1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Thanh Hóa:

Chòng chành kéo bè vượt sông tìm chữ

(Dân trí) - Ngày nào cũng vậy, cứ tầm 6h sáng, hàng trăm học sinh của các thôn Đồi, thôn Nghéo và thôn Biện (xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành) lại tập trung trên bến sông Bưởi để cùng kéo bè qua sông, tới trường tìm con chữ.

Bao đời kéo bè qua sông

Vượt quãng đường hơn 100km, chúng tôi tìm về xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa, một xã có hơn 40% gia đình thuộc hộ nghèo với 98% dân số là đồng bào dân tộc Mường. Chúng tôi tới Thạch Lâm đúng vào lúc học sinh các cấp tan học về. Hàng trăm học sinh từ các trường sống ở các bản làng bên kia sông Bưởi ùa ra bờ sông kéo bè trở về.
 
Chòng chành kéo bè vượt sông tìm chữ - 1
Hàng ngày các em học sinh nơi đây phải "đánh vật" với chiếc bè để qua sông

Với một sợi dây thừng to, dài nối từ đầu bờ sông này qua bờ sông bên kia và một chiếc bè được đóng bằng 6 - 10 cây luồng; bao thế hệ học sinh nơi đây vẫn qua sông như thế. Đó cũng là phương tiện duy nhất để người lớn vượt sông kiếm sống.

Mỗi bè như thế một lần chở 4 đến 6 em, người khỏe nhất trong số đó sẽ đứng ra bám dây thừng kéo cho bè đi. Xã Thạch Lâm có tất cả 7 thôn với khoảng 1.600 nhân khẩu, trong đó có ba thôn Đồi, thôn Nghéo và thôn Biện bị ngăn cách bởi dòng sông Bưởi. Phía bên kia sông có đường mòn Hồ Chí Minh là nơi tập trung chợ búa, trường học, bệnh viện và công sở.

Người dân nơi đây cũng không nhớ nổi cảnh kéo bè qua sông có từ bao giờ, chỉ biết từ khi con người di cư lên đây sinh sống, lập nghiệp đã xuất hiện cảnh này.
 
Chòng chành kéo bè vượt sông tìm chữ - 2
Một cậu bé đơn độc giữa dòng nước.

Chị Bùi Thị Lanh, thôn Đồi cho biết: “Mỗi ngày 3 - 4 lần phải kéo bè qua sông, nguy hiểm lắm. Người dân muốn buôn bán hay đi đâu không còn con đường nào khác. Người dân nơi đây ai cũng phải học kéo bè từ bé, trẻ con bây giờ đứa nào cũng biết kéo bè. Thương và tội nghiệp cho lũ trẻ lắm, mỗi ngày 4 lần vất vả kéo bè qua sông đi học”.

Không cầu, lại không có cả một con đò ngang cho tử tế. Vào mùa khô, các thôn góp nhau làm cầu tre đi tạm, nhưng mùa mưa đến lũ lại cuốn trôi cầu. Mới đây nhất là cơn bão số 3, nước dâng cao cuốn theo cây cầu tre, khiến học sinh phải nghỉ học cả tuần.

Ở vùng đất khốn khó này, 3 thôn bị ngăn cách nhau bởi các dãy núi cao, vì vậy mỗi thôn có một cái bè riêng làm phương tiện qua sông.
 
Chòng chành kéo bè vượt sông tìm chữ - 3
Tuy vất vả và nguy hiểm, nhưng được đến trường là một niềm vui đối với các em học sinh nơi đây

Đổi hiểm nguy đi tìm con chữ

Dậy từ lúc 4 giờ sáng, em Lê Mỹ Duyên, học sinh lớp 4A, trường Tiểu học Thạch Lâm, đi bộ gần 4km mới đến được bến sông, rồi vội vã đi nhờ bè qua sông cùng các anh chị lớp trên. Nhiều hôm người qua bè quá đông, Duyên cũng như nhiều học sinh khác phải chịu cảnh muộn học.

Hàng ngày có khoảng 400 trăm học sinh từ mầm non đến THPT của ba thôn phải kéo bè qua sông. Đa phần các em tự đi vì cuộc sống khốn khó, ba mẹ còn phải đi làm. Hơn nữa cảnh kéo bè diễn ra hàng ngày, người ta đã quá quen với những hiểm nguy. Thậm chí trẻ mầm non, tiểu học cũng tự theo các anh chị lên bè qua sông.
 
Chòng chành kéo bè vượt sông tìm chữ - 4
Những học sinh qua sông tìm chữ
 
Em Lê Mỹ Duyên tâm sự: “Bố mẹ phải đi làm cả ngày nên tụi em phải tự đến trường, em không kéo được bè nên ngày nào cũng phải đợi để đi cùng các anh chị lớp trên. Hôm nào học cả ngày là tụi em phải ở lại chiều mới về luôn. Chúng em đi bè như thế này sợ lắm, không cẩn thận là rơi xuống sông liền à”.
 
Chòng chành kéo bè vượt sông tìm chữ - 5
Sau khi qua sông, các em còn phải đi bộ hàng km đường đồi để về nhà

Chị Bùi Thị Hóa, thôn Biện, cho biết: “Tôi là người từ Hòa Bình vào đây làm dâu. Vì không biết đi bè nên tôi đã bị chết hụt một lần, may có người cứu vớt chứ không tôi đã bị nước cuốn trôi rồi. Không biết đến bao giờ chúng tôi mới hết cảnh sợ hãi khi đi qua sông bằng bè”.

Còn em Bùi Thị Tịnh, học sinh lớp 4A, vẫn chưa hết sợ hãi khi nhớ lại: “Em bị nước cuốn trôi một lần rồi, may có các anh chị lớp trên vớt lên kịp. Nghe bố em kể lại có rất nhiều bạn bị nước cuốn khi đi qua bè nên em cũng rất sợ. Em chỉ mong có một cây cầu vững chắc để em và các bạn được đi học an toàn thôi”.
 
Chòng chành kéo bè vượt sông tìm chữ - 6
Nhiều phụ huynh hàng ngày đến kéo bè đưa con sang sông
 
Mong muốn của Tịnh cũng là mong ước chung của tất cả người dân và học sinh nơi đây. Niềm mơ ước của họ bao đời nay là có một cây cầu kiên cố bắc qua dòng sông Bưởi, để những đứa trẻ được tung tăng bước chân vui tới trường.
 
Ông Bùi Quý Ly, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Lâm, cho biết: “Vào mùa mưa lũ, tình trạng học sinh đi qua bè qua sông là rất nguy hiểm. Trường hợp lật bè, sạt lở đất hai bên sông gây chết người rất dễ xảy ra. Để học được cái chữ nên các cháu phải chấp nhận đi bè qua sông đến trường. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên về việc xây dựng cây cầu nhưng chưa thấy hồi âm. Trước đây đã có đơn vị về khảo sát để làm cầu treo cho hai thôn Biện và Đồi nhưng do địa hình và nguồn vốn khó khăn nên chưa thấy triển khai. Riêng thôn Nghéo nằm trong dự án vùng tránh lũ của huyện nên sẽ di dân ra khu Gò Chả của xã".

Duy Tuyên - Lan Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm