TPHCM:

Chủ tịch nước: Không nhân nhượng khi chủ quyền bị xâm phạm

(Dân trí) - “Chủ quyền là của ông bà tổ tiên chúng ta để lại. Chúng ta nhất quyết, không nhân nhượng khi bị xâm phạm”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói.

Sáng 17/5, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM đơn vị số 1 gồm Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và ông Trần Du lịch, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM tiếp tục có buổi tiếp xúc với cử tri quận 4.

Đại biểu Trần Du Lịch đã báo cáo trước bà con cử tri về nội dung dự kiến của chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13 sắp diễn ra.

Cử tri cũng đã trình bày nhiều ý kiến, sự quan tâm của mình về các dự án luật sắp được thông qua và nhiều vấn đề dân sinh đang nổi cộm hiện nay.

Cử tri Trần Thị Thanh Mai đề nghị Quốc hội cần chỉnh sửa luật Nghĩa vụ Quân sự làm sao để không có khe hở cho một số thanh niên “né” nghĩa vụ quân sự…

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Ta rất hòa hiếu. Ta muốn hòa bình

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: "Ta rất hòa hiếu. Ta muốn hòa bình"

Trước việc giá điện, xăng liên tục tăng trong thời gian qua, cử tri Đinh Phát Đạt đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần có biện pháp trợ giá để hỗ trợ đời sống của người dân.Tăng giá xăng, dầu, giá điện đã ảnh hưởng ghê gớm đến đời sống của người dân. Cuối năm 2014, người dân phấn khởi vì được bình ổn giá, yên tâm sản xuất nhưng đầu năm 2015, giá điện rồi giá xăng tăng. Xăng dầu tăng, các mặt hàng nông sản tăng. Người dân phải thắt lung buộc bụng, khổ trăm bề”, ông Đạt nói.

Đối với dự án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, cử tri Huỳnh Anh Tuấn cho rằng Quốc hội cần thẩm tra kỹ về mức độ kinh tế và thời gian thu hồi vốn. Đối với vấn đề biển Đông, cử tri Tuấn đề nghị Đảng, Nhà nước cần tăng cường các biện pháp để bảo vệ biển đảo, giữ vững ngư trường của nhân dân…

Cử tri Nguyễn Thị Thu Vân thì nêu ra một vấn đề “nóng hổi” hiện nay là có rất nhiều người không có việc làm, nhiều thanh niên ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh phải ra nước ngoài lao động theo diện xuất khẩu, cũng có nhiều người đi lao động nước ngoài chui… Trong khi đó, tại khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh), dự án Formosa lại tuyển đến 5.000 lao động Trung Quốc. “Cần cân nhắc, việc gì thanh niên ta làm được thì nên ưu tiên”, cử tri Vân kiến nghị.

Chủ tịch nước bắt tay, thăm hỏi bà con cử tri sau buổi tiếp xúc

Chủ tịch nước bắt tay, thăm hỏi bà con cử tri sau buổi tiếp xúc

Sau khi lắng nghe các ý kiến của đông đảo bà con cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã yêu cầu lãnh đạo UBND TPHCM, UBND quận 4 xem xét, giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong lĩnh vực phụ trách, trên địa bàn mà cử tri bức xúc, phản ánh. Đối với những vấn đề mà cử tri nhắn gửi, Đoàn ĐBQH TPHCM sẽ tổng hợp và có ý kiến đến Quốc hội trong kỳ họp sắp tới.

Về vấn đề biển Đông, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, quan điểm, lập trường của Việt Nam trước sau như một về chủ quyền lãnh thổ. Theo đó, trong Luật Biển và Biên giới Quốc gia, chúng ta khẳng định rằng, Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

Hiện nay, Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm giữ bằng vũ lực. Với Trường Sa các bên đã thỏa thuận giữ nguyên hiện trạng. Thế nhưng, Trung Quốc đang thay đổi hiện trạng bằng cách bồi đắp các đảo chìm thành đảo nổi nhân tạo. Họ đang làm rất khẩn trương, gần 2.000 công nhân làm việc mỗi ngày, bất chấp sự phản đối.

Biển Đông là luồng giao thông hàng hải quan trọng khi 50% hàng hóa thế giới đi lại vùng biển quốc tế này. Vì vậy, việc Trung Quốc liên tục gây hấn ở biển Đông rõ ràng đang thách thức dư luận quốc tế.

“Ta rất hòa hiếu. Ta muốn hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển nên được lòng bạn bè quốc tế. Ai đó nói rằng, Việt Nam rủ nước này, bao vây nước khác là áp đặt, bịa đặt. Ta nghèo nên lo làm ăn. Ta không chống ai cả mà muốn làm bạn với khắp thế giới trên cơ sở hòa bình, hữu nghị để xây dựng đất nước. Nhưng chủ quyền là của ông bà tổ tiên chúng ta để lại. Chúng ta nhất quyết, không nhân nhượng khi bị xâm phạm. Việt Nam tôn trọng Trung Quốc, Trung Quốc phải tôn trọng Việt Nam”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói.  

Công Quang