1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chữ “nhẫn” ở Đại tướng là bản lĩnh cao cường

(Dân trí) - “Theo tôi có được chữ “nhẫn” là phẩm chất rất quý, nhưng ở Đại tướng phải hiểu chữ này ở tầm cao hơn. Ở đây là bản lĩnh của Đại tướng mà người phương Tây dùng hình ảnh ẩn ý là “núi lửa phủ tuyết””.

Giáo sư Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo - Đại học Quốc gia Hà Nội đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Dân trí vào thời điểm một năm ngày mất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Theo Giáo sư Vũ Minh Giang chữ nhẫn ở Đại tướng là bản lĩnh cao cường
Theo Giáo sư Vũ Minh Giang chữ "nhẫn" ở Đại tướng là bản lĩnh cao cường

Thưa Giáo sư, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trương “đánh chắc, tiến chắc”, nhưng khi phát đi mệnh lệnh vào những ngày tháng 4 năm 1975 ông lại viết “thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Là nhà nghiên cứu lịch sử, Giáo sư bình luận như thế nào về hai chỉ đạo có tính lịch sử mang tinh thần khác nhau này?

Đó chính là thiên tài của người cầm quân. Nếu chỉ có một phong cách - đi đâu cũng “chậm chắc” thì có thể bỏ mất thời cơ. Vào những ngày tháng 4 năm 1975, không chỉ riêng Đại tướng mà cả Quân ủy Trung ương, Bộ Chính trị nhận thấy ý chí xâm lược của người Mỹ bị đánh bại. Họ không còn có tinh thần để quay lại thì ta phải quyết đánh thần tốc để tránh thay đổi tương quan trên chiến trường.

Cái tài của người cầm quân là lúc cần tính toán thì phải hết sức thận trọng, nhưng khi thời cơ đến cho giải phóng miền Nam mà đánh chắc tiến chắc có thể quân Ngụy rút từ Tây Nguyên về, co cụm lại lúc đó lối đánh trên có khi lại thất bại. Thời cơ đến chúng ta đánh nhanh là đẩy nhanh quá trình tan rã của quân địch.

Chúng ta đã ca ngợi vai trò cá nhân kiệt xuất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong hai cuộc kháng chiến, nhưng khi trả lời câu hỏi phỏng vấn của một phóng viên nước ngoài “Vị đại tướng nào có vai trò quyết định trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ”, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói... “Đại tướng nhân dân”. Đại tướng luôn là người khiêm tốn, thưa Giáo sư?

Người ta thường nói đó là sự khiêm tốn, khiêm nhường của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhưng từ góc độ nghiên cứu, tôi thấy Đại tướng nói như vậy là thật lòng, nói đúng sự thật lịch sử.

Ở chiến dịch Điện Biên Phủ người Pháp đã tính toán sai vì họ chỉ nghĩ đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nghĩ đến số lượng quân chỉ vài chục ngàn người của ta. Họ “thách” Đại tướng đánh bởi họ tính rằng khu vực đó chúng ta không thể huy động được hậu cần cho bộ đội khi hậu phương cách đó tới vài trăm kilomet. Từ đó, người Pháp cũng nghĩ nếu chiến tranh kéo dài thì chúng ta cũng tự thất bại.

“Chủ tịch Hồ Chí Minh khi chọn Võ Nguyên Giáp là người đứng đầu quân đội ta, chắc chắn đã phát hiện ra cái cái thiên bẩm của ông Võ Nguyên Giáp về mặt quân sự, nhưng còn cần hơn rất nhiều là cái chất nhân văn ở con người ấy.”

Tôi còn nhớ một lần trả lời phỏng vấn, Đại tướng có nói những tướng lĩnh của Pháp không kém. Họ tính đúng hết, duy chỉ có một điều không nghĩ đến đó là chúng ta còn có một Đại tướng nữa - đó là “Đại tướng nhân dân”. Hàng trăm ngàn người, bằng tất cả phương tiện thô sơ như bè, mảng, xe thồ, gánh gạo kìn kĩn lên Điên Biên Phủ tiếp tế cho chiến trường.

Trong chiến tranh nhân tố thường xuyên quyết định thắng lợi là hậu cần, hậu phương, thiếu cái đó thì người có tài mấy cũng thua. Do vậy, dùng hình tượng “Đại tướng nhân dân” hay nhân tố quyết định là đúng với sự thật lịch sử.

Bên cạnh tài cầm binh, khi nói về cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp người ta còn nói đến cả những lúc gian truân, những khúc quanh. Theo Giáo sư, có phải trong những lúc đó, cách ứng xử của Đại tướng, chữ “nhẫn” mà Đại tướng đề cao đã càng làm nên sự vĩ đại ở con người ông, thưa Giáo sư?

Theo tôi có được chữ “nhẫn” là phẩm chất rất quý, nhưng ở Đại tướng phải hiểu chữ này ở tầm cao hơn. Ở đây là bản lĩnh của Đại tướng mà người phương Tây dùng hình ảnh ẩn ý là “núi lửa phủ tuyết”. Khi ông “nhẫn” không phải vì cá nhân ông, không phải là chỉ nhịn mà vì đại cục, đại nghĩa. Ý thức, trách nhiệm của ông với tổ chức, với Đảng rất cao và thấy được cái đó mới thấy sự vĩ đại của chữ “nhẫn”. Ông có bản lĩnh cao cường vì trách nhiệm đối với sự nghiệp của cả dân tộc, đất nước.

Với góc độ của một nhà sử học, ông đánh giá như thế nào về vị trí, vai trò lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lịch sử Việt Nam hiện đại?

Những nhà sử học cho rằng Đại tướng là người chỉ huy quân sự lỗi lạc nhất trong lịch sử hiện đại Việt Nam. Còn nhân dân muốn nâng Đại tướng lên một tầm nữa đó là Anh hùng dân tộc - tức là cùng hàng những người đánh thắng quân Mông Nguyên, quân Thanh như Đức Thánh Trần, Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Hoàn cảnh lịch sử đã sinh ra những con người như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và có những ý kiến cho rằng, phải khá lâu nữa, lịch sử mới lại có những con người có vai trò, vị trí lớn như vậy trong lòng người dân, thưa Giáo sư?

Những người ở cương vị cao đều là kiệt xuất, nhưng đến độ thiên tài thì không thường xuyên có. Tôi nghĩ rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp là bậc thiên tài - và chắc chắn không thường xuyên xuất hiện những người như vậy. Phải có hoàn cảnh lịch sử nhất định, có những chu kỳ nhất định mới có những người như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, tên tuổi các tướng lĩnh như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung… đã in những dấu ấn hào hùng. Theo ông, có nét tương đồng nào giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp với những tướng tài kiệt xuất trong lịch sử dân tộc?

Một cách rất tự nhiên, khi nghĩ tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì tôi hay liên tưởng tới Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Đó là những vị tướng thấu hiểu vai trò của dân và khi rời bỏ cõi đời thì cả hai ông đều sống trong lòng dân.

Khi mắc trọng bệnh, Trần Quốc Tuấn đưa ra lời khuyên cho vua Trần Nhân Tông: “Ta thắng được giặc dữ là trên dưới đồng lòng, anh em hòa thuận vậy nên hãy khoan thư sức dân, đó chính là kế sâu dễ bền gốc, là thượng sách giữ nước”. Ý tưởng đó làm tôi liên hệ đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp nên cũng rất xúc động nghe lời đáp từ của con trai cả Đại tướng cách đây một năm: Tất cả vinh quang mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân dành cho Đại tướng chính là tình cảm của nhân dân dành cho Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng. Ý đó là rất đúng, ông chỉ hiện thân một con người với hình tượng của toàn dân.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng có nét giống Nguyễn Trãi ở tài văn. Còn sự táo bạo trong cách đánh thần tốc của Đại tướng khiến chúng ta liên tưởng đến Quang Trung, khi hành quân thần tốc ra Bắc, đánh tan 29 vạn quân Thanh.

Theo tôi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người mà không thể so sánh hơn bằng với Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi hay Quang Trung... mà là sự tiếp thu, kế thừa sự nghiệp của bậc tiền nhân.

Những ngày Quốc tang Đại tướng một năm trước mang đến những rung cảm thiêng liêng trong hàng triệu trái tim người Việt Nam đương thời. Với Giáo sư, điều gì đọng lại nhiều nhất trong những ngày quốc tang Đại tướng ?

Sự ra đi của Đại tướng dù không đột ngột, nhưng khiến tôi rất xúc động. Còn điều đọng lại trong tôi cùng với hình ảnh thân quen, vĩ đại của Đại tướng còn có sự bừng tỉnh hơn về sức mạnh ý thức dân tộc, chủ nghĩa yêu nước. Tôi nghĩ rằng, có thể nhiều người xếp hàng vào viếng Đại tướng ở Hoàng Diệu không biết nhiều đến sự nghiệp của Đại tướng nhưng người ta thấy đây là hiện thân của một con người mà kẻ thù cũng phải kính nể. Điều này truyền cho các thế hệ không chỉ đương thời, kế cận mà cả thế hệ rất trẻ sau này.

Qua chuyện này, tôi mới chợt nhớ hình như trong huyết quản mỗi con người Việt Nam chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc rất mãnh liệt và có dịp lại bùng lên. Điều đó tiếp tục được chứng minh ở sự việc giàn khoan Hải Dương - 981...

Xin cảm ơn ông!

Cấn Cường - Quang Phong (thực hiện)