1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Ninh Bình:

Chủ đầu tư công trình xâm hại Tràng An “dính” những sai phạm gì?

(Dân trí) - Trong thời gian dài, Công ty CP Du lịch Tràng An đã vi phạm hàng loạt các quy định của pháp luật về đất đai, bảo vệ rừng, xây dựng, văn hóa, du lịch… Những sai phạm của ông Nguyễn Văn Son có phần trách nhiệm lớn của cơ quan quản lý nhà nước tỉnh Ninh Bình.

Xâm hại nghiêm trọng di sản thế giới Tràng An

Thông báo kết luận thanh tra của UBND tỉnh Ninh Bình nêu rõ hàng loạt sai phạm của ông Nguyễn Văn Son, Giám đốc Công ty CP Du lịch Tràng An, đã xâm hại nghiêm trọng Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, cụ thể là việc xây dựng trái phép tại khu vực núi Cái Hạ, bao gồm:

Hành vi xây dựng công trình trái phép trên núi Cái Hạ (nằm trong Quần thể danh thắng Tràng An xã Trường Yên, huyện Hoa Lư): Ông Nguyễn Văn Son không được nhà nước giao, cho thuê, sử dụng đất, đã thực hiện xây dựng công trình trái phép trên núi từ ngày 14/8/2017 đến 13/2/2018; Diện tích đất, rừng đặc dụng, núi đá, di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới bị xâm hại 742m2 với quy mô xây dựng công trình có chiều dài 510m, rộng trung bình 1,4m và một số hạng mục khác với kết cấu bê tông cốt thép.

Công trình khủng xâm hại di sản Tràng An do công ty CP Du lịch Tràng An xây dựng trên núi Cái Hạ.
Công trình "khủng" xâm hại di sản Tràng An do công ty CP Du lịch Tràng An xây dựng trên núi Cái Hạ.

Hành vi xây dựng các công trình trái phép trên diện tích đất không được nhà nước giao quyền sử dụng cho ông Son và công ty tại khu vực núi Cái Hạ gồm: Nhà hai tầng B2 diện tích 180,3m2, bếp 61,2m2, bể nước 9,8m2, bồn hoa 71,2m2, trồng cây bóng mát, lối đi 319,5m2, sân bê tông 146m2, nhà bán hàng lưu niệm 165,3m2, cổng lên núi Cái Hạ 54,6m2, nhà mái ngói một tầng 21,2m2.

Các công trình này xây dựng trên diện tích đất 7.160,1m2 đã được UBND tỉnh giao cho Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường theo Quyết định 154/QĐ-UBND ngày 16/1/2007; nhà hai tầng b2 thời điểm xây dựng vi phạm năm 2007, khu nhà dịch vụ bán hành thời điểm xây dựng vi phạm năm 2015.

Cổng ra vào công ty xây dựng trái phép trên diện tích đất lưu không của tuyến số 1 đường Tràng An – Bái Đính, thời điểm xây dựng vi phạm năm 2010; Công trình xây dựng bến hành khách thủy nội địa (bến đò) trên diện tích đất thuộc dự án nạo vét sông Sào Khê được UBND tỉnh Ninh Bình giao Ban quản lý dự án thủy lợi (Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư).

Xem thường các quy định của pháp luật

Ngoài xâm hại di sản nhân loại, ông Son còn vi phạm hàng loạt các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch bao gồm: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, giao thông, văn hóa, du lịch…

Ông Nguyễn Văn Son - Giám đốc Công ty CP Du lịch Tràng An đã ngang nhiên vi phạm các quy định của pháp luật trong thời gian dài.
Ông Nguyễn Văn Son - Giám đốc Công ty CP Du lịch Tràng An đã ngang nhiên vi phạm các quy định của pháp luật trong thời gian dài.

Cụ thể, từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (3/4/2007, cấp thay đổi lần 2 ngày 20/5/2013) nhưng công ty chưa công khai thông tin trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; chưa lập hồ sơ đăng ký cổ đông; chưa tiến hành đại cổ đông thường niên; không tổ chức kế toán theo quy định... Tổ chức vận tải hành khách đường thủy nội địa là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.

Vi phạm các quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bệnh nghề nghiệp: Công ty ký hợp đồng với người lao động không đúng nội dung hợp đồng lao động; chưa thực hiện việc xây dựng và đăng ký nội quy lao động với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh; chưa thực hiện các báo cáo về khai trình sử dụng, thay đổi lao động, báo cáo về công tác an toàn;; chưa xây dựng thang lương, bảng lương, chưa đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về lao động; chưa đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động.

Về tổ chức vận tải hành khách đường thủy nội địa: Các lao động hợp đồng điều khiển phương tiện thủy vận chuyển khách du lịch chưa có giấy chứng nhận chuyên môn điều khiển phương tiện thủy nội địa; các phương tiện thủy (thuyền, đò) chưa được đăng ký, đăng kiểm đã vi phạm Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2004, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2014.

Cổng vào khu du lịch trái phép Tràng An cổ nằm trên hành lang an toàn giao thông đã bị đập bỏ.
Cổng vào khu du lịch trái phép "Tràng An cổ" nằm trên hành lang an toàn giao thông đã bị đập bỏ.

Vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý du lịch và văn hóa: Về quản lý du lịch, các lao động chở đò vận chuyển khách du lịch chưa có giấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ du lịch đã vi phạm Luật Du lịch năm 2005. Về quản lý văn hóa, công ty tự làm biển hiệu tại cổng ra vào có ghi nội dung “Công ty CP Du lịch Tràng An, Khu du lịch Tràng An cổ; Trung tâm di tích – vùng lõi cố đô Hoa Lư; Bảo tàng thiên nhiên – Bảo tàng di tích lịch sử triều Đinh” không đúng quy định về biển hiệu đã vi phạm Luật Quảng cáo năm 2012.

Về quản lý tài chính, thuế: Từ khi thành lập công ty không tổ chức công tác kế toán theo quy định, không có hệ thống sổ sách theo dõi, chỉ nộp thuế môn bài, không nộp bất cứ khoản nào khác cho nhà nước; việc tự in, phát hành trái phép giấy có mệnh giá 45.000 đồng/lượt khách để thu dịch vụ sử dụng đò đã vi phạm Pháp lệnh phí và lệ phí năm 2001…

Thái Bá