Chủ tịch nước dự lễ khởi công dự án nối hai đường cao tốc
(Dân trí) - Ngày 7/2, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ khởi công xây dựng giai đoạn 2 Dự án xây dựng tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Sáng ngày 7/2, UBND tỉnh Hà Nam phối hợp với Bộ GTVT tổ chức lễ khởi công xây dựng công trình thuộc Dự án thành phần II (giai đoạn 2) Dự án xây dựng tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và động thổ dự án. Tham dự còn có Đại tướng Ngô Xuân Lịch, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam; Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT; Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cùng lãnh đạo một số Bộ, ban ngành của Trung ương và lãnh đạo tỉnh Hà Nam.
Dự án thành phần II (giai đoạn 2) thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, đoạn qua tỉnh Hà Nam có chiều dài 16,5 km (từ cầu Thái Hà đến nút giao Liêm Tuyền) được đầu tư với mặt cắt mở rộng 12 m với tổng mức đầu tư 702,82 tỷ, thời gian thi công 20 tháng, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2023.
Khi dự án hoàn thành sẽ nâng cao năng lực khai thác của tuyến nối 2 cao tốc, đồng thời hoàn thiện đoạn tuyến đường kết nối QL38B đến đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (đoạn từ đường ĐT.491 đến đường nối 2 cao tốc qua Khu công nghiệp Thái Hà) nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm của tỉnh và khu vực.
Phát biểu tại lễ khởi công, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương sự cố gắng của Bộ GTVT, tỉnh Hà Nam và đơn vị thi công trong việc triển khai thi công dự án giao thông quan trọng này.
Chủ tịch nước nhấn mạnh tầm quan trọng của tuyến cao tốc kết nối này, giúp giảm tải giao thông cho khu vực nội đô Hà Nội, nâng cao hiệu quả kết nối giao thông, thu hút đầu tư và mở rộng không gian phát triển thương mại, du lịch, đô thị của vùng đồng bằng Bắc bộ, trực tiếp hưởng lợi từ dự án là nhóm các tỉnh, thành phố năng động và phát triển nhanh là Hà Nam, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình.
Giai đoạn 2 dự án tuyến nối 2 cao tốc huyết mạch này góp phần nâng cao quy mô, năng lực hạ tầng giao thông kết nối theo quy hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông, giao thương liên vùng ngày càng tăng.
Chủ tịch nước đề nghị Bộ GTVT, tỉnh Hà Nam, chủ đầu tư, các nhà thầu cần nhận thức đầy đủ trách nhiệm đối với dự án, làm đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng và hiệu quả công trình, chống tiêu cực, tham nhũng trong đầu tư, xây dựng cơ bản.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của giao thông đi trước một bước mở đường, dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, qua đó lưu ý ngành giao thông cùng với nghiên cứu phát triển hệ thống mạng lưới giao thông cần quan tâm, phối hợp các ngành, địa phương huy động nguồn lực như vốn nhà nước, vốn vay, xã hội hóa đầu tư bằng nhiều hình thức BOT, PPP để nâng cấp cảng biển, cảng thủy nội địa, quy hoạch phát triển các chuỗi đô thị nhằm phát huy tối đa hiệu quả của việc đầu tư hạ tầng giao thông đối với phát triển kinh tế xã hội của các địa phương cũng như cả nước.
Tại buổi khởi công, ông Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, khẳng định, tỉnh Hà Nam đã tập trung thu hút tối đa các nguồn lực, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó hạ tầng giao thông luôn được quan tâm chú trọng đặt lên hàng đầu; tuyến đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đoạn qua địa phận tỉnh Hà Nam giai đoạn 1 được đưa vào sử dụng bước đầu đã phát huy được hiệu quả khai thác của tuyến giao thông huyết mạch kết nối vùng lõi kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là tuyến đường động lực phát triển khu vực đồng bằng sông Hồng, vùng thủ đô Hà Nội, nhất là ba tỉnh Hưng Yên, Hà Nam và Thái Bình.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương có dự án đi qua, phối hợp với nhà thầu giải quyết những vướng mắc phát sinh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà thầu thi công dự án.