Chủ tịch HĐND Hà Nội ủng hộ bỏ thu phí bảo trì đường bộ với xe máy
(Dân trí) - “Thẩm quyền thu phí bảo trì đường bộ như thế nào là của Chính phủ, còn mức thu ra sao thì HĐND TP quyết. Còn nếu Chính phủ bỏ cái này, HĐND và cử tri Hà Nội rất ủng hộ”, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Chủ tịch HĐND TP Hà Nội nói.
Nộp hay không cũng như nhau?
Ngày 6/7, bên hành lang kỳ họp 13 HĐND TP Hà Nội, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ với báo chí quan điểm cụ thể liên quan đến vấn đề thu phí bảo trì đường bộ với xe máy. Bà Ngọc cho biết, qua tiếp xúc cử tri, HĐND TP Hà Nội nhận được rất nhiều ý kiến phản ánh vấn đề thu phí bảo trì đường bộ.
Theo bà Ngọc, Hà Nội là đơn vị rất nghiêm túc, đã đi đầu trong việc thu phí bảo trì đường bộ với xe máy. Qua hai năm thực hiện, bà Ngọc nhận thấy chủ trương này gặp rất nhiều khó khăn như phương thức thu hiện giao cho thôn, tổ dân phố cũng có nhiều bất cập. Việc không có người kiểm tra việc thu phí xe máy nên người nộp hay không nộp cũng như nhau. Ngoài ra, việc xử phạt gian lận trong việc đóng phí từ 1 đến 3 mức phí được giao cho ai, như thế nào cũng không được nói rõ.
Bà Ngọc cũng cho biết, dù gặp nhiều khó khăn trong việc thu phí bảo trì đường bộ với xe máy, nhưng UBND TP Hà Nội đưa ra nhiều giải pháp khác nhau để thực hiện chủ trương này một cách nghiêm túc nhất. Hà Nội cũng đã ra những văn bản, chỉ đạo cụ thể về vấn đề nay. Ngoài ra, HĐND TP Hà Nội cũng phản ánh những ý kiến của cử tri lên Quốc hội về việc thu phí bảo trì đường bộ.
“Thẩm quyền cho thu như thế nào là của Chính phủ, còn mức thu do HĐND TP quyết. Còn quan điểm cụ thể của tôi là nếu Chính phủ bỏ cái này thì HĐND và cử tri Hà Nội rất ủng hộ. Tôi cũng nghĩ rằng làm thế nào cho họp lý, chứ còn cách làm như hiện nay thì rất khó khăn”, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc nêu quan điểm.
Nhiều địa phương cho rằng, việc thu phí đường bộ đối với xe máy gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều đại biểu Quốc hội cũng đề nghị bỏ thu phí này. Ý kiến của bạn: | ||||||
| ||||||
Người nộp phí muốn đường phải tốt hơn nữa
Khảo sát thực tế, Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP Hà Nội nhận thấy, UBND TP đã chậm quyết định thành lập Quỹ bảo trì đường bộ. Do chưa thành lập Quỹ nên toàn bộ số tiền phí thu được năm 2013 đối với xe mô tô (55 tỷ đồng) và số tiền phí do Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương chuyển về đối với xe ô tô (68 tỷ đồng) vẫn chưa được đưa vào sử dụng. Ngoài ra, UBND TP mới tạm phân bổ 150 tỷ/430 tỷ đồng để chi đặt hàng duy tu bảo trì đường bộ trong dịp Tết Nguyên đán.
Công tác hướng dẫn thu vẫn chưa đồng bộ, thời điểm triển khai thu năm 2014 chưa được hướng dẫn nên tại địa phương đoàn khảo sát thực tế nhận thấy đều có những lúng túng, chưa tổ chức thu phí bảo trì đường bộ đối với xe mô tô năm 2014. Việc điều tra, thống kê xe mô tô thuộc đối tượng nộp phí tại một số đơn vị trên địa bàn chưa được thực hiện, mà chủ yếu tổng hợp theo tờ kê khai phát ra và thu về, không kiểm tra, đối chiếu thực tế nên kết quả thu đạt không cao.
Tỷ lệ trích lại từ nguồn thu để phục vụ công tác thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy ở phường có số dân đông, nhiều tổ dân phố như ở phường Cát Linh (Đống Đa) không đảm bảo chi phí, do vậy ngân sách phường phải chi thêm. Kinh phí bồi dưỡng cho người trực tiếp thu thấp, không có tính khuyến khích động viên.
Các trường hợp chây ỳ không nộp phí hoặc kê khai không đúng thực tế nhằm giảm số tiền phí bảo trì đường bộ đối với xe mô tô phải nộp do chưa có chế tài xử phạt nên gây nhiều khó khăn cho công tác thu. Bên cạnh đó, tâm lý người dân khi nộp phí bảo trì đường bộ đều mong muốn được sử dụng đường giao thông chất lượng tốt hơn, phí thu được sử dụng hiệu quả. Vì vậy, việc đường giao thông chậm được cải thiện chất lượng, nhất là tại khu vực ngoại thành, sẽ khó khăn trong công tác thu phí các kỳ tiếp theo.
Đề nghị xử phạt người chây ỳ không nộp phí Ý kiến cử tri quận Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàng Mai gửi về trước kỳ họp HĐND Hà Nội đề nghị UBND TP có chế tài xử phạt đối với các trường hợp chây ỳ không nộp phí bảo trì đường bộ. UBND TP Hà Nội giải thích theo Điều 11 tại Thông tư 133 của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đường bộ theo đầu phương tiện đã quy định nếu vi phạm về khai, thu, nộp phí sử dụng đường bộ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó mức xử phạt từ 1 đến 3 lần mức phí gian lận, trốn nộp phí bảo trì đường bộ. |
Quang Phong