Chủ tịch nước: Hậu Giang đang trong thời kỳ vàng để phát triển
(Dân trí) - Theo Chủ tịch nước, Hậu Giang đang trong thời kỳ vàng, vì thế tỉnh cần phát huy tốt vị trí miền sông nước, phấn đấu đóng góp hiệu quả vào sự phát triển lớn mạnh của vùng ĐBSCL và cả nước.
Tối 1/1, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã dự Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh Hậu Giang (1/1/2004-1/1/2024).
Cùng dự buổi lễ có nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ban, ngành, địa phương,...
Lễ kỷ niệm vinh dự nhận lẵng hoa chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Phát huy lợi thế sông nước miền Tây
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, tỉnh Hậu Giang là vùng đất trung tâm của tiểu vùng Tây Sông Hậu và bán đảo Cà Mau, nơi có dòng kênh xáng Xà No trở thành biểu tượng con đường lúa gạo miền Hậu Giang.
Hậu Giang cũng là nơi có chợ nổi Ngã Bảy nổi tiếng lưu truyền mối tình đẹp của "anh bán chiếu" và lưu giữ nhiều giá trị truyền thống độc đáo của vùng Nam bộ; có bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng được mệnh danh là "lá phổi xanh" của vùng đất Chín Rồng.
"Trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ quê hương, nhân dân Hậu Giang đã vun đắp nên truyền thống đoàn kết, kiên trung bất khuất, gan dạ anh hùng", Chủ tịch nước khẳng định.
Theo Chủ tịch nước, năm 2004, khi mới thành lập, Hậu Giang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ và nhân dân Hậu Giang đã đồng lòng, chung sức, tỉnh phát triển bức phá đạt được những kết quả khá toàn diện, ấn tượng trên các lĩnh vực.
"Về Hậu Giang hôm nay, chúng ta vui mừng trước sự đổi thay, phát triển không ngừng của tỉnh nhà, diện mạo từ thành thị đến nông thôn tươi đẹp, rực rỡ hơn, tràn ngập sức sống mới, khí thế mới với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, hứa hẹn trở thành điểm sáng của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch nước, Hậu Giang cũng còn nhiều khó khăn, thách thức như: Kinh tế tăng trưởng cao nhưng quy mô nền kinh tế còn nhỏ; thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ đô thị hóa còn thấp; tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với trong vùng và cả nước; chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường ngày càng tăng;…
Trước những khó khăn còn tồn tại của Hậu Giang, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị tỉnh tiếp tục khơi dậy tinh thần đổi mới, ý chí tự lực tự cường và khát vọng vươn lên.
Theo Chủ tịch nước, Hậu Giang đang trong thời kỳ vàng, hội tụ điều kiện thế mạnh, tiềm năng…, vì thế tỉnh cần tập trung phát huy tốt vị trí của miền sông nước, lợi thế của địa phương đi sau, phấn đấu phát triển nhanh và bền vững, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển lớn mạnh của vùng và cả nước.
Là vựa lúa của miền Tây, Chủ tịch nước đề nghị Hậu Giang cần tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển nông nghiệp với năng suất cao, chất lượng tốt; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, có khả năng cạnh tranh; tích cực chuyển đổi số trong nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu;…
Chủ tịch nước cũng lưu ý, tỉnh phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa, xã hội; cần tiếp tục đầu tư bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng gắn với du lịch thái,…
"Đặc biệt, quan tâm bảo vệ tài nguyên nước ngọt, môi trường dòng sông Hậu, giữ gìn thật tốt khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng - vùng đất trời ban cho chúng ta.
Xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, văn minh vì cuộc sống chính mình và sự phát triển bền vững của tỉnh nhà; mỗi người dân cần nâng cao ý thức, giữ cân bằng sinh thái tự nhiên để Hậu Giang mãi đậm đà bản sắc của miền Tây sông nước", Chủ tịch nước yêu cầu.
Năm 2050, phấn đấu trở thành tỉnh khá của cả nước
Ngày 26/11/2003, Quốc hội khóa XI đã thông qua Nghị quyết số 22/2003/QH11 về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh. Theo đó, chia tỉnh Cần Thơ thành TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương và tỉnh Hậu Giang. Từ ngày 1/1/2004, tỉnh Hậu Giang chính thức đi vào hoạt động.
Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết khi mới chia tách từ tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang là tỉnh nghèo khó nhất của vùng ĐBSCL. Trong 20 năm qua, với sự quan tâm của Trung ương, chia sẻ của tỉnh, thành bạn, đến nay tỉnh đạt nhiều kết quả rất quan trọng.
Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh liên tục tăng từng giai đoạn, đặc biệt 2021-2023 tăng nhanh, cao hơn khu vực và cả nước.
"Có thể khẳng định, những thành tựu đạt được trong thời gian qua là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hậu Giang", ông Thanh khẳng định và cho biết Hậu Giang phấn đấu đến năm 2050 trở thành tỉnh khá của cả nước.