1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Chủ đầu tư phải xây dựng đồng bộ hạ tầng xã hội

(Dân trí) - Nghị định mới nhằm loại bỏ các chủ đầu tư năng lực kém tham gia dự án phát triển đô thị; tăng cường trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc phải đảm bảo đồng bộ các công trình hạ tầng xã hội, đồng thời công khai thông tin năng lực nhà thầu trên mạng...

Ngày 14/5, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị triển khai Nghị định số 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị và nghị định số 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Đây là những Nghị định có ý nghĩa quan trọng trong công tác quản lý phát triển đô thị và quản lý chất lượng công trình xây dựng.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, trong những năm qua, hệ thống các đô thị Việt Nam đã phát triển nhanh chóng về cả số lượng, chất lượng và quy mô. Diện mạo đô thị có nhiều khởi sắc theo hướng văn minh, hiện đại, tạo dựng được những không gian đô thị mới, từng bước đáp ứng nhu cầu về môi trường sống.
 
Bộ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu tại hội nghị
Bộ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu tại hội nghị

Tuy nhiên, bên cạnh đó còn tồn tại khá nhiều bất cập: sự phát triển không có kế hoạch, thiếu trọng tâm trọng điểm cũng như cơ chế kiểm soát dẫn đến sự không đồng bộ giữa mở rộng không gian và chất lượng cuộc sống của dân cư đô thị, lãng phí tài nguyên đất đai và nguồn lực của xã hội…, trong đó có nguyên nhân lớn từ lỗ hổng pháp luật.

Theo Bộ trưởng, việc ra đời Nghị định 11 đã thống nhất về quy trình thủ tục thực hiện các dự án đầu tư phát triển đô thị đồng thời làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư và các bên có liên quan. Đây thực sự là một thay đổi căn bản trong quá trình đầu tư xây dựng tại các đô thị.

Kể từ nay, các dự án sẽ chỉ được chấp thuận cho triển khai nếu nằm trong khu vực phát triển đô thị và phù hợp với kế hoạch thực hiện đã được phê duyệt. UBND cấp tỉnh là cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu và quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định những khu vực phát triển đô thị cùng với kế hoạch thực hiện kèm theo.

Bên cạnh đó, Nghị định 11 cũng quy định chặt chẽ về điều kiện của các chủ đầu tư được thực hiện các dự án đầu tư phát triển đô thị nhằm hạn chế tình trạng các chủ đầu tư không đủ năng lực triển khai dự án. Tăng cường trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc phải đảm bảo thực hiện đồng bộ các công trình hạ tầng xã hội trong phạm vi dự án.
 
Chủ đầu tư phải xây dựng đồng bộ hạ tầng xã hội
Chủ đầu tư phải xây dựng đồng bộ hạ tầng xã hội

Ngoài ra, theo ông Đỗ Viết Chiến – Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị, Nghị định 11 còn tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan trong lĩnh vực quản lý phát triển đô thị, làm rõ những trường hợp thuộc thẩm quyền của Thủ tướng và những trường hợp phải có ý kiến của Bộ Xây dựng trước khi địa phương phê duyệt.

Còn đối với Nghị định số 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng, ông Ngô Lâm, Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, Nghị định này nhằm tăng cường kiểm soát thiết kế của người quyết định đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Cơ quan nhà nước về xây dựng cần tiến hành kiểm tra việc nghiệm thu của chủ đầu tư trước khi đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, nghị định 15 còn quy định nhằm tăng cường kiểm sát năng lực nhà thầu. Cụ thể là công khai thông tin năng lực của các nhà thầu trên trang thông tin điện tử quản lý nhà nước về xây dựng quản lý.

Lan Hương