Chủ đầu tư sai, Nhà nước mất tiền
(Dân trí) - Hồ sơ thiết kế mập mờ, chủ đầu tư yếu kém trong việc sắp xếp các gói thầu, đôn đốc thi công… Thực trạng đó khiến Dự án xây dựng Công viên văn hóa thể thao Lý Tư Trọng (Thạch Hà, Hà Tĩnh) chậm trễ, ngổn ngang, gây thất thoát tiền của Nhà nước.
Dự án xây dựng Công viên văn hóa thể thao Lý Tự Trọng, huyện Thạch Hà được UBND tỉnh phê duyệt ngày 13/2/2004 với tổng mức dự toán đầu tư gần 18 tỷ đồng, sau đó được điều chỉnh tổng mức đầu tư là 25,5 tỷ đồng. Chủ đầu tư là UBND huyện Thạch Hà; đơn vị lập thiết kế, dự toán là Công ty kiến trúc Tây Hồ (Hà Nội). Mục tiêu của dự án là nâng cấp khuôn viên và tượng đài Lý Tự Trọng, xây dựng công viên văn hoá thể thao phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Dự án được chia làm hai giai đoạn. Theo mục tiêu đặt ra, tất cả các công trình của giai đoạn 1 phải được hoàn thành, bàn giao cho chủ đầu tư đưa vào sử dụng trước tháng 7/2006. Nhưng cho đến thời điểm đầu năm 2007, công trình này vẫn ngổn ngang như vừa mới bắt đầu.
Ban quản lý yếu kém
Một trong những lô thầu khiến chủ đầu tư “đau đầu” nhất hiện nay là lô thầu số 02 với các hạng mục đường nội bộ, hàng rào, cổng công viên và vườn quanh công viên với tổng kinh phí đầu tư 2,1 tỷ đồng. Hạng mục này do Công ty cổ phần Ứng dụng và Phát triển công nghiệp điện tử Bình Minh (viết tắt là Công ty cổ phần Bình Minh, trụ sở tại 56, Phan Chu Trinh, TP Vinh - Nghệ An) trúng thầu và thi công.
Căn cứ vào hợp đồng được ký kết giữa chủ đầu tư mà đại diện là BQLDA huyện Thạch Hà, với Công ty Bình Minh ngày 25/2/2006 thì nhà thầu phải hoàn thành các hạng mục và bàn giao vào ngày 26/5/2006.
Nhưng sau khi trúng thầu, Công ty Cổ phần Bình Minh chỉ thi công được một thời gian ngắn rồi… nghỉ vì không có mặt bằng. Ông Nguyễn Đình Thi, Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bình Minh, bức xúc: “Từ tháng 2 cho tới nay đơn vị chúng tôi chỉ thi công được 20 ngày rồi buộc phải ngưng vì lấy đâu ra mặt bằng mà làm. Chúng tôi đã nhiều lần gửi công văn yêu cầu BQLDA tạo điều kiện để triển khai thi công nhưng không được. Trong khoảng thời gian đó, đã 3 lần đơn vị đưa máy móc vào để thi công nhưng không thể tiến hành do những vướng mắc từ các công trình khác và từ phía chủ đầu tư”.
Sự chậm trễ này thuộc về trách nhiệm của BQLDA huyện Thạch Hà. Thứ nhất, do sự bất hợp lý trong việc mở các gói thầu cùng một lúc dẫn đến sự dẫm đạp lên nhau trong quá trình thi công. Cụ thể, gói thầu của Công ty Bình Minh thi công cùng lúc với hạng mục về hệ thống mương thoát nước và đường điện của một nhà thầu khác, khiến hai nhà thầu này phải chờ đợi nhau.
Thứ hai là do sự mập mờ trong hồ sơ thiết kế gây băn khoăn cho cả chủ đầu tư lẫn nhà thầu. Trong hồ sơ thiết kế có ghi loại thép dùng trong thi công hàng rào là “sắt vuông 16X16 uốn tròn, sắt vuông 20X20” nhưng không ghi rõ là thép đặc hay thép hộp. Khi chủ đầu tư thắc mắc, đơn vị thiết kế trả lời “thép 20x20 là loại thép hộp có độ dày 1,5 ly, các thanh đứng dùng thép 16x16 là loại thép hộp dày 1,5 ly”.
Khi chủ đầu tư làm theo nội dung phúc đáp của đơn vị thiết kế thì lại bị BQLDA huyện Thạch Hà đình chỉ thi công với lý do “thi công không đúng hồ sơ thiết kế, được cấp thẩm quyền phê duyệt”. Lý giải điều này, bà Bùi Thị Nga, Phó Chủ tịch UBND huyện - trưởng BQLDA, cho rằng Công ty kiến trúc Tây Hồ (đơn vị thiết kế) nói thế là không chính xác. Chính công ty này ngày 19/6 đã có một công văn khẳng định điều này.
Đến ngày 7/7/2006, BQLDA huyện Thạch Hà thông báo bằng văn bản, nói rõ phần thiệt hại này sẽ do công ty Bình Minh chịu và yêu cầu công ty này vận chuyển vật liệu thi công không đúng như thiết kế ra khỏi công trường (?!).
Nhiều chuyện khó nói?
Những sai sót của BQLDA huyện Thạch Hà đã khiến công trình văn hóa thể thao Lý Tự Trọng thi công chậm trễ, gây thiệt hại tiền tỷ. Cho đến nay, giai đoạn 1 của dự án vẫn hết sức ngổn ngang, dang dở.
Do buộc phải ngừng thi công nên phía Công ty Bình Minh đã chịu không ít thiệt hại do tồn đọng vốn, nhân lực, máy móc thiết bị. Hơn 20 tấn thép trị giá khoảng trên 150 triệu đồng bị tấp lại thành đống giữa công trường từ nhiều tháng nay, thách thức với mưa nắng. Ông Nguyễn Đình Thi bức xúc: “Nếu chủ đầu tư không bồi hoàn những thiệt hại thì chúng tôi sẽ đem vụ việc này ra nhờ toà án dân sự phán quyết”.
Điều đáng nói, dù có bất cứ chuyện gì xảy ra thì BQLDA vẫn khẳng định họ không sai và không chịu bất cứ một trách nhiệm nào. Mọi tổn thất đều thuộc về nhà thầu. Nhưng khi được hỏi vì sao nhà thầu sai phạm mà chủ đầu tư không có “biện pháp mạnh” thì phía BQLDA lại úp mở: “Có nhiều chuyện ở sau đó khó trả lời lắm!”.
Văn Dũng - Minh San