Chủ tịch Hà Nội: Giảm biên chế cơ học là chưa phù hợp
(Dân trí) - "Các chủ trương của Trung ương thì đã rất rõ, nhưng khi các cơ chế chính sách chưa được ban hành kịp thời mà vẫn giảm biên chế cơ học là chưa phù hợp".
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành nội vụ ngày 12/1, ông Chu Ngọc Anh- Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, đến nay Hà Nội đã sắp xếp giảm 280/2.780 đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015 (tỷ lệ 10,1%); giảm 280 cấp trưởng, 560 cấp phó; giảm 840 người làm việc tại các vị trí việc làm dùng chung và vị trí việc làm chuyên môn cần tinh gọn. Nhiều trụ sở sau sắp xếp được thu hồi và có phương án sử dụng hiệu quả hơn.
Nhiều cách làm hay được Trung ương ghi nhận và cụ thể hóa tại Nghị quyết số 19-NQ/TW như: sáp nhập 3 đơn vị Trung tâm văn hóa, Trung tâm thể thao, Đài truyền thanh cấp huyện; sáp nhập 2 đơn vị Trung tâm Y tế và Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cấp huyện; sáp nhập 2 đơn vị Ban bồi thường giải phóng mặt bằng và Trung tâm phát triển quỹ đất cấp huyện và giao UBND cấp huyện quản lý.
Năm 2021, Hà Nội tiếp tục xem xét các nội dung sắp xếp đơn vị sự nghiệp có tính chất phức tạp, phạm vi ảnh hưởng lớn như: sắp xếp 5 Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp thành phố sau 4 năm tổ chức lại từ 26 Ban quản lý dự án; sắp xếp 21 trường cao đẳng, trung cấp…
"Những đơn vị không hiệu quả kiên quyết sáp nhập"
Về quản lý biên chế, ông Chu Ngọc Anh cho biết Hà Nội đã yêu cầu giảm gần 12.900 biên chế giai đoạn 2016-2021, mỗi năm giảm gần 3.700 biên chế/năm là một áp lực lớn nhưng đã hoàn thành chỉ tiêu.
Hà Nội cũng đã kiên quyết giải quyết tinh giản hoặc chấm dứt hợp đồng đối với viên chức không làm được việc, có phẩm chất và thái độ không phù hợp. Đồng thời chỉ đạo có lộ trình giải quyết dứt điểm hợp đồng chuyên môn tại đơn vị sự nghiệp chưa tự chủ. Công tác tuyển dụng được phân cấp triệt để nhằm tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho đơn vị sự nghiệp công lập, chất lượng đội ngũ viên chức ngày một nâng lên.
Đến nay Hà Nội đã chuyển 199 đơn vị sự nghiệp sang tự chủ, giảm 19.980 biên chế hưởng lương ngân sách. Để thực hiện được, Hà Nội ban hành kế hoạch nâng mức tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2021 cụ thể, có nguyên tắc xác định rõ ràng. Thủ trưởng đơn vị nào không hoàn thành hoặc cố tình trì hoãn để được hưởng cả 2 nguồn tài chính sẽ xem xét trách nhiệm hoặc thay thế. Những đơn vị không hiệu quả kiên quyết sáp nhập để nâng cao quy mô, hiệu quả.
199 đơn vị tự chủ đã có hiệu quả mang lại rõ nét; tăng thu nhập cho người lao động, khuyến khích, tạo động lực làm việc. Điển hình như khối các bệnh viện Hà Nội như Bệnh viện Phụ Sản, Bệnh viện Xanh-pôn, Bệnh viện Tim..., sau khi chuyển sang tự chủ, hiệu quả mang lại rất cao: Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phục vụ bệnh nhận; nâng cao tinh thần, thái độ, trách nhiệm, hiệu quả phục vụ của đội ngũ bác sỹ, nhân viên y tế; thu nhập cán bộ công chức, viên chức tăng lên…
Giải quyết kịp thời các tồn tại trong lĩnh vực giáo dục
Theo ông Chu Ngọc Anh, Hà Nội có quy mô đơn vị sự nghiệp lĩnh vực giáo dục lớn. Hiện có 2.231 đơn vị sự nghiệp giáo dục/2.483 đơn vị sự nghiệp (tỷ lệ 90%) với 99.444 biên chế (chiếm 86% biên chế sự nghiệp Bộ Nội vụ giao năm 2021).
Biên chế viên chức giáo viên theo định mức còn thiếu 7.134 chưa được bổ sung; trong khi nhu cầu tăng trường, tăng lớp, tăng biên chế do dân số và học sinh vẫn tăng theo tốc độ đô thị hóa.
Để triển khai có hiệu quả việc tiếp tục tinh giản biên chế sự nghiệp tối thiểu 10% nhiệm kỳ 2021 - 2025, Hà Nội đã đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có giải pháp giải quyết kịp thời đối với các tồn tại lĩnh vực giáo dục, xác định rõ lại tỷ lệ định mức biên chế, chương trình học theo định mức mới, quan điểm về tự chủ đối với cơ sở giáo dục các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở để các địa phương có cơ sở thực hiện.
"Các chủ trương của Trung ương thì đã rất rõ, nhưng khi các cơ chế chính sách chưa được ban hành kịp thời mà vẫn giảm biên chế cơ học là chưa phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động"- lãnh đạo Hà Nội nêu quan điểm.
Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, điều chỉnh Nghị quyết 102/2020 về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế theo hướng mở rộng phạm vi đối tượng áp dụng, cho phép các quận, huyện, thị xã tự cân đối ngân sách chi trả cho hợp đồng lao động.
Trong thời gian chưa có văn bản điều chỉnh, cho phép Hà Nội được tạm ký hợp đồng lao động đối với số giáo viên còn thiếu tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập có mức tự đảm bảo chi thường xuyên dưới 10%, nguồn kinh phí từ nguồn chi sự nghiệp giáo dục của UBND quận, huyện, thị xã.
"Đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nặng nề đến nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp công lập, một số đơn vị sự nghiệp đã tự chủ chi thường xuyên đang gặp khó khăn về nguồn chi trả lương, những đơn vị dự kiến tự chủ theo kế hoạch năm
2021, 2022 phải điều chỉnh lùi lại các năm tiếp theo. Để thực hiện được đến năm 2025 có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ so với năm 2015, kiến nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ có giải pháp và hướng đi phù hợp trong việc nâng mức tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập trong tình hình mới"- Chủ tịch Hà Nội nêu quan điểm tại hội nghị.