Chủ tịch, Phó chủ tịch cấp xã sẽ được huấn luyện nghiệp vụ PCCC
(Dân trí) - Theo dự thảo luật PCCC&CNCH, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã; trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; người đứng đầu cơ sở... sẽ được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về PCCC&CNCH.
Tại Điều 45 dự thảo luật PCCC&CNCH quy định về huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ như sau:
Đối tượng được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ bao gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã; trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; người đứng đầu cơ sở.
Ngoài ra, dự thảo luật cũng quy định, thành viên đội PCCC&CNCH cơ sở, thành viên đội PCCC&CNCH chuyên ngành, thành viên đội dân phòng cũng sẽ được huấn luyện, bồi dưỡng về nghiệp vụ PCCC&CNCH.
Tiếp đó, những người được phân công thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại cơ sở; người được phân công thực hiện kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở; người làm việc trong môi trường nguy hiểm cháy, nổ hoặc thường xuyên tiếp xúc với chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ;
Người điều khiển phương tiện, người làm việc trên phương tiện giao thông quy định tại khoản 10 Điều 2 của Luật này; người đã đăng ký tham gia hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tình nguyện và những đối tượng khác có nhu cầu.
Theo đơn vị soạn thảo dự luật PCCC&CNCH, về nội dung huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ sẽ bao gồm: quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; kiến thức, kỹ năng về phòng cháy; kiến thức, kỹ năng về chữa cháy; kiến thức, kỹ năng thoát nạn, cứu nạn…
Dự thảo luật cũng quy định, lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH và cơ sở đào tạo về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thực hiện việc huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Công an quy định về huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH và các lực lượng khác trong công an nhân dân.
Những chính sách của nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ
Dự thảo luật PCCC&CNCH quy định, bảo đảm ngân sách nhà nước, cơ sở, vật chất, phương tiện, thiết bị hiện đại, nguồn nhân lực, chế độ, chính sách, các điều kiện hoạt động cho lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH; xây dựng lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong mọi tình huống.
Thứ hai, huy động, sử dụng các nguồn lực cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Đầu tư, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và truyền tin báo cháy bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu tại những nơi bố trí đơn vị cảnh sát PCCC&CNCH.
Thứ ba, đào tạo, bồi dưỡng, bảo đảm nguồn nhân lực của cơ quan quản lý chuyên ngành để thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và nguồn nhân lực thực hiện thẩm định thiết kế, kiểm tra công tác nghiệm thu, kiểm tra về phòng cháy và chữa cháy.
Thứ tư, bố trí lực lượng, phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phù hợp, bám sát địa bàn cơ sở; khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân xây dựng, tham gia, duy trì các mô hình an toàn về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại cộng đồng.
Thứ năm, khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, đầu tư, xây dựng, chuyển giao hệ thống, phương tiện, thiết bị phục vụ hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Thứ sáu, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ cơ quan nhà nước thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật căn cứ vào tính chất, mức độ đóng góp.