Chủ tịch Nguyễn Minh Triết trong mắt một phóng viên Trung Quốc
“Tôi không biết có bao nhiêu bạn Trung Quốc có thể thuộc làu Tam Quốc như tôi!” - Câu nói hóm hỉnh xen chút tự hào của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã khiến rất nhiều phóng viên Trung Quốc lấy làm thú vị vì phong cách cởi mở, thân thiện của ông.
Nói về sở thích của mình, Chủ tịch Triết tiết lộ ông rất thích các tác phẩm văn học cổ Trung Quốc, trong đó, tác phẩm ông yêu thích nhất là tiểu thuyết “Tam Quốc diễn nghĩa”, thậm chí trong nhà còn có bày một bức tượng Khổng Minh - Gia Cát Lượng.
Dưới đây là cảm nhận của một phóng viên đặc phái của Nhật báo thế giới, An Hiểu Vũ, về tác phong của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết trong buổi gặp gỡ với đoàn đại biểu và phóng viên Trung Quốc theo chương trình “Hợp tác Trung Quốc - ASEAN”.
Lấy triết lí trong Tam Quốc để giáo dục cán bộ
"1 giờ chiều ngày 25/4, đoàn phóng viên đến Phủ Chủ tịch. Sau thủ tục kiểm tra an ninh nhanh gọn, chúng tôi được đưa vào một phòng họp. Trong khoảng thời gian chờ đợi ngắn ngủi, các phóng viên tranh thủ thảo luận các câu hỏi sẽ đưa ra. Vì thế khi Chủ tịch bước vào phòng họp, nhiều người trong số các phóng viên chúng tôi không kịp đứng dậy chào.
Thấy chúng tôi tụ thành từng nhóm hối hả chuẩn bị, Chủ tịch mỉm cười và tiến lại từng người để bắt tay chào đón. Tất cả chúng tôi đều ngạc nhiên và cảm kích. Sau khi bắt tay không sót một ai, Chủ tịch mới tiến lại bàn làm việc và ngồi xuống.
Sau những lời mở đầu, Chủ tịch khiêm tốn nói rằng ông không thể trả lời được một số vấn đề quá chuyên môn, vì vậy chúng tôi cần biên tập lại những câu hỏi sao cho nội dung xoay quanh những vấn đề quản lí vĩ mô. Chúng tôi cũng theo quy ước này mà đưa ra những câu hỏi.
Nhìn Chủ tịch với nụ cười và nét mặt tươi tắn, tất cả các phóng viên như trút bỏ được sự căng thẳng khi phỏng vấn một nguyên thủ và đều trông chờ “phút xuất thần” của buổi phỏng vấn hôm đó.
Thời gian định trước của buổi phỏng vấn là 1 giờ. Nhưng với những câu trả lời sâu sắc ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề chưa đầy 30 phút, Chủ tịch đã giải quyết hầu hết những câu hỏi mà chúng tôi chuẩn bị, làm cho tất cả các phóng viên đều phải ngạc nhiên.
Cơ hội hiếm có nên mọi người đều muốn tranh thủ đưa ra những câu hỏi gợi mở hơn, vượt khỏi những nội dung thường thấy của một buổi phỏng vấn chính khách. Thẩm Vi Hoa, phát thanh viên ban tiếng Việt của Đài phát thanh Trung Quốc, người ngồi ở hàng ghế cuối cùng mạnh dạn đưa ra câu hỏi: “Đài phát thanh Tiếng Việt của Trung Quốc đã có vai trò tích cực trong việc thúc đẩy xây dựng tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, những năm gần đây đã có sự giao lưu hợp tác ngày càng chặt chẽ với truyền thông Việt Nam. Chủ tịch nhìn nhận như thế nào về tiến triển này?”
Vi Hoa dùng tiếng Việt để hỏi, khiến Chủ tịch thấy rất thú vị. Cười tươi, Chủ tịch khen: “Đặt câu hỏi rất hay!”. Từ lúc ấy, phong cách trả lời của Chủ tịch đã có chút thay đổi, dấu ấn cá nhân đậm nét hơn, sự cởi mở chân tình làm không khí buổi phỏng vấn thêm phần ấm cúng!
Chủ tịch nói, văn hoá 2 nước Việt - Trung có nhiều nét tương đồng. Tại Việt Nam, phim truyện, phim truyền hình hay sách báo Trung Quốc đều rất phổ biến. Người Việt Nam cũng rất yêu thích văn hoá truyền thống Trung Quốc, ví dụ như những tác phẩm văn học kinh điển và những câu chuyện cổ. Bản thân ông cũng rất mê tiểu thuyết “Tam quốc diễn nghĩa”.
Rất hóm hỉnh, Chủ tịch nói: “Không biết có bao nhiêu bạn Trung Quốc thông thuộc Tam Quốc như tôi!”. Tuy vậy, Chủ tịch có so sánh hiện nay các sản phẩm văn hóa Trung Quốc ngập tràn Việt Nam, cứ bật tivi lên là xem thấy phim Trung Quốc, tuy nhiên sự xuất hiện của các sản phẩm văn hoá Việt Nam trên thị trường Trung Quốc là khá khiêm tốn. Điều này cũng đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực hơn nữa.
Chủ tịch nói rất say sưa về Tam Quốc. Các phóng viên không bỏ lỡ cơ hội hỏi ông: “Chủ tích yêu thích nhân vật nào nhất ạ?”. Ông trả lời là Gia Cát Lượng, vì đây là một nhân vật vừa có trí tuệ vừa có lòng bao dung. Đặc biệt ông rất thích cách giải quyết của Gia Cát Lượng ở sự kiện “Thất Cầm Mạnh Hoạch” (Bảy lần bắt Mạnh Hoạch) nói về sự thấu hiểu, bao dung của Khổng Minh đối với những người trẻ tuổi phạm sai lầm.
Chủ tịch nhấn mạnh chỉ có lòng bao dung nhân ái mới có thể thu phục nhân tâm. Chủ tịch còn tiết lộ, trong nhà ông có một bức tượng Khổng Minh. Trong cuộc sống cũng nhiều lần ông học tập cách xử thế của nhà quân sư lỗi lạc này.
“Tôi rất muốn đến với Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008”
Một trong những nhiệm vụ lần này của đoàn phỏng vấn là tuyên truyền về Olympic 2008. Phóng viên tờ Tin tức thế giới hỏi Chủ tịch hai câu: một về kế hoạch thăm chính thức Trung Quốc của ông, hai là về đánh giá của ông về sự kiện Olympic 2008.
Chủ tịch vui vẻ cho biết ông sẽ sang thăm Trung Quốc vào tháng Năm, nhưng còn câu hỏi thứ hai thì ông chợt quên mất. Chỉ đến khi cuộc gặp gỡ gần kết thúc, trưởng đoàn trao tặng Chủ tịch bức tranh linh vật ông mới sực nhớ ra: “Khi nãy có bạn hỏi tôi về thế vận hội mà tôi quên chưa trả lời. Nếu có cơ hội tôi rất muốn được đến xem Thế Vận Hội!”.
Vị Chủ tịch hài hước và cởi mở
Suốt cả buổi nói chuyện, nụ cười luôn nở trên khuôn mặt Chủ tịch Triết, thân thiện dễ gần. Cảm nhận chung của các phóng viên Trung Quốc là Chủ tịch rất nhanh nhẹn và hài hước.
Cuộc phỏng vấn kết thúc cũng là lúc các phóng viên bày tỏ mong muốn được chụp ảnh lưu niệm với Chủ tịch, ông liền cười nói: “Ở trong không hợp lắm, ta ra ngoài chụp thôi!”.
Nhưng thật không may, hôm đó thời tiết không được đẹp, trời âm u mưa nhỏ. Thấy vậy Chủ tịch liền dẫn đầu đoàn người đi váo sảnh lớn: “Chúng ta sẽ chụp ảnh trước tượng Bác Hồ nhé”.
Chúng tôi cùng chụp chung một tấm hình. Ngay lúc ấy có nhiều người muốn tranh thủ chụp riêng với Chủ tịch. Rất tự nhiên, ngài Chủ tịch đến bên cạnh và cố gắng làm dáng cho bức hình thêm đẹp.
Tôi thật sự ngạc nhiên trước sự chân tình hồn hậu của ông. Sau khi đã chụp với rất nhiều người ông quay lại hỏi to: “Còn ai muốn chụp nữa không?”. Tôi là người cuối cùng được chụp chung với Chủ tịch. Đó thực sự là một kỉ niệm đẹp trong tôi!".
An Hiểu Vũ
Nhật báo Thế giới
Theo Mỹ Trang
Lanhdao.net