1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Nam:

Chòng chành vượt sông dữ tìm con chữ

Công Bính Hoài Sơn

(Dân trí) - Người dân ở nóc Tắk Rối, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My luôn khát vọng có một cây cầu để có thể vận chuyển nhu yếu phẩm, lưu thông hàng hóa và các em học sinh có thể vững bước đến trường…

Đánh cược cuộc sống với Hà bá

Sau những cơn lũ dữ, trời tạnh ráo, chúng tôi đặt chân tới làng Tắk Rối (thôn 3, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) nơi được mệnh danh là "Làng đảo giữa rừng sâu". Sở dĩ nơi đây có tên gọi như vậy bởi lẽ, để lên được làng, người dân phải lội suối, chèo ghe vượt qua con sông Tranh hung dữ trong mùa mưa. Từ quốc lộ 40B nhìn qua bên kia, ngôi làng Tắk Rối hiện ra với hàng chục mái nhà lúp xúp.

Chòng chành vượt sông dữ tìm con chữ - 1

Nóc Tắk Rối nhìn từ bên này sông Tranh. Nóc có 41 hộ dân với khoảng 200 nhân khẩu

Dòng sông Tranh cách trở, cái nghèo cứ thế bao vây xóm làng, điều kiện tiếp xúc với bên ngoài của người dân nơi đây vì thế cũng ít đi, cuộc sống của người nơi đây cũng vì vậy mà khá thiếu thốn.

Chòng chành vượt sông dữ tìm con chữ - 2
Chòng chành vượt sông dữ tìm con chữ - 3

Hàng hóa, cây con giống đều được người dân vận chuyển về làng bằng chiếc thuyền mỏng manh

Để qua bên kia sông vào nóc Tắk Rối, chúng tôi liều mình ngồi lên chiếc ghe mỏng manh làm bằng nhôm mà hàng ngày vẫn đưa người dân làng Tắk Rối vào ra làng, học sinh hàng ngày vẫn đến trường trên chiếc ghe này.

Hôm chúng tôi đến, người dân làng Tắk Rối đang tranh thủ hoàn thiện chiếc bè bằng phao. Chiếc bè được kết lại bằng 8 thùng phuy nhựa, trên đặt những tấm ván gỗ. Để có chiếc bè bằng phao này, thầy giáo Lê Huy Phương - Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập đã đi vận động các Mạnh Thường Quân giúp đỡ cho học sinh và người dân đi lại cho an toàn.

Chòng chành vượt sông dữ tìm con chữ - 4

Chiếc bè phao vừa được đóng xong, đang được vận hành thử. Bè phao gồm 8 chiếc thùng phuy, bên trên được lát ván gỗ

Anh Hồ Văn Thịnh (37 tuổi) - một người dân đã từng chứng kiến biết bao câu chuyện thương tâm tại dòng sông này - cho hay, do địa hình cách trở, đoạn sông này không có cây cầu nào được xây dựng nên người dân muốn đi ra trung tâm xã hoặc lên huyện thì phải tự sắm những chiếc ghe nhỏ vượt sông Tranh để qua tuyến quốc lộ 40B.

Chòng chành vượt sông dữ tìm con chữ - 5

Khi di chuyển chiếc bè phao, phải có dây cáp nối từ bên này sông qua bên kia sông. Vừa bám vào dây cáp vừa di chuyển bè phao đi

Mùa nắng, nước sông cạn có thể lội bộ qua sông; còn khi mùa mưa đến, nước chảy xiết nên phải dùng ghe. Đó là những ngày không mưa gió, còn khi trời mưa gió, nước sông Tranh dâng lên cuồn cuộn thì dân làng Tắk Rối bị cô lập hoàn toàn.

Chòng chành vượt sông dữ tìm con chữ - 6

Bên cạnh chiếc bè phao, người dân vẫn thường xuyên di chuyển qua sông bằng chiếc thuyền nhỏ

Như cơn bão số 9 vào tháng 10/2020, học sinh đành phải nghỉ học dài ngày khi nước sông dâng cao; nhiều trường hợp ốm đau, bệnh tật vào những ngày nước lớn cũng không thể nào sang sông. Người dân cho biết, đã có lần nhiều người cố vượt nhưng đã không may bị dòng nước hung tợn cuốn trôi.

Dù biết nguy hiểm là vậy nhưng không có con đường nào khác, hằng ngày người dân, các em học sinh nơi đây vẫn bất chấp hiểm nguy đi qua sông để làm ăn buôn bán và đi tìm con chữ.

Người dân "chòng chành" qua sông Tranh

"Ở đây nhiều người đã bỏ mạng rồi, mỗi lần ai lên ghe để vượt sông thì đều lo sợ, nhưng mà vì công việc, bà con phải mặc kệ đi qua thôi. Ước mơ lớn nhất của bà con ở đây là có được một cây cầu để đi qua sông được an toàn", anh Thịnh cho biết.

Không những anh Thịnh, hàng chục hộ dân ở nóc Tắk Rối mong mỏi có cây cầu để ra ngoài làm ăn, đưa hàng hóa ra bán cho thương lái, mua lương thực thực phẩm về; đặc biệt là hàng chục em học sinh được đi học an toàn.

Chông chênh đường đến trường

Để phục vụ cho học sinh nóc Tắk Rối, các Mạnh Thường Quân đã cùng nhau xây dựng một điểm trường. Điểm trường này thuộc trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập, có 1 thầy và 1 cô với 30 em học sinh con em đồng bào Cadong, gồm 1 lớp mẫu giáo và 1 lớp tiểu học được khánh thành vào tháng 10/2019.

Chòng chành vượt sông dữ tìm con chữ - 7

Điểm trường Tắk Rối được mạnh thường quân hỗ trợ xây dựng và được khánh thánh tháng 10/2019

Trường nằm trên đỉnh dốc, cơn bão lịch sử tháng 20/2020 làm lũ dâng cao, bùn đất bao trùm cả làng Tắk Rối. Còn trường học cũng bị lũ ngập lên tới nóc, bùn non, cây cối ngã đổ ngổn ngang, trường học bị hư hại nặng nề.

Thầy Lê Văn Bốn - phụ trách lớp tiểu học cho biết, vào mùa mưa bão, đường đến trường của giáo viên và học sinh ở nơi đây thật chông chênh. Năm nay, con đường đến lớp càng thêm gian nan và đầy nguy hiểm hơn khi mực nước sông đang dâng cao kỷ lục.

Chòng chành vượt sông dữ tìm con chữ - 8
Chòng chành vượt sông dữ tìm con chữ - 9
Chòng chành vượt sông dữ tìm con chữ - 10

Điểm trường Tắk Rối bị sập trong cơn bão số 9/2020

"Tôi đã dạy học ở đây mấy mươi năm nay rồi, đây là lần đầu tiên tôi thấy mực nước sông Tranh dâng cao đến như vậy, trường bị hư hỏng hết rồi", thầy Lê Văn Bốn nói.

Thầy Bốn cho biết, mưa bão đã làm trường bị sập phần lớp mẫu giáo, toàn bộ sách vở, đồ dùng dành cho việc dạy và học của thầy trò ở điểm trường bị lũ cuốn trôi. Tất cả các cửa của trường đã bị hư hại và phòng nhà bếp, nhà vệ sinh cũng đã bị sập hoàn toàn.

Chòng chành vượt sông dữ tìm con chữ - 11

Hiện điểm trường đã được sửa chữa lại, các em được học tạm chờ xây điểm trường mới

Sau một thời gian bị gián đoạn việc học tập do ảnh hưởng của mưa lũ, ngôi trường được sửa chữa lại, học sinh tại điểm trường Tắc Rối đã đi học đầy đủ trở lại. Việc dạy và học ở những nơi này đang bộn bề khó khăn, nhưng khi nghe tiếng học sinh ê a đọc bài, các thầy cô giáo vùng cao rất đỗi vui mừng.

Chòng chành vượt sông dữ tìm con chữ - 12

Thầy Lê Văn Bốn đang trong giờ dạy học

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch huyện Nam Trà My cho hay, nóc Tắk Rối có 46 hộ dân với khoảng 212 nhân khẩu, trong đó có hơn 100 học sinh các cấp. Dân cư ở đây đã ổn định cuộc sống. Ngoài số học sinh đang học ở điểm trường thôn, có rất nhiều em phải ra xã học bán trú, hàng tuần phải đi về, rất nguy hiểm. 

Tuy nhiên, hiện vấn đề ở đây là cây cầu qua sông Tranh cho bà con chưa thực hiện được. Nhiều lần huyện đề nghị với Sở GTVT đưa dự án LRAMP vào đây, có nhà hảo tâm cũng đi khảo sát làm cầu cho dân nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả vụ thể.

"Định hướng của huyện cũng là xây cầu để đảm bảo cho người dân bên kia sông đi lại an toàn, kể cả cho học sinh, kể cả người dân đau ốm chuyển viện. Đây là bức xúc rất lớn đối với huyện nhưng nguồn lực của huyện có hạn nên phải đầu tư từ từ. Trong những năm đến, nếu kêu gọi không được thì chúng tôi phải bỏ ngân sách ra làm", ông Mẫn nói.

Cũng theo ông Mẫn, trước mắt huyện xác định làm cầu treo dân sinh với vốn khoảng 2,5 tỉ đồng nhưng hiện chưa bố trí được vốn. Từ nay đến 2025, nếu không vận động được thì huyện phải bỏ ngân sách xây dựng cầu cho người dân.