"Chống dịch Covid-19 thành công làm nên thương hiệu quốc tế của Việt Nam"
(Dân trí) - Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (đoàn Hà Nội) bày tỏ quan điểm cho rằng chiến thắng dịch Covid-19 là chiến công thần kỳ của đất nước, chống dịch thành công làm nên thương hiệu quốc tế của Việt Nam.
Sáng 13/6, điều hành phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế xã hội, ông Phùng Quốc Hiển - Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, có tới 90 đại biểu đăng ký phát biểu.
Việc tham mưu xuất khẩu gạo "có vấn đề"
Phòng chống tham nhũng tốt, phòng chống lãng phí chưa tốt
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) nhận định, việc phòng chống tham nhũng làm tốt nhưng phòng chống lãng phí thì không làm tốt. Đặc biệt, phải làm rõ tại sao doanh nghiệp phá sản để xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật.
Cần xác định các ngành, lĩnh vực được ưu tiên, nhằm mục tiêu định hướng thu hút đầu tư một cách chủ động đến các khu vực và tỉnh khó khăn. Cần tăng cường nguồn vốn đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm để thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Chiến thắng dịch Covid-19 là chiến công thần kỳ của đất nước
Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (đoàn Hà Nội) bày tỏ quan điểm cho rằng chiến thắng dịch Covid-19 là chiến công thần kỳ của đất nước, chống dịch thành công làm nên thương hiệu quốc tế của Việt Nam, tạo sự hấp dẫn từ đất nước tới con người...
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng kêu gọi toàn quốc chống dịch; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra lệnh “chống dịch như chống giặc”, cả triệu người đã cùng nhau chống dịch Covid-19 và đã chiến thắng dịch.
“Quan đi lạc vào hộ cận nghèo”
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Tiền Giang) nêu lên 5 vấn đề về tình hình kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm, trong đó nêu lên thông tin chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 có cần điều chỉnh hay không và phải có dự báo tăng trưởng trong thời gian tới.
Đặc biệt, đại biểu đoàn Tiền Giang đề cập tới chính sách tài khóa, các gói tín dụng, các gói hỗ trợ an sinh do thiệt hại vì Covid-19 cần được thanh tra, giám sát chặt chẽ để đảm bảo bảo đúng đối tượng thụ hưởng; không để tình trạng “bò đi lạc vào nhà quan” và “quan đi lạc vào hộ cận nghèo” như một vài trường hợp được phản ánh trong thời gian gần đây.
Những giải pháp căn cơ "thắt lưng buộc bụng"
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) cho rằng, với việc mất cân đối cung cầu thịt lợn, đẩy giá lợn lên cao trong gần 1 năm qua, cùng với đó là sự lúng túng thiếu nhất quán trong việc đề xuất ngừng xuất khẩu gạo, cần phải có ngành chức năng chịu trách nhiệm.
Đại biểu Xuân cũng nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc tạm dừng tăng lương cơ bản đối với khối cán bộ, công chức. Tuy vậy, đại biểu đoàn Đắk Lắk đánh giá, đây chỉ là giải pháp tình thế, không phải là giải pháp căn cơ. Bởi theo đại biểu, về tâm lý đa số công chức hưởng lương từ ngân sách không hào hứng và chưa thực sự yên tâm về việc này.
“Lạm phát tăng, chỉ số giá tiêu dùng tăng, làm giảm sức mua của người dân, thì việc giữ nguyên lương thực chất đã làm giảm giá trị của đồng lương. Đồng thời đa số công chức, viên chức làm công ăn lương sẽ khó khăn hơn”, bà Xuân nói.
Theo đại biểu, giải pháp căn cơ thắt lưng buộc bụng trong tình hình hiện nay là phải tiết kiệm chi tiêu, chống lãng phí và đầu tư công phải thực sự thiết thực, có hiệu quả. Đặc biệt chúng ta phải chống thất thu, chống lạm phát trong thời gian tới.
Chính phủ cần có giải pháp giúp doanh nghiệp tái đàn lợn
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa - Vũ Tàu) cho hay, những tháng đầu năm 2020, trước đại dịch Covid-19 với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, hơn 50 ngày qua đất nước ta không có ca nhiễm mới trong cộng đồng.
“Có những bệnh rất nặng được chúng ta chữa trị hồi phục được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao. Hoạt động kinh tế - xã hội gần như trở lại bình thường. Kinh tế nước ta cũng đã phục hồi khá nhanh, khá mạnh”, bà Yến nói.
Tuy nhiên, bà Yến đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp hữu hiệu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp gây đàn, tái đàn lợn để đảm bảo nguồn cung trong cả nước, kiểm soát giá thịt lợn đang tăng cao như hiện nay. “Trước dịch tả lợn châu Phi, các hộ dân cũng đang gặp khó khăn về nguồn vốn, tôi cũng mong Chính phủ quan tâm hơn nữa để người dân có điều kiện tái đàn”, bà Yến đề nghị.
“Khó khăn gấp đôi phải cố gắng gấp ba”
Báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách trước đó, Chính phủ cho biết, tác động của đại dịch Covid-19 đến nước ta là rất nghiêm trọng do nền kinh tế hội nhập sâu rộng, độ mở lớn, tính tự chủ và khả năng chống chịu còn hạn chế.
Đại dịch Covid-19 không chỉ gây thiệt hại về kinh tế do các hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ, gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, dịch bệnh còn ảnh hưởng mạnh đến tâm lý và đời sống nhân dân.
Trong khi đó, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, mưa đá, dịch tả lợn châu Phi… cũng gây thiệt hại lớn ở nhiều vùng, địa phương và tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp.
Trong bối cảnh đó, với tinh thần “khó khăn gấp đôi phải cố gắng gấp ba” chúng ta tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân.
Người đứng đầu Chính phủ cho hay, dù gặp khó khăn, thách thức lớn, nhưng nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta vẫn có những điểm sáng trong phát triển kinh tế.
Nhất là, duy trì được nền tảng vĩ mô ổn định và các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau dịch.
Thủ tướng cho hay, vẫn còn một số hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức trên các lĩnh vực. Đời sống của một bộ phận người lao động, người dân còn gặp nhiều khó khăn; triển khai các chính sách hỗ trợ có nơi còn chậm.
Thực tiễn còn xảy ra tham nhũng, vi phạm pháp luật trong mua sắm thiết bị y tế. Khiếu kiện về đất đai tuy đã giảm nhưng vẫn còn bức xúc ở một số địa phương. Tình hình an ninh, trật tự, tội phạm hình sự nghiêm trọng diễn biến phức tạp trên một số địa bàn...
Quang Phong - Như Quỳnh