt vào bờ biển Đà Nẵng khiến người dân hoang mang, lo không dám tắm biển, không dám ăn cá, Sở Tài nguyên - Môi trường Đà Nẵng đã nhanh chóng tiến hành lấy mẫu nước biển xét nghiệm từ chiều 27/4 và chiều 28/4, Sở này cùng với Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Đà Nẵng phát thông cáo khẳng định biển Đà Nẵng vẫn an toàn cho các hoạt động thể thao, giải trí dưới nước.
Các thông số kỹ thuật trong mẫu xét nghiệm lấy mẫu từ chiều 27/4 không chênh lệch nhiều so với mẫu lấy từ ngày 17/4/2015. Thông cáo này đã có hiểu quả trong việc giúp người dân tin tưởng, an tâm ăn cá, tắm biển ở Đà Nẵng.
Theo bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, quan trọng nhất là làm sao để có lời đảm bảo với người dân về chất lượng cá, cũng là đảm bảo sức khỏe của người dân? Đại diện Sở Công thương Đà Nẵng chia sẻ, băn khoăn của người dân là chưa xác định được cá có an toàn hay không. Thứ hai là người dân chưa biết cá có từ các tỉnh khác đem vào thành phố tiêu thụ hay không.
Ý kiến của lãnh đạo các ngành chức năng Đà Nẵng đề xuất cần phối hợp liên ngành để kiểm soát nguồn cá từ hai đầu về Đà Nẵng, kiểm định chất lượng rồi sau đó giao lại cho các chợ tiêu thụ sau khi đã xác định nguồn thực phẩm an toàn cho người dân sử dụng.
Cán bộ ăn cá hàng ngày để người dân yên tâm
Ghi nhận các ý kiến của các bên và các ban, ngành chức năng, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề nghị các ngành chức năng phải có trách nhiệm với lời nói của mình trước dân, phải chính xác. Ông Thơ còn đề nghị cán bộ, công chức ăn cá trong bữa ăn hàng ngày nếu tin tưởng cá ở các chợ Đà Nẵng là an toàn.
Ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề nghị các ngành chức năng phải có trách nhiệm với lời nói của mình trước dân, phải chính xác.
“Chúng ta không phiêu lưu, đánh đổi sức khỏe của người dân chỉ để bán được cá. Nhưng chúng ta phải có kiểm tra, xét nghiệm để đưa ra thông tin chính xác về việc cá chúng ta không có vấn đề gì để tránh tình trạng tin đồn, làm ảnh hưởng đến cả nền kinh tế. Không thể để ngư dân khó khăn” - ông Thơ nói.
Chủ tịch UBND TP chỉ đạo, trong thời gian tới, các ban, ngành chức năng khẩn trương rà soát lại toàn bộ quy trình hướng dẫn, kiểm soát, định vị từ việc ra khơi đánh bắt cho đến đưa nguồn cá về nơi tiêu thụ của các tàu của nhiều nơi. Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT cần kiểm soát tất cả các nguồn cá ngay từ cá cảng cá để người dân yên tâm. Nguồn đầu vào kiểm soát được hệ thống phân phối thì chúng ta công khai nguồn gốc sản phẩm để người dân yên tâm... Cuối cùng, qua hệ thống phân phối, chủ vựa, đầu nậu, tiểu thương... đăng ký làm hệ thống phấn phối cá sạch xây dựng niềm tin trong người dân.
Thanh Hoá: Kiểm soát thị trường hải sản
Ngày 30/4, UBND tỉnh Thanh Hoá có công điện yêu cầu kiểm soát, chặn hành vi vận chuyển thuỷ hải sản không đủ điều kiện vệ sinh từ tỉnh ngoài vào tiêu thụ trên địa bàn Thanh Hoá. Công điện được gửi tới Chi cục Quản lý thị trường, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Nội dung công điện nêu rõ, tăng cường công tác điều tra, nắm bắt thông tin và bố trí lực lượng kiểm tra trên các tuyến Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh và tại các cửa biển để kịp thờỉ phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hàng vi lén lút vận chuyển thuỷ, hải sản và các sản phẩm chế biến từ hải sản từ các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế vào tiêu thụ tại địa bàn.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các đầu mối cung cấp thuỷ, hải sản trong tỉnh như các cảng cá, kho đông lạnh, chợ đầu mối, các cơ sở kinh doanh hải sản, các nơi tiêu thụ thủy, hải sản, nhà hàng, khách sạn, cơ sờ chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn, đặc biệt là tại các địa phương ven biển phát triển dịch vụ du lịch như thị xã sầm Sơn, huyện Tĩnh Gia, huyện Hoằng Hoá… nhằm đảm bảo kiểm soát tốt thuỷ, hải sản đầu vào trong chế biến thực phẩm, chỉ sử dụng thuỷ, hải sản có nguồn gốc, xuất xứ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nguyễn Thùy
Khánh Hiền