Chống đánh bắt trái phép sẽ làm thay đổi cả ngành thủy sản Việt Nam
(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU) là cơ hội để thay đổi ngành thủy sản Việt Nam, nhưng không làm kiểu đối phó.
Ngày 9/4, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan dẫn đầu đoàn công tác có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Định về thực hiện công tác chống khai thác IUU (hoạt động đánh bắt trái phép, không báo cáo và không được quản lý), chuẩn bị đón Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ 5.
Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, công tác chống khai thác IUU trên địa bàn thời gian qua được triển khai quyết liệt, song tình trạng tàu cá bị nước ngoài bắt giữ vẫn chưa chấm dứt hẳn.
Năm 2023, có 4 tàu cá/28 thuyền viên bị nước ngoài bắt giữ, cả 4 tàu cá này đều xuất bến ngoài tỉnh, hàng năm không về địa phương (Bà Rịa - Vũng Tàu: 3 tàu, Tiền Giang: 1 tàu); 3 tàu chiều dài dưới 15m (theo quy định không lắp đặt hệ thống giám sát hành trình)…
Gần đây nhất, ngày 14/3, một tàu cá cùng 6 thuyền viên của tỉnh Bình Định vi phạm vùng biển nước ngoài, bị phía Malaysia bắt giữ.
Ngoài ra, địa phương cũng gặp khó khăn về quản lý hoạt động tàu ở vùng lộng ngoài tỉnh, với những tàu cá dưới 15m. Lý do, các tàu này không quy định phải trang bị giám sát hành trình nên không thể giám sát…
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho hay để chuẩn bị cho Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu, các sở, ngành liên quan đang tổng rà soát lại toàn bộ hồ sơ giấy tờ. UBND tỉnh đang xin ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy về việc "cấm biển" với hơn 100 tàu có nguy cơ vi phạm cao.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, nếu làm tốt công tác chống IUU sẽ làm thay đổi cả ngành thủy sản của Việt Nam, chứ không riêng IUU.
"Bản thân chúng ta vượt qua được IUU là đã sắp xếp được ngành thủy sản và hướng đến tương lai. IUU chỉ là một giải pháp ngắn hạn mà chúng ta phải hướng tới, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản và kinh tế biển, vì Việt Nam chứ không phải vì IUU, hay EC", Bộ trưởng Hoan nói và cho biết đó là quan điểm của Chính phủ.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, bản chất 3 hành vi IUU là khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không đúng quy định đã nằm trong Luật Thủy sản năm 2017.
"Việc EC áp đặt IUU là để quản lý triệt để, tạo sự công bằng giữa các quốc gia, doanh nghiệp khi đưa thủy sản vào thị trường châu Âu", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng chia sẻ, nếu chúng ta chấp hành tốt IUU trước hết là điều rất tốt cho Việt Nam, đảm bảo được nguồn lợi thủy sản, môi trường biển, đa dạng sinh học... Đây cũng là để tránh sự bất công giữa người chấp hành tốt và người vi phạm.
"Chống khai thác IUU chính là cơ hội để ngành thủy sản Việt Nam thay đổi, tuy nhiên phải thống nhất trong nhận thức, không làm kiểu đối phó. Nếu không có IUU nhiều khi hàng nghìn con tàu của chúng ta lay lắt ngoài biển.
Như vậy, không thể nào ngành kinh tế biển, nghề cá chúng ta tiến tới hiện đại được; không thể nào thực hiện được mục tiêu Việt Nam là quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển", ông Hoan nhấn mạnh.