Chống ngập bằng sà lan di động: Không hết ngập, không lấy tiền?

(Dân trí) - Chủ máy bơm "siêu khủng" ở đường Nguyễn Hữu Cảnh đề xuất chống ngập cho 2 lưu vực đường Nguyễn Văn Quá, Phan Huy Ích và kênh Tham Lương (TPHCM) bằng đập sà lan di động, không hết ngập không lấy tiền.

Sở Xây dựng vừa báo cáo UBND TPHCM về đề xuất chống ngập cho đường Nguyễn Văn Quá, đường Phan Huy Ích và kênh Tham Lương bằng đập sà lan di động lắp máy bơm công suất lớn của Công ty CP Tập đoàn công nghiệp Quang Trung theo hình thức thuê dịch vụ trọn gói (không hết ngập không lấy tiền). 

Chống ngập bằng sà lan di động: Không hết ngập, không lấy tiền? - 1

Công ty Quang Trung là chủ đầu của máy bơm "siêu khủng" chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh mà TPHCM thuê hơn 14 tỷ đồng/năm

Đáng chú ý, công ty này là chủ đầu tư máy bơm "siêu khủng" chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh (vận hành thử nghiệm từ 2017), với cam kết "không hết ngập không lấy tiền". 

Đề xuất chống ngập tại các điểm mới trên địa bàn TPHCM của công ty đã nhận được ý kiến phản biện của sở, ngành, đơn vị liên quan.

Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM đánh giá giải pháp chống ngập trên diện rộng bằng hệ thống đập sà lan di động có lắp bơm công suất lớn là một ý tưởng về biện pháp công trình độc đáo. 

Tuy nhiên, biện pháp công trình này cần có các giải pháp kỹ thuật chi tiết để chứng minh tính khả thi về mặt công nghệ. Hơn nữa, biện pháp công trình chống ngập này có thể gây xung đột với các vấn đề khác như giao thông thủy, sạt lở, môi trường.

Ngoài ra, trong trường hợp phải dùng biện pháp cưỡng bức để cải thiện năng lực của hệ thống thoát nước thì việc xác định công suất của máy bơm phải căn cứ vào nhiệm vụ mà hệ thống thoát nước hiện hành không giải quyết được. Do đó, phải căn cứ vào kết quả tính toán thủy văn, thủy lực công trình để chọn công suất máy bơm cho phù hợp.

Cùng quan điểm, Sở Xây dựng nhận định đây là giải pháp có tính sáng tạo cao. Nếu thành công, có thể nhân rộng giải pháp này áp dụng cho nhiều khu vực có cao độ địa hình thấp bị ảnh hưởng triều.

Tuy nhiên, báo cáo đề xuất của công ty chỉ dừng lại ở mức độ ý tưởng và chưa được cụ thể về tính toán, thiết kế, đánh giá tác động đến môi trường, giao thông thủy. 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP, nếu đường Phan Huy Ích và đường Nguyễn Văn Quá ngập do hệ thống cống xây dựng lâu, xuống cấp, các kênh rạch nhánh dẫn nước ra kênh chính bị bồi lắng do bùn, rác gây tắc dòng chảy... thì sử dụng giải pháp chống ngập bằng đập sà lan di động chưa giải quyết được ngập cho khu vực này.

Ngoài ra, kênh Tham Lương là trục tiêu thoát nước chính của phía bắc TPHCM, đảm nhiệm tiêu thoát nước cho 6 quận, huyện (về 2 hướng: qua rạch Bến Cát ra sông Sài Gòn và qua rạch Nước Lên ra sông Chợ Đệm).

Do đó, việc ngăn chặn dòng chảy, sử dụng bơm về 1 hướng gây chuyển hướng dòng chảy (trong khi chưa xác định rõ hướng tiêu thoát nước cũng như khảo sát cao độ địa hình của khu vực) gây ảnh hưởng đến các dự án chống ngập khác đang triển khai thực hiện. Vì vậy, cần đánh giá nguyên nhân gây ngập trên lưu vực để lựa chọn phương án, giải pháp chống ngập hiệu quả.

Chống ngập bằng sà lan di động: Không hết ngập, không lấy tiền? - 2

Người dân lội nước trên đường Phan Huy Ích (ảnh: Trương Nhân)

Lo ngại ảnh hưởng giao thông thủy, Sở Giao thông vận tải TP cho rằng nếu sử dụng hệ thống sà lan di động lắp đặt bơm công suất lớn tại điểm đầu và điểm cuối kênh Tham Lương thì các phương tiện thủy không thể lưu thông trên tuyến.

Trong khi đó, Sở Khoa học và Công nghệ TP thận trọng vì giải pháp chống ngập bằng bơm công suất lớn do Công ty Quang Trung đề xuất đang triển khai thực hiện để giải quyết ngập tại khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh. 

"Sở Xây dựng cần kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động của giải pháp này trong thời gian qua như hiệu quả giải quyết ngập, chi phí, môi trường... và so sánh với các giải pháp khác. Từ kết quả kiểm tra, đánh giá lại hiệu quả mới có cơ sở để tiếp tục đề xuất triển khai tại các điểm ngập khác", Sở Khoa học và Công nghệ nêu quan điểm.

Bài học từ đường Nguyễn Hữu Cảnh

Đường Nguyễn Hữu Cảnh hiện đang được cải tạo, chỉnh trang với tổng kinh phí 473 tỷ đồng. Điều đáng chú ý, dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh được thực hiện trong bối cảnh TPHCM đã thuê máy bơm “siêu khủng” chống ngập cho tuyến đường này trong 7 năm (từ 2018), với giá thuê hơn 14 tỷ đồng/năm.

Câu hỏi được đặt ra là hợp đồng thuê dịch vụ bơm chống ngập cho con đường này được giải quyết như thế nào? Hay TP lãng phí tiền tỷ để thuê máy bơm để đó “chơi” trong 7 năm?

Về thắc mắc này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan từng chia sẻ với PV Dân trí rằng đã chỉ đạo và nhắc nhở chủ đầu tư nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh phải đảm bảo hiệu quả 2 khía cạnh là đường không ngập, nhà dân cũng không ngập.

Khi được hỏi: “Thành phố sẽ xử lý máy bơm như thế nào khi trong 2 năm tới sẽ hoàn thành nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh, vừa đảm bảo hiệu quả chống ngập mà lại không lãng phí ngân sách?”, ông Hoan cho biết sẽ có phương án. 

Theo đó, khi làm xong dự án nâng cấp đường thì máy bơm sẽ được chuyển sang vị trí khác có nhu cầu như tại các cửa xả lớn.

“Máy bơm chỉ giải quyết ngập nhất thời. Thành phố sẽ có phương án sử dụng tối đa máy bơm. Khi làm xong đường Nguyễn Hữu Cảnh thì dịch chuyển máy bơm đi. Giải quyết ngập cho khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh là bài toán tổng thể, không chỉ trên đường mà cả nhà dân”, một lần nữa ông Hoan nhấn mạnh.

 Quốc Anh