Chủ tịch nước nói về vai trò "anh hai Nam bộ" của TPHCM
(Dân trí) - "Với vai trò "anh hai Nam bộ", TPHCM cần chủ động đề xuất cơ chế, chính sách cùng các địa phương trong vùng phân bổ sản xuất hợp lý, tránh việc tập trung lao động một địa bàn", Chủ tịch nước nói.
Chiều 12/10, tại Hội nghị giám sát công tác phòng, chống dịch và tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách TPHCM năm 2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra những đánh giá về công tác phòng, chống dịch và gợi mở trong việc phục hồi sau đại dịch của thành phố.
Người đứng đầu Nhà nước đánh giá, TPHCM đã vượt qua thời điểm khó khăn, thử thách nhất trong việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân. Thành công trên đến từ việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch sáng tạo, hiệu quả và sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố.
Thời gian tới, TPHCM sẽ bước vào chặng đường mới với những khó khăn, thách thức trong việc khôi phục, duy trì và phát triển nền kinh tế.
Tiếp tục giãn cách có thể dẫn tới những điều tồi tệ hơn
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đồng tình với việc chuyển đổi chiến lược từ "Zero Covid" sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và khôi phục, phát triển kinh tế. TPHCM cần hiểu rõ ràng, nhất quán quan điểm này để huy động nguồn lực từ người dân, doanh nghiệp cùng tham gia quá trình phục hồi kinh tế.
"Sống chung với Covid-19 cần những phương thức phù hợp để tránh lây lan dịch bệnh. Điều kiện quan trọng nhất là vaccine Covid-19 và biện pháp 5K", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Tuy nhiên, để từng bước phục hồi kinh tế, điều kiện tiên quyết của TPHCM là kiểm soát tốt dịch bệnh. Chủ tịch nước đề nghị thành phố cần xây dựng những biện pháp quản lý rủi ro, đánh giá, giám sát nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh tới TPHCM trong thời gian trước mắt.
"Chúng ta cần có những tiêu chí an toàn chặt chẽ hơn. Kinh nghiệm về quản lý rủi ro của các nước trong khu vực và thế giới cho thấy, nếu không quản lý chặt chẽ, nhiều nước đã mở cửa ra, rồi phải đóng lại", ông Nguyễn Xuân Phúc dẫn chứng.
Người đứng đầu Nhà nước cũng nhấn mạnh, sự phát triển, thành công, tính bền vững của kinh tế thành phố về lâu dài sẽ phụ thuộc phần lớn vào công cuộc phục hồi và phát triển trước mắt. Nếu TPHCM không thành công, hậu quả sẽ rất nặng nề.
"Nếu tiếp tục đóng cửa, TPHCM sẽ không chịu nổi. Không chỉ mang tới hậu quả là kinh tế tăng trưởng âm 5% mà còn dẫn đến những điều tồi tệ hơn. Hậu quả ngắn hạn là phá sản hàng loạt doanh nghiệp, hàng triệu người mất việc làm, sang chấn tâm lý nặng nề do đại dịch...", Chủ tịch nước lưu ý.
Trong bối cảnh đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc giao TPHCM tập trung 5 nhiệm vụ thiết yếu trong việc khôi phục kinh tế. Trong đó, thành phố cần đảm bảo huyết mạch kinh tế, lưu thông hàng hóa, hoạt động tài chính, tín dụng, cung ứng, nguồn lao động được thông suốt.
Đối với các khó khăn của doanh nghiệp, địa phương cần sớm đối thoại, nắm bắt để triển khai nhanh, hiệu quả việc hỗ trợ vốn, thuế. Công tác đầu tư công cần được đẩy mạnh, tạo độ lan tỏa cao với những lĩnh vực trọng tâm.
Chủ tịch nước cũng nhìn nhận, vấn đề việc làm, lao động là một trong những điểm mấu chốt của thành phố thời gian tới. Thành phố cần phối hợp với các tỉnh, thành trong việc đưa người lao động trở lại, đào tạo, kết nối người lao động với doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Chủ tịch nước nhấn mạnh, thành phố cần tiếp tục đảm bảo an sinh, xã hội cho người dân trên địa bàn. Trong đó, nhóm đối tượng tổn thương bởi dịch bệnh, người ảnh hưởng sức khỏe, tinh thần cần tiếp tục được tạo điều kiện hỗ trợ bằng các nguồn lực.
Thành phố cần phát huy vai trò "anh hai Nam bộ"
"TPHCM cần nhanh chóng xây dựng kế hoạch trung hạn, phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2025. Kế hoạch này nhằm lấy lại đà tăng trưởng và tạo sức bật cho những năm sau", Chủ tịch nước nhấn mạnh đây là vấn đề cấp bách được đặt ra cho TPHCM.
Trong đó, TPHCM cần tập trung nghiên cứu, tìm ra những động lực tăng trưởng mới nhằm tháo gỡ những vấn đề trước mắt. Bên cạnh các chính sách về đào tạo nhân lực, đầu tư, xuất nhập khẩu, thành phố cần tìm cách khắc phục những vướng mắc về thể chế đang cản trở việc phát triển kinh tế.
"Đề nghị TPHCM thực hiện việc cải cách chính sách rộng hơn, nhằm tăng cường môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo ra cơ hội việc làm. Để làm được điều đó, thành phố cần lắng nghe, thấu hiểu những khó khăn của từng doanh nghiệp đang gặp phải", ông Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.
Trên quy mô rộng hơn, việc phát triển kinh tế TPHCM cần tính toán đến việc phối hợp và sự tác động đối với cả vùng. Chủ tịch nước đặt vấn đề, thành phố cần chủ động phối hợp với các địa phương trong việc phân bổ lao động, cung cấp việc làm đối với người lao động từ các tỉnh, thành khác.
"Với vai trò "anh hai Nam bộ", TPHCM cần chủ động đề xuất các cơ chế, chính sách để cùng các địa phương trong vùng phân bổ sản xuất hợp lý, tránh việc tập trung lao động tại một địa bàn", Chủ tịch nước định hướng.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đề cập tới mô hình kinh tế sáng tạo mà TPHCM có thể hướng tới. Trong mô hình đó, TPHCM cần khai thác, phát huy hiệu quả thế mạnh về tài nguyên đất đai.
"Kinh tế sáng tạo là mô hình nhiều nước trên thế giới đã và đang hướng đến. Thành phố cần lấy kinh tế sáng tạo là một cực phát triển, nếu không sẽ suy giảm vai trò đầu tàu kinh tế vốn có", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Cuối cùng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị TPHCM và các tỉnh, thành phía Nam cùng nghiên cứu về cơ chế phối hợp. Trong đó, các liên kết vùng rõ ràng cần được hình thành trong lĩnh vực giao thông, công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ...
"Tôi đề nghị TPHCM cần sớm xây dựng trung tâm tài chính khu vực. Khi chưa có trung tâm tài chính khu vực đặt tại TPHCM thì mô hình tăng trưởng của chúng ta chưa đạt yêu cầu", Chủ tịch nước kết luận tại buổi làm việc.