Chủ tịch nước: Cấm xe máy đừng nóng vội, "đầu voi đuôi chuột"
(Dân trí) - Cử tri TPHCM kiến nghị Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các Đại biểu Quốc hội nên xem xét việc khoan cấm xe gắn máy. Chủ tịch nước cho rằng, việc cấm xe máy cần phải có lộ trình rõ ràng, phù hợp.
Chiều 26/4, đóng góp ý kiến trước kỳ họp Quốc hội với Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các Đại biểu Quốc hội, nhiều cử tri TP nhắc lại đề xuất cấm xe máy của một chuyên gia giao thông đang được bàn cãi nhiều ngày qua. Cử tri đề nghị Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các Đại biểu Quốc hội nên xem xét việc này vì thực trạng kẹt xe của TP đã quá khủng khiếp.
Cử tri Lê Minh Số (quận 1) cho rằng, hiện nay ra đường, nhìn thấy xe máy là... ngán ngẩm, nhưng đi xe buýt thì không thuận tiện. "Đường đặc kín xe máy thì sao xe buýt chạy được. Phải nghiên cứu từng bước, phân luồng sao cho phù hợp. Tuyên truyền để dân hưởng ứng các phương tiện giao thông công cộng, giảm bớt xe máy", ông Lê Minh Số đề nghị.
Ý kiến này được hầu hết các cử tri đồng tình nhưng cũng có một số ý kiến đề nghị nghiên cứu kỹ trước khi triển khai. Cử tri Nguyễn Hữu Châu (Q.3) nêu thẳng quan điểm: "khoan cấm xe gắn máy".
"Khoan tính đến chuyện cấm xe gắn máy vì trước mắt Nhà nước ta chưa đủ ngân sách để hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng, xe buýt, tàu điện ngầm, chưa có đủ khả năng bán rẻ xe ô tô đáp ứng phương tiện công cộng cho người dân đi lại để giảm dần xe gắn máy trong lưu thông và chưa thể ngay lập tức cấm ngay việc nhập khẩu xe gắn máy", ông Châu đề xuất.
Cử tri này cho rằng, các nước phát triển đã có mô hình mẫu trên các lĩnh vực nói trên từ hơn một trăm năm nay. Do đó, phải bình tĩnh, không nóng vội, sáng suốt chọn giải pháp khả thi trước mắt và lộ trình lâu dài theo từng bước. Cũng tương tự như không thể đột nhiên bắt học sinh tiểu học chỉ trong vòng vài ba năm nhảy vọt lên học đại học.
Theo cử tri này, điều đáng mừng nhất trong thời gian qua là hoạt động lập lại trật tự lòng lề đường của TPHCM đã nhanh chóng trở thành phong trào lan toả ra các đô thị trong cả nước.
"Nhưng xin lưu ý là tất cả mục đích cuối cùng của chính quyền đều phải lấy "dân làm gốc" và theo cơ chế "Đảng lãnh đạo bằng Nghị quyết, chính quyền quản lý bằng luật pháp, Mặt trận vận động nhân dân làm chủ bằng phong trào hành động cách mạng", ông Châu nói.
Ông Châu cho rằng, sở dĩ ông phải nhấn mạnh như vậy vì trong một số trường hợp do quá nóng vội vô tình xúc phạm người dân lao động.
Theo ông, chính quyền quận 3 vừa qua làm tốt theo cơ chế phối hợp "Đảng, chính quyền, mặt trận - đoàn thể" theo lộ trình nhiều bước: người buôn bán vỉa hè phải gọn gàng, sạch sẽ, dành chỗ cho người đi bộ trên lề đường, xe ô tô dứt khoát không được đậu trên lề đường... Quá trình ấy, quận 3 đã có kế hoạch tạo chỗ giữ xe ô tô, xe gắn máy... và khu vực dành cho người bán hàng rong.
Từ kết quả bước đầu việc lập lại trật tự đô thị, đặc biệt là lấy vỉa hè cho người đi bộ, ông Châu kiến nghị các Đại biểu Quốc hội quan tâm đến việc Nhà nước có chủ trương xây dựng thành mô hình, hoàn chỉnh mô hình, sau thời gian thí điểm sẽ từng bước nhân mô hình ra diện rộng. Điều quan trọng là thường xuyên giám sát, tránh rơi vào tình trạng "đánh trống bỏ dùi".
Trả lời cử tri, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, ùn tắc giao thông không chỉ có ở nước ta mà nhiều nước khác trên thế giới cũng đang chịu vấn nạn này. Một số quốc gia cũng đang loay hoay tìm các giải pháp chống kẹt xe.
Chủ tịch nước cũng đánh giá cao chiến dịch giải phóng vỉa hè, làm sạch đẹp, khang trang đô thị góp phần giải quyết bài ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, theo Chủ tịch nước, đây chỉ là giải pháp trước mắt. Điều quan trọng là cần hạn chế rồi tiến tới cấm xe máy. Tuy nhiên, phải có lộ trình từng bước đi cụ thể, tránh "đầu voi đuôi chuột".
Công Quang