Chủ tịch tập đoàn Hòa Phát sắm máy bay riêng
(Dân trí) - Số tiền 17,42 tỷ đồng là chi phí ban đầu mà Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát đã bỏ ra để sắm máy bay riêng cho mình do nhu cầu công việc. Được biết, chiếc máy bay trong tương lai này sẽ chủ yếu phục vụ cho hoạt động khai thác mỏ trong nước.
Trước Đại hội cổ đông thường niên năm 2010, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long cho biết đã bỏ ra khoản chi 17,42 tỷ đồng là số tiền ban đầu để mua máy bay riêng.
Toàn bộ số tiền từ mua bán, thuê phi công, sân bay, các chi phí liên quan đến hoạt động bay… đều do cá nhân ông Long chi trả phục vụ cho công việc nhưng hợp đồng mua bán này được ký kết thông qua Tập đoàn Hòa Phát.
Hiện tại, thương vụ mua bán máy bay vẫn đang trong quá trình thương thảo hợp đồng nên chiếc máy bay vẫn chưa về đến Việt Nam. Thông tin từ Tập đoàn Hòa Phát cũng cho biết, đây sẽ là máy bay tầm thấp, lên thẳng, bay nội địa được dùng để phục vụ chủ yếu cho hoạt động khai thác mỏ.
Như vậy, tính đến nay, ông Trần Đình Long là người thứ hai tại Việt Nam công khai sở hữu máy bay riêng (thông tin cụ thể về loại máy bay hiện chưa được tiết lộ - PV). Trước đó, ông chủ Hoàng Anh Gia Lai - Đoàn Nguyên Đức là người đầu tiên ở Việt Nam sắm phi cơ riêng Beechcraft King Air 350 trị giá 5,1 triệu USD.
Trao đổi với một lãnh đạo cục Hàng Không Việt Nam, máy bay khi về đến Việt Nam sẽ phải được Cơ quan tiêu chuẩn an toàn bay kiểm tra kỹ thuật. Nếu đạt yêu cầu về kỹ thuật, quy trình sửa chữa, bảo dưỡng và nhân sự thì sẽ được cấp các chứng chỉ an toàn.
Theo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006, máy bay đăng ký mang quốc tịch Việt Nam phải có đủ các điều kiện: Chưa có quốc tịch của bất kỳ quốc gia nào hoặc đã xóa quốc tịch nước ngoài; có giấy tờ hợp pháp chứng minh về sở hữu máy bay; phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định hoặc công nhận; máy bay thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân Việt Nam và do tổ chức, cá nhân Việt Nam khai thác phải đăng ký mang quốc tịch Việt Nam. Bộ Giao thông vận tải là nơi cấp giấy chứng nhận đăng ký quốc tịch máy bay.
Bên cạnh đó, máy bay chỉ được phép khai thác trong vùng trời Việt Nam khi có giấy chứng nhận đủ điều kiện bay còn hiệu lực do Bộ Giao thông Vận tải cấp hoặc công nhận. Người khai thác máy bay là cá nhân không được phép khai thác máy bay vì mục đích thương mại…
Lãnh đạo này cũng nhấn mạnh: bất cứ một máy bay nào trước khi bay lên trời thì phải đảm bảo an toàn về khai thác và an ninh quốc phòng. Theo đó, ngoài việc bị cấm bay qua các khu vực nhạy cảm, liên quan đến an ninh quốc phòng tàu bay cũng phải có giấy phép nếu muốn bay qua vùng trời có các hoạt động tổ chức lễ hội hay sự kiện được yêu cầu hạn chế.
Lan Hương