1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Ngãi:

Chủ đầu tư thủy điện “xin” giảm hàng chục héc-ta rừng phòng hộ

(Dân trí) - Sau nhiều thông tin báo chí phản ứng xây dựng thủy điện, chủ đầu tư Dự án thủy điện Sơn Trà 1 xin điều chỉnh tổng diện tích đất từ 95,4ha xuống còn 75,5ha, trong đó rừng phòng hộ từ 44,5ha giảm còn 18ha.

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi ngày 8/12, đại diện Công ty CP 30-4 Quảng Ngãi – chủ đầu tư Dự án thủy điện Sơn Trà 1 báo cáo điều chỉnh dự án, với tổng diện tích sử dụng đất từ 95,4ha xuống còn 75,5ha, trong đó diện tích rừng phòng hộ bị triệt hạ từ 44,5ha giảm còn 18ha.

Tuy nhiên, công suất lắp máy lại tăng từ 42MW lên 60MW, quy mô hoạt động gồm 2 tổ máy phát điện gồm Sơn Trà 1A và Sơn Trà 1B đặt tại xã Sơn Kỳ (huyện Sơn Hà), đập chính dịch chuyển lên phía thượng nguồn khoảng 7km, phạm vi hoạt động kéo dài đến xã Sơn Lập (huyện Sơn Tây). Tổng vốn đầu tư dự kiến 1.900 tỷ đồng.
Chủ đầu tư thủy điện “xin” giảm hàng chục héc-ta rừng phòng hộ

Vị trí xây dựng thủy điện Sơn Trà 1 được chủ đầu tư xin điều chỉnh giảm diện tích rừng phòng hộ trong dự án.

Lý do điều chỉnh dự án như trên, chủ đầu tư cho rằng mức độ ảnh hưởng đến môi trường giảm hơn và không phải di dần, tái định cư. Nếu việc điều chỉnh được UBND tỉnh Quảng Ngãi thống nhất, chủ đầu tư hứa khởi công vào giữa tháng 7/2015 và hoàn thành vào cuối năm 2008.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Phong - Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà yêu cầu: “Khi thực hiện xây dựng thủy điện, chủ đầu tư phải cảm kết bảo vệ rừng; đồng thời hoàn thiện tuyến đường Sơn Kỳ - Mô Níc để người dân vùng thủy điện đi lại thuận tiện. Các bãi đất thuê làm bãi chứa chất thải, sau khi hoàn thành thi công, chủ đầu tư phải trả lại nguyên trạng cho người dân để họ tiếp tục phát triển sản xuất”. Bên cạnh đó, huyện Sơn Hà lo ngại việc hình thành các tuyến đường công vụ và lòng hồ, tạo điều kiện cho lâm tặc phá rừng phòng hộ.

Trước đó, báo Dân trí phản ánh thông tin bài “Huyện nghèo phản đối xây dựng thủy điện” (đăng ngày 2/4/2014) và “Thủy điện chồng thủy điện, lũ chồng lũ…” (đăng ngày 6/11/2014), đề cập đến tác hại khi thực hiện một số thủy điện trên địa bàn huyện miền núi Sơn Hà, trong đó có thủy điện Sơn Trà 1.

Trước đề nghị của chủ đầu tư, ông Lê Viết Chữ - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đánh giá: “Tỉnh hoan nghênh tinh thần giảm tác hại đến rừng phòng hộ, đời sống dân sinh, công tác di dân và thống nhất với đề xuất giảm diện tích rừng của chủ đầu tư. Trong quá trình thi công, chủ đầu tư phải có biện pháp bảo vệ rừng phòng hộ, hạn chế khô kiệt vùng hạ du, đảm bảo đời sống người dân vùng hạ lưu”.

Ông Lê Viết Chữ còn yêu cầu chủ đầu tư cần thương thảo với nhân dân về phương án bồi thường diện tích đất bị thu hồi. Phương án đổi đất để người dân có đất rừng sản xuất là tối ưu nhất. Đối với diện tích rừng bị mất do ngập dưới lòng hồ, chủ đầu tư phải trồng lại rừng bằng số diện tích đã mất, hoặc chi trả tiền để ngành nông nghiệp trồng lại. Bên cạnh đó, chủ đầu tư thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức đào tạo, sử dụng lao động tại địa phương trong quá trình triển khai dự án và làm tốt công tác an sinh xã hội như đã hứa.

Bên cạnh lời hứa của chủ đầu tư, khoảng 71.000 người dân huyện Sơn Hà lo lắng khi triển khai dự án, tác hại lâu dài ảnh hưởng đến đời sống nhân dân khó lường như miêu tả trong dự án…

Hồng Long