1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chủ tịch Quốc hội: Mỗi giấy phép là một cửa… cơ hàn với người dân

(Dân trí) - “Thực tế người dân khi làm nhà, xây dựng, chạy được giấy phép cơ cực lắm. Mỗi cửa phải xin phép mà một cửa cơ hàn, tình hình hiện tại đang là như thế đấy” - Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói về luật Xây dựng sửa đổi tại UB Thường vụ ngày 21/2.

Dự thảo luật Xây dựng sửa đổi tiếp tục được chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ 2 và biểu quyết thông qua trong kỳ họp thứ 7 tới đây theo dự kiến.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường Phan Xuân Dũng nhấn mạnh mục đích tiến hành hoạt động đầu tư xây dựng là nhằm tạo lập công trình xây dựng thông qua các hình thức xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa, mở rộng công trình xây dựng. Theo đó, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật được chỉnh sửa theo hướng quy định về hoạt động đầu tư xây dựng; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động đầu tư xây dựng; quản lý Nhà nước về hoạt động đầu tư xây dựng.

Để tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng đối với các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư, tránh thất thoát, lãng phí, cơ quan soạn thảo đề nghị quy định giao các cơ quan chuyên môn về xây dựng chủ trì tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở của các dự án. Đây là bước đổi mới cơ bản so với quy định hiện hành. 
Chủ tịch Quốc hội: Thực tế người dân khi làm nhà, xây dựng, chạy được giấy phép cơ cực lắm.
Chủ tịch Quốc hội: "Thực tế người dân khi làm nhà, xây dựng, chạy được giấy phép cơ cực lắm".

Tuy nhiên, như lo ngại của UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường, với yêu cầu thẩm định này, khối lượng công việc cơ quan quản lý nhà nước phải đảm nhận tăng lên rất lớn, có thể dẫn tới tình trạng quá tải, gây chậm trễ, ách tắc, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án như đã từng xảy ra trước năm 2009, cơ quan soạn thảo (Bộ Xây dựng) đã cân nhắc chỉnh lý quy định theo hướng phân cấp việc tổ chức thẩm định các thiết kế xây dựng tiếp theo sau thiết kế cơ sở cho cơ quan chuyên môn của người có thẩm quyền quyết định đầu tư.

Cơ quan thẩm tra đã “gật đầu” với hướng xử lý này, quy định thẩm quyền thẩm định được phân loại theo tính chất, quy mô, nguồn vốn dự án và thiết kế xây dựng trong Điều 60, Điều 85 dự thảo luật.

Tham gia ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi: “Không biết hiện tại một công trình xây dựng  giờ cần bao nhiêu loại giấy phép. Có luật mới sẽ bớt được giấy nào?”.

Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý vấn đề này. Ông nhắc, thực tế người dân khi muốn làm nhà, đầu tư xây dựng, “chạy được cái giấy phép cơ cực lắm” nên phải làm sao đưa thủ tục về một cửa. Ví dụ hồ sơ để xin cấp phép thì nội dung về đảm bảo công tác phòng hỏa, kiến trúc… đều nằm trong đó, khi cơ quan quản lý xây dựng quyết định cấp phép thì nghĩa là các nội dung quản lý chuyên ngành kia cũng phải được thông qua cả, không để người dân phải chạy vòng các cửa.

“Mỗi cửa phải xin phép mà một cửa cơ hàn, tình hình hiện tại đang là như thế đấy” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu triệt để các ý kiến, sẽ tiếp tục làm rõ, điều chỉnh, hoàn thiện dự thảo luật cũng UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường. Nguyên tắc là sao để vừa đảm bảo quản lý chặt chẽ, chống thất thoát tiền vốn của nhà nước, đồng thời cải cách thủ tục để người dân nắm được các quy định một cách nhanh nhất, tạo nguồn lực huy động cho xây dựng, tức là thủ tục phải đơn giản nhất mà vẫn đảm bảo các khâu quản lý, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát.

Về dự thảo luật Đầu tư công cũng được UB Thường vụ thảo luận trong chiều 21/2, Chủ nhiệm UB Kinh tế (cơ quan thẩm tra dự luật) Nguyễn Văn Giàu cho rằng, so với quy định hiện hành về quản lý chương trình, dự án đầu tư công, dự án Luật đã có những quy định mới, chặt chẽ hơn về phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư.

Dự án Luật quy định tất cả chương trình, dự án đầu tư công đều phải thực hiện phê duyệt chủ trương đầu tư thay vì chỉ có những chương trình, dự án quan trọng quốc gia mới phải được Quốc hội phê duyệt như hiện nay. Với số lượng các dự án đầu tư nhóm A đang triển khai và thực hiện mới hàng năm, việc quy định Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư là hợp lý và khả thi, đồng thời cũng đảm bảo tính ổn định, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về việc Quốc hội phê duyệt danh mục chương trình, dự án quan trọng quốc gia và danh mục dự án Nhóm A trong Kế hoạch đầu tư trung hạn như quy định tại điểm c, Khoản 1 Điều 49 về trình và giao kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn vốn ngân sách Nhà nước, công trái quốc gia, trái phiếu Chính phủ của cả nước.

P.Thảo