Chủ tịch Quốc hội: Đại biểu bỏ lá phiếu rất nhẹ, nhưng trọng trách nặng nề
(Dân trí) - Thời điểm gần hết năm thứ 3 của nhiệm kỳ, đủ thời gian để đánh giá từng chức danh. Những chuyển biến của đất nước hơn 1 năm qua cũng là căn cứ để xem xét trách nhiệm. Quốc hội có nhiều kinh nghiệm hơn, thận trọng trong lần thứ 2 lấy phiếu tín nhiệm…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Mỗi đại biểu phải có trách nhiệm trước nhân dân về lá phiếu của mình. (Ảnh: Minh Thanh)
Chủ tịch Quốc hội nhận định, lần thứ 2 tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để hoạt động này mang lại kết quả chính xác, tích cực.
Cụ thể, lần thứ 2 đánh giá tín nhiệm, Quốc hội sẽ có kinh nghiệm hơn. Lần thứ 2 tổ chức lấy phiếu tiến hành sau gần 3 năm của nhiệm kỳ khoá XIII, theo Chủ tịch Quốc hội, mỗi đại biểu cũng có thời gian quan sát, đánh giá hơn công việc của mỗi chức danh chủ chốt trong bộ máy so với 2 năm đầu nhận nhiệm vụ của lần lấy phiếu trước.
Về cơ sở để đánh giá tín nhiệm, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, việc lấy phiếu tổ chức sau khi Quốc hội thảo luận về tình hình đất nước, từ lĩnh vực kinh tế xã hội tới đối ngoại, quốc phòng an ninh… và đã ban hành Nghị quyết về kinh tế xã hội là một căn cứ vững chắc cho việc bỏ phiếu.
Cụ thể, Chủ tịch Quốc hội đánh giá, thời gian qua, công tác lập pháp, hành pháp, tư pháp của đất nước đều có chuyển biến tích cực. “Lĩnh vực hành pháp, từ nhận định nền kinh tế ở tình trạng trì trệ, khó khăn, khủng hoảng đến thời điểm này, dù đất nước vẫn còn rất khó khăn nhưng chúng ta đã tạo được đà mới để tiếp tục thúc đẩy phát triển” – Chủ tịch Quốc hội nói.
Qua một năm nhìn lại kết quả lấy phiếu lần trước, với cả những vị trí được đánh giá tín nhiệm cao cũng như những vị trí nhận kết quả chưa thật cao đều là những lời nhắc nhở để nỗ lực khắc phục khuyết điểm của bản thân, của ngành, hoàn thành tốt hơn công việc của mình.
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nói: “Nhiều đại biểu phát biểu đánh giá cho rằng, chuyển biến tích cực của những người được lấy phiếu vừa qua rất rõ ràng, dư luận đã chỉ rõ Bộ trưởng này, Trưởng ngành kia có rất nhiều cố gắng, nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ, thúc đẩy công việc tốt hơn”.
Theo Chủ tịch Quốc hội, đó cũng là căn cứ để đánh giá về việc thực hiện nhiệm vụ của các chức danh.
Dù vậy, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, việc đánh giá tín nhiệm là do từng đại biểu đưa ra chứ không phải của cả Quốc hội, thông qua thảo luận tập thể và biểu quyết công khai. Do vậy, công việc hệ trọng này đặt vào từng vị đại biểu, đòi hỏi sự thận trọng, khách quan, công tâm nhất có thể.
“Tôi là cũng là đại biểu, các vị lãnh đạo ngồi đây cũng là đại biểu – mỗi người đều có trách nhiệm trước đồng bào cử tri, nhân dân cả nước về quyết định của mình. Tôi tin các đại biểu lần này đều có đủ tự tin để bỏ lá phiếu dù rất nhẹ nhưng trọng trách rất nặng nề” – Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.
Chủ tịch Quốc hội nhắc các đại biểu căn cứ vào những thông tin chính thức, có kiểm chứng để đánh giá, tránh việc phán đoán thông tin nhận được từ nhiều nguồn khác theo khía cạnh này, khía cạnh kia khiến việc đánh giá tín nhiệm lệch lạc, không chính xác. Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định, đến thời điểm này, Quốc hội cho biết không nhận được yêu cầu của đại biểu nào về việc đề nghị chức danh nào trong danh sách được lấy phiếu phải giải trình về các việc liên quan.
P.Thảo