1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chống tham nhũng: Vẫn còn khe hở giữa Chính sách và Quản lý

(Dân trí) - Để xảy ra việc tham nhũng, chúng ta đã quy định người đứng đầu cơ quan phải chịu trách nhiệm, mà tại các cơ quan đều có chi bộ, đảng bộ, công đoàn ... vậy tại sao những tiêu cực ở đó không phải do cơ quan phát hiện ra mà lại do báo chí hay người bên ngoài phát hiện?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Trân, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội đã thẳng thắn nói về vấn đề thất thoát, tham nhũng trong xây dựng cơ bản mà ông cho rằng nguyên nhân chính là do cơ chế giữa Bộ Kế hoạch đầu tư và Bộ Xây dựng.

 

Tình hình tham nhũng hiện nay ở nước ta đang diễn ra rất phức tạp, trong nhiều lĩnh vực, tính chất ngày càng nghiêm trọng, có xu hướng tăng về quy mô đã tạo nên sự bất bình trong nhân dân ý kiến của ông như thế nào?

 

Thứ nhất phải cải tiến khâu làm Luật, phải điểm cho đúng huyệt, giải quyết tận gốc chứ không chỉ giải quyết phần ngọn. Chúng ta phải làm kiên quyết mới đem lại niềm tin với dân, Đảng và Nhà nước. Phải có cơ chế chống tham nhũng để người ta không muốn tham nhũng, không thể tham nhũng và không dám tham nhũng.

 

“Không muốn” là thu nhập, lương của người ta phải đủ sống. “Không thể” là Cơ chế chính sách và thể chế phải chặt. “Không dám” là chế tài và xử lý phải nghiêm minh.

 

Cơ chế chống tham nhũng phải làm như thế nào thưa ông?

 

Cơ chế là có 4 cải cách cần phải làm: Thứ nhất là cải cách hành chính Nhà nước; thứ 2 là Tư pháp, Pháp lý; Thứ ba là Tài chính Ngân hàng; thứ tư Doanh nghiệp Nhà nước.

 

4 cải cách này có liên quan chặt chẽ với nhau dẫn tới việc chống tham nhũng. Bây giờ ai cũng biết thất thoát tham nhũng trong đầu tư xây dựng cơ bản và trong sử dụng vốn ODA là rất lớn. Nhưng hiện nay cơ chế quản lý vốn đầu tư Xây dựng cơ bản giữa Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Xây dựng vẫn còn nhièu bất cập.

 

Hay như quy định về quản lý vốn ODA giành cho xây dựng cơ bản giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước vẫn còn nhiều khe hở. Vì vậy, phải giải quyết, cải cách cái này từ gốc thì mới không thể tham nhũng được.

 

Trong cải cách về Tài chính tiền tệ hiện nay, theo tôi phải làm cải cách trong các Ngân hàng Thương mại Nhà nước. Hiện nay, vay vốn ở 5 Ngân hàng thương mại Nhà nước của chúng ta không theo tiêu chí quốc tế. Sự dễ dãi cho vay vốn của Ngân hàng Thương mại Nhà nước đối với những Doanh nghiệp Nhà nước tạo khe hở “ngốn” vốn của Nhà nước rất nhiều gây lãng phí và có cơ hội cho tham nhũng phát triển.

 

Vậy nên, tôi nghĩ muốn chống tham nhũng có hiệu quả thì phải chống tận gốc. Tất nhiên vẫn phải chặt bớt ngọn để giảm sức sống của nó.

 

Tham nhũng là căn bệnh trong bộ máy Nhà nước và chỉ cán bộ, công chức mới có thể tham nhũng và việc phát hiện, xử lý tham nhũng bằng chính lực lượng trong nội bộ ngành, cơ quan, tổ chức, địa phương không được nhiều mà phần lớn do lực lượng bên ngoài, ông nghĩ thế nào?

 

Tại các cơ quan đều có chi bộ, đảng bộ, công đoàn, thanh niên nhưng tại sao những tiêu cực ở trong cơ quan Nhà nước hiện nay đều do báo chí hay người bên ngoài phát hiện, đây là vấn đề cần suy nghĩ. Các cá nhân trong cơ quan đều coi cơ quan là nồi cơm của họ nên không ai muốn đụng tới và thủ trưởng cơ quan không dám nói ra những điều khuất tất trong cơ quan vì sợ mất chức.

 

Vì vậy, theo tôi nếu cơ quan nào có lục đục nội bộ thì người thủ trưởng cơ quan phải chịu trách nhiệm.

 

Theo ông giải pháp phòng chống tham nhũng sát với thực tế, có hiệu quả ngoài những quy định của Pháp lệnh nói riêng và Pháp luật nói chung thì cần những biện pháp gì nữa?

 

Dự thảo Luật chống tham nhũng hiện nay quy định rất tràn lan chưa đi vào chiều sâu. Đối tượng cần phải kê khai tài sản là những người có chức, có quyền và đặc biệt chú ý tới những đối tượng có dấu hiệu chạy chức, chạy quyền, chạy dự án.

 

Đối tượng mà Đảng và Nhà nước cần tập trung chú ý không phải là tất cả các công chức Nhà nước mà hãy tập trung ngay vào những người chạy chức, chạy quyền, chạy dự án... ở đó mình phát hiện ra rất nhiều vấn đề.

 

Theo tôi, Ban chỉ đạo chống tham nhũng phải là những đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội.

 

Phải làm mạnh vấn đề chống tham nhũng, nếu không làm thì uy tín của Đảng và Nhà nước trong cử tri ngày càng đi xuống.

 

Xin cảm ơn ông!

 

                                                           Hồng Hạnh (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm