Thủ tướng: "Đụng tới bộ máy và con người là khó khăn lắm"
(Dân trí) - Thủ tướng nhấn mạnh, chức năng và nhiệm vụ của Bộ Nội vụ rất quan trọng và nhạy cảm vì đụng đến bộ máy, con người. Lợi ích tăng thêm ai cũng thích, nhưng giảm đi thì bùi ngùi, lo lắng, tâm tư.
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành nội vụ do Bộ Nội vụ tổ chức sáng 12/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết tất cả các hội nghị quốc tế, hoạt động của năm 2021 đều phải nhắc tới đại dịch Covid-19. Đó là vấn đề cả thế giới phải quan tâm.
Theo Thủ tướng, nếu như trước đây, mỗi năm thực hiện công tác an sinh xã hội cho khoảng 1 triệu người đã vất vả rồi thì năm nay đã hướng tới 43 triệu người; chi ra hơn 70 ngàn tỷ để thực hiện an sinh xã hội; xuất cấp trên 100 ngàn tấn gạo... Đây đều là những việc không có tiền lệ.
"Tôi nói về an sinh xã hội như thế để thấy ưu việt của chế độ ta và cách làm của chúng ta. Dịp Tết này còn phải làm nữa, vừa chống dịch vừa làm an sinh xã hội. Làm an sinh xã hội trong chống dịch khác với trong chiến tranh và điều kiện bình thường. Đưa hàng tới người bệnh, có nguy cơ lây nhiễm khó hơn rất nhiều với người ốm bình thường. Nói điều đó để thấy sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, cơ quan nòng cốt như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan có liên quan như Bộ Nội vụ"- Thủ tướng nhận xét.
Thủ tướng khẳng định, nếu chúng ta không có chiến lược vaccine, ngoại giao vaccine tốt, bài bản thì không thể có được như hôm nay. "Đây là sự nỗ lực, cố gắng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, có sự vào cuộc của người dân, doanh nghiệp, thì chúng ta mới từng bước khống chế được dịch này"- Thủ tướng nói.
Sau khi Nghị quyết 128 được ban hành, kinh tế vĩ mô đã ổn định, đảm bảo được "thu đủ chi", "xuất đủ nhập", "làm đủ ăn".
"Trong sự cố gắng chung này có sự đóng góp quan trọng của Bộ Nội vụ. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Nội vụ có nhiều đổi mới, bám sát thực tiễn, không bảo thủ, linh hoạt. Điều này rất quan trọng"- Thủ tướng cho hay.
Người đứng đầu Chính phủ đánh giá, Bộ Nội vụ là cơ quan nòng cốt tham mưu cho Hội đồng Bầu cử quốc gia, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức thành công tốt đẹp cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; khẩn trương thẩm định, trình phê chuẩn các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Bộ Nội vụ cũng đã tích cực tham mưu sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và biên chế công chức, viên chức, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết số 04/2022 đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, gắn với cá thể hóa trách nhiệm cá nhân người đứng đầu và tăng cường kiểm soát quyền lực.
Đồng thời nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tinh gọn bộ máy đi đôi với nâng cao hiệu lực hiệu quả, tinh giản biên chế đi đôi với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Tuy vậy, một trong những hạn chế trong năm 2021 là việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của các bộ còn cồng kềnh. Trong nhiều trường hợp, quản lý chưa được thực hiện đúng tầm, bộ máy vẫn phải dành thời gian giải quyết sự vụ nhiều hơn là tập trung thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước.
Thủ tướng nhấn mạnh, chức năng và nhiệm vụ của Bộ Nội vụ rất quan trọng và nhạy cảm vì đụng đến bộ máy, con người của cả nước, từ trung ương đến địa phương.
"Đụng tới bộ máy và con người là khó khăn lắm. Lợi ích tăng thêm ai cũng thích, nhưng giảm đi thì bùi ngùi, lo lắng, tâm tư. Ngành nội vụ phải có cách, xây dựng tiêu chuẩn, quy chế, quy trình, cách làm để rồi cứ thế áp dụng vào để làm. Nếu không phát huy được sự khách quan, dân chủ, công tâm, công bằng thì rất khó"- ông nói.
Một nhiệm vụ quan trọng phải thực hiện trong năm 2022 là thực hiện quyết liệt, hiệu quả việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. "Như Bộ Công an, các tổng cục hình thành trong 35 năm nhưng Bộ Công an đã quyết tâm cắt khâu trung gian, đã giảm 8 tổng cục và nhiều cục mà nhiệm vụ vẫn hoàn thành tốt"- Thủ tướng nêu ví dụ và yêu cầu ngành nội vụ phải làm nghiêm túc, không để tiêu cực xảy ra trong việc này.
Tiếp thu những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, năm 2022 ngành nội vụ đề ra phương châm hành động là "Đoàn kết, kỷ cương, gương mẫu, đổi mới, hiệu quả", khắc phục những điểm nghẽn, vượt qua thách thức, khơi thông nguồn lực, tranh thủ thời cơ, phấn đấu thực hiện thắng lợi các lĩnh vực công tác của toàn ngành.
Báo cáo của Bộ Nội vụ cho biết 2021 là năm đầu tiên cả nước hoàn thành vượt mục tiêu tinh giản biên chế (10%) mà Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết số 39/2015. Cụ thể, tính đến hết năm 2021 biên chế công chức giảm 10,01%; biên chế sự nghiệp giảm 11,67%; cán bộ, công chức cấp xã giảm 8,94%; số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố giảm 49,25% so với năm 2015.
Bộ Nội vụ chủ động phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương tích cực hướng dẫn theo dõi, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương rà soát, triển khai xây dựng danh mục và bản mô tả vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính từ Trung ương đến cấp xã và đơn vị sự nghiệp công lập.
Bộ cũng đã tham mưu cho Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sắp xếp, thành lập, nhập, chia, điều chỉnh một số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 10 Nghị quyết về địa giới, hành chính nhưng không tăng số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, giảm được 4 đơn vị hành chính cấp xã tại thành phố Huế. Kết quả giai đoạn 2019-2021 đã giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện (từ 713 xuống còn 705 huyện) và 561 cấp xã (từ 11.160 xuống còn 10.599 xã).
Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng bảo đảm kịp thời, sớm ổn định để các địa phương tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.