1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chống lãng phí: chớ hô hào!

“Nhà nước muốn chống lãng phí, tiêu cực không thể tự mình giám sát mình mà phải do dân giám sát. Muốn thế phải công khai, minh bạch hoá thông tin… Người đứng đầu nào chỉ nói mà không làm, dân sẽ phán xét” - Tiến sỹ Lê Đăng Doanh trao đổi về <a href=" http://www1.dantri.com.vn/Sukien/2005/12/94913.vip"> Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí</a> năm 2006 của Chính phủ.

Thưa ông, chuyện chống lãng phí ở nước ta không phải bây giờ mới đặt ra mà hầu như ở kỳ họp Quốc hội nào cũng trở nên nóng bỏng. Tuy nhiên, vấn nạn này xem ra không có dấu hiệu thuyên giảm, thậm chí có nơi "bệnh" còn nặng hơn. Vậy cái mới trong chương trình hành động của Chính phủ lần này là gì?

 

Nó mới ở chỗ là Chính phủ đã đi trước một bước, trước khi Luật Thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí có hiệu lực (1/6/2006). Hơn nữa, chương trình này có khá nhiều điểm cụ thể cùng các chế tài mạnh, chứ không kêu gọi tiết kiệm, chống lãng phí chung chung như trước. Ngoài ra, lần đầu tiên chương trình cũng đề cập đến chế tài xử lý trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị, tổ chức để xảy ra lãng phí cả mặt hành chính lẫn tài chính.

 

Chế tài mạnh liệu có gây ra hậu quả ngược lại, người đứng đầu do sợ trách nhiệm sẽ chi tằn tiện, tiết kiệm quá mức để khỏi bị... phạt?

 

Thì anh phải đứng ra một bên sẽ có người khác dám chịu trách nhiệm, dám bỏ tiền túi ra bồi thường nếu quyết định sai. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà mọi cá nhân (chứ không chỉ có người đứng đầu) phải chịu trách nhiệm về vị trí, năng lực công việc mình đảm trách. Mặt khác, cũng phải rạch ròi rằng, tinh thần của tiết kiệm không có nghĩa bủn xỉn, co cụm không dám chi mà phải theo nguyên tắc: Một xu cũng không chi nếu không hiệu quả, không đúng mục đích, ngược lại có thể chi bạc tỉ nếu đó là chi đích đáng, mang lại hiệu quả cao cho xã hội.

 

Ông đi nhiều nước thấy cách thức người ta tiết kiệm thế nào?

 

Những nước phát triển muốn chống lãng phí người ta thực hiện triệt để nguyên tắc công khai, minh bạch. Ví như ở Thuỵ Điển, người dân có quyền hỏi thủ tướng đi nước ngoài đã chi những khoản gì, bao nhiêu tiền và thủ tướng cũng công khai ngay. Hoặc như đại hội một số đảng dân chủ ở các nước Đông Âu vừa rồi, người ta cũng công khai hoá vị nào ở phòng khách sạn nào, suất ăn bao nhiêu, đi lại bằng phương tiện gì...? Tất cả đều có hoá đơn thanh toán rất cụ thể.

 

Còn chuyện ôtô công, ở các nước, cấp thứ trưởng trở lên như ta có được Nhà nước "bao xe" không?

 

Không nói đâu xa, ngay như Indonesia họ cũng chỉ quy định từ bộ trưởng trở lên được đi xe công. Còn Thuỵ Điển thì từ Thủ tướng trở xuống cũng không có xe công và chuyện các quan chức chính phủ đi làm bằng xe buýt, tàu điện không có gì là lạ với người dân cả. Nhiều quan chức nước ngoài đến Thụy Điển, khi đi họp cũng vẫn phải nhảy xe buýt, tàu điện ngầm và không phải vì thế mà họ không được trọng thị.

 

Nhưng phương án đưa chi phí xe công vào lương xem ra còn nhiều bất ổn, bởi nếu tính đúng, tính đủ thì lương một vị thứ trưởng  không dùng xe công sẽ gấp vài lần lương ông bộ trưởng?

 

Phương án cụ thể, nên để Bộ Tài chính tính toán sao cho phù hợp với mức thu nhập hiện nay và cân đối với các đối tượng khác. Nhưng chắc chắn sẽ phải đạt được 2 mục tiêu: Tăng thêm thu nhập cho cán bộ đó, so với khi còn dùng xe công và giảm được công quỹ của Nhà nước.

 

Còn chuyện tiết kiệm thời gian, chúng ta đã quá nhiều lần phát động các phong trào "tám giờ vàng ngọc" trong công sở. Nhưng thực tế, "vàng ngọc" đâu chả thấy, chỉ thấy hiệu quả công việc không mấy chuyển?

 

Tôi đã qua làm việc Bộ Tài chính Nhật Bản, thấy họ không có quy định nào là "phải làm việc đủ 8 tiếng" thay vào đó là "phải làm xong việc". Bởi thế có đến 1/4 công chức của bộ này ngủ lại qua đêm ở công sở, vì họ có quá nhiều việc phải làm ngoài giờ. Còn ở Thuỵ Điển, từ cấp trưởng phòng trở lên trong các cơ quan nhà nước phải công khai lịch làm việc hàng tuần của họ lên mạng. Người dân có quyền kiểm tra bất kỳ vị nào, làm gì và ở đâu trong một thời điểm nhất định.

 

Vậy thì xem ra cốt lõi của việc thực hành tiết kiệm và chống lãng phí là phải minh bạch và công khai hoá?

 

Đúng như vậy. Theo tôi một xã hội muốn tiến lên và phát triển phải vận hành động bộ 3 đỉnh của một tam giác: Kinh tế thị trường- quản lý của nhà nước- giám sát của nhân dân. Mặt trái của kinh tế thị trường thì quá rõ, nếu cán bộ nhà nước lại lợi dụng mặt trái này để câu kết với kẻ xấu thì sẽ nguy hại cho dân, cho nước vô cùng.

 

Nhưng làm sao để tăng quyền giám sát của dân?

 

Sinh thời Bác Hồ đã nói: "Toàn bộ quyền lực đều thuộc về nhân dân" và nhà nước của dân thì phải vì dân và do dân giám sát. Nhà nước muốn chống lãng phí, tiêu cực không thể tự mình giám sát mình mà phải do dân giám sát. Muốn dân giám sát phải công khai và minh bạch hoá thông tin.  Không phải ngẫu nhiên mà tại kỳ họp Quốc hội mới đây, Thủ tướng Phan Văn Khải đã nhấn mạnh là cần phải thể chế hoá quyền được thông tin của người dân.  

 

Tôi cho rằng, với chương trình chống lãng phí lần này của Chính phủ, nếu người đứng đầu nào chỉ nói mà không làm, dân sẽ phán xét.

 

Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

Theo Đình Chúc
Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm