(Dân trí) - Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải, nhấn mạnh công việc này được địa phương thực hiện một cách bài bản, thận trọng và chặt chẽ.
Để "khởi động" công tác nhân sự khóa mới, hàng loạt bộ ngành, địa phương đang tiến hành quy trình giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương. Đây là bước đầu tiên và đặc biệt quan trọng để chuẩn bị cho công tác nhân sự khóa XIV, góp phần giới thiệu nguồn cán bộ cho Trung ương và cả địa phương.
Ngay từ đầu tháng 8, Thái Nguyên đã bỏ phiếu và thống nhất tuyệt đối trong việc giới thiệu một nhân sự quy hoạch Ủy viên Trung ương khóa XIV.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải, nhấn mạnh công việc này được địa phương thực hiện một cách bài bản, thận trọng và chặt chẽ, bởi Thái Nguyên xác định việc chuẩn bị cán bộ để giới thiệu quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV không phải chỉ là chuẩn bị cho mỗi địa phương, đơn vị, bộ ngành, mà là sự chuẩn bị chung cho cả nước.
Nhắc đến quan điểm chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt nội dung mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần đề cập trong các hội nghị về công tác cán bộ, bà Hải cho biết Thái Nguyên cũng quán triệt tinh thần "thà ít nhưng tốt", "không vì số lượng, cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn".
"Với tinh thần lựa chọn nhân sự theo quy trình ngày càng hoàn thiện, số lượng nhân sự được quy hoạch vào Trung ương khóa mới sẽ ít hơn trước đây, trong khi đó, các điều kiện, tiêu chuẩn cũng chặt chẽ hơn, thận trọng hơn, yêu cầu về thời gian thử thách trên cương vị công tác lâu hơn và phải có kết quả trong công việc", Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên nhấn mạnh.
Theo Quy định 50 của Trung ương về công tác quy hoạch cán bộ, hệ số quy hoạch cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp chỉ còn từ 1 đến 1,5 lần so với số lượng quy định (trước đây từ 1,5 đến 2 lần). Cùng với đó, số lượng quy hoạch cho mỗi chức danh lãnh đạo, quản lý cũng còn không quá 3 cán bộ (trước đây quy định không quá 4 cán bộ)…
Ngoài các điều kiện, tiêu chuẩn về đạo đức, năng lực, người đứng đầu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên chia sẻ, cán bộ được lựa chọn quy hoạch cho khóa mới phải nhận được sự tín nhiệm rất cao ở địa phương.
Để có cơ sở đánh giá đúng năng lực cán bộ được lựa chọn quy hoạch, Trung ương đã quy định thời gian đảm nhận vị trí công tác cụ thể với nhân sự được chọn.
"Với những nhân sự được lựa chọn quy hoạch phải có đủ 24 tháng trên cương vị công tác hiện tại. Điều này thể hiện sự thận trọng trong công tác cán bộ, để mỗi người sau khi được phát hiện, bồi dưỡng, cũng cần có thời gian thử thách nhất định trên mỗi cương vị công tác, thể hiện được năng lực thực tế", Bí thư Thái Nguyên nói.
Bí thư Bình Thuận Dương Văn An cũng nhấn mạnh việc thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần giới thiệu, xây dựng, tạo nguồn cán bộ cho Trung ương.
Ông cho biết Bình Thuận đã tiến hành các bước một cách chặt chẽ, chắc chắn, công khai và minh bạch, từ đó lựa chọn những nhân sự đủ điều kiện, đủ chuẩn, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ để giới thiệu Trung ương.
Cùng với Bình Thuận, hàng loạt địa phương như Quảng Ninh, Hà Nam, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình, Điện Biên, Cao Bằng… đã lựa chọn và chốt được số lượng nhân sự giới thiệu quy hoạch Ủy viên Trung ương khóa mới, gồm cả ủy viên chính thức và dự khuyết.
Công việc này cũng được nhiều bộ, ban, ngành hoàn thành và công khai kết quả lựa chọn.
Để khắc phục bất cập, nâng cao chất lượng quy hoạch cán bộ, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Bộ Chính trị đã ban hành quy định về quy hoạch cán bộ. Ngay sau đó Ban Tổ chức Trung ương ban hành hướng dẫn một số nội dung cụ thể về công tác này với nhiều điểm mới.
Đáng chú ý, về độ tuổi tham gia quy hoạch, tuổi của cán bộ lần đầu tham gia quy hoạch được điều chỉnh tăng lên so với nhiệm kỳ trước. Cùng với nới về độ tuổi, Trung ương cũng đặc biệt coi trọng chất lượng nhân sự tham gia vào quy hoạch.
Theo quy định, tất cả nhân sự giới thiệu vào Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ mới đều phải là những cán bộ tiêu biểu về phẩm chất, có năng lực nổi trội và phải được tín nhiệm rất cao tại nơi công tác.
Quy định 214 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý nêu rõ tiêu chuẩn với Ủy viên Trung ương, song theo các chuyên gia, với bối cảnh hiện nay, có một số tiêu chuẩn cần đặc biệt chú trọng khi lựa chọn nhân sự.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, chỉ ra 3 nhóm tiêu chuẩn cần đặc biệt quan tâm, ngoài những tiêu chuẩn chung Trung ương đã quy định.
Nhóm tiêu chuẩn thứ nhất là về trí tuệ. Theo ông Vân, người được lựa chọn vào Ban Chấp hành Trung ương khóa mới phải là người có khả năng nhận thức được quy luật, dòng chảy của xã hội cũng như xu hướng vận động, phát triển của đất nước.
"Người được giới thiệu vào Trung ương là người phải biết kiến tạo và khởi xướng chính sách, có tư duy và tầm nhìn xa hơn người", theo lời vị đại biểu Quốc hội.
Nhóm tiêu chuẩn thứ hai ông Vân đề cập là năng lực hành động, gồm khả năng điều hành, lãnh đạo, quy tụ, thuyết phục và dẫn dắt.
"Muốn đáp ứng tiêu chuẩn này, cán bộ phải nắm chắc đường lối, chủ trương, pháp luật và hiểu được thời thế, nắm bắt được suy nghĩ, tâm tư nguyện vọng của nhân dân cũng như phẩm chất đạo đức của cấp dưới. Có như vậy mới lãnh đạo, quản lý, chỉ huy được", ông Vân nói.
Theo ông, cán bộ vào Trung ương phải có khả năng lãnh đạo vượt trội, để giúp cả bộ máy, hệ thống vận hành thông suốt, đồng bộ.
Nhóm tiêu chuẩn thứ ba, ông Vân đề cập đến nhân cách, đạo đức, tác phong của người cán bộ. Tiêu chuẩn này đòi hỏi người được lựa chọn phải đặt cái chung lên trên hết, dốc lòng dốc sức lo cho Đảng, cho dân, cho nước.
Bên cạnh đó, cán bộ được lựa chọn phải là người có phẩm hạnh, đạo đức, lề lối, tác phong, là tấm gương cho người khác noi theo.
"Quy định chung đã có rồi, vấn đề là soi chiếu kỹ để trong bó đũa chọn cột cờ, làm sao chọn đúng người xứng đáng", đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh.
Góp ý thêm cho việc này, ông Vân cho rằng việc lựa chọn nhân sự để giới thiệu quy hoạch và Ban Chấp hành Trung ương khóa mới nên mở rộng nguồn, không chỉ bó hẹp trong nguồn tại chỗ ở từng cơ quan, đơn vị.
"Với đòi hỏi như hiện nay, nhân sự giới thiệu quy hoạch vào Trung ương phải có sự lựa chọn rộng rãi trong nội bộ đảng, không nhất thiết chỉ xem xét nguồn tại chỗ.
Nếu đưa ra tiêu chuẩn cụ thể cùng với việc ràng trách nhiệm của người giới thiệu và tập thể giới thiệu nhân sự thật chặt chẽ, chắc chắn trong bó đũa sẽ chọn được cột cờ, trong rừng cây chọn được những cây gỗ tốt", ông Vân nêu quan điểm.
Vị đại biểu cũng chỉ ra mâu thuẫn khi hiện nay, một mặt chúng ta mong muốn chính khách có khả năng bao quát, có tư duy, tầm nhìn quản trị hệ thống, nhưng mặt khác, lại đòi hỏi họ phải giỏi chuyên môn. Vì thế, khi lựa chọn, thường chỉ giới hạn trong phạm vi nguồn tại chỗ.
Điều này nên vô hình trung khiến công tác lựa chọn nhân sự bị bó hẹp trong một lĩnh vực cụ thể.
Chính trị gia khác chuyên gia, nếu cứ dựa vào thành tích của những người chỉ giỏi chuyên môn nghiệp vụ mà đưa lên làm lãnh đạo với đòi hỏi cao như vậy, cần tính kỹ lưỡng. Đó là góc nhìn được đại biểu Lê Thanh Vân chia sẻ.
Theo ông, lựa chọn lãnh đạo phải phân loại. Với chính trị gia hay người làm chính sách, tư duy và tầm nhìn của họ phải cao hơn, rộng hơn, khác tầm nhìn của người chỉ làm chuyên môn nghiệp vụ.
"Nếu lẫn lộn, có thể chọn người tốt về đạo đức nhưng tầm nhìn, tư duy, khả năng khởi xướng chính sách không tốt, chính sách đưa ra sẽ không hiệu quả", ông Vân cho rằng thực tế đã có những bài học đáng tiếc từ việc này.
Trong khi đó, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc đánh giá cao việc các địa phương sớm chủ động chuẩn bị nhân sự khóa mới và công khai kết quả lựa chọn.
Ông nhấn mạnh tiêu chuẩn quan trọng nhất của người cán bộ vẫn xoay quanh chữ tâm và chữ tài, tức là cán bộ vừa phải có phẩm chất đạo đức, vừa có năng lực trong công việc.
"Quy trình chọn cán bộ hiện nay rất chặt chẽ, nhưng quan trọng nhất, phải đề cao vai trò của tập thể cấp ủy đảng, để có thể tinh tường chọn đúng người", ông Phúc nói.
Từ quy chế bầu cử Đại hội Đảng XIII, việc quy định cụ thể về trách nhiệm của người đề cử nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương được xem là một điểm mới đáng lưu ý.
Giới thiệu nhân sự không đủ điều kiện phải chịu trách nhiệm, theo góc nhìn của đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, là nguyên lý không thể chối cãi.
Ông ví von trong xây dựng, người chịu trách nhiệm thiết kế và chịu trách nhiệm thi công sẽ phải chịu trách nhiệm nếu mua sắm vật liệu sai chủng loại, không đảm bảo chất lượng, tổ chức thi công không đúng thiết kế… khiến nhà bị đổ sập. Họ thậm chí có thể bị khởi tố hình sự.
Nhưng với việc lựa chọn nhân sự, được ví như công tác "xây căn nhà chế độ", tìm con người cụ thể làm rường cột quốc gia, rất cần những "vật liệu" tốt - là những nhân sự đủ điều kiện làm trụ cột đất nước.
"Căn nhà chế độ vì thế còn quan trọng hơn cả những công trình xây dựng kia, vì vậy, nếu làm hỏng, chọn người không đúng, chắc chắn phải chịu trách nhiệm", ông Vân nhấn mạnh.
Nhắc lại việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhiều lần đề cập việc gắn trách nhiệm của người giới thiệu nhân sự, ông Vân cho rằng điều này đúng với quy luật cầm quyền, đúng với nguyên lý tổ chức nhân sự.
Ông cho biết ngay từ thời xưa, tiến cử nhầm người có thể bị xử trảm vì đó được coi là trọng tội.
"Đưa nhân sự yếu kém, thiếu đạo đức vào bộ máy lãnh đạo đồng nghĩa với việc tước bỏ cơ hội, ngáng trở người tài, đó cũng là yếu tố góp phần để xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc, gây hậu quả nghiêm trọng trong thực tế, làm đất nước trì trệ, không thể phát triển", vị đại biểu nhấn mạnh đây cũng là một vi phạm rất nghiêm trọng. Và khi xét đến trách nhiệm, cần cụ thể hóa cả trách nhiệm cá nhân, xem xét cả trách nhiệm tập thể.
"Tức là người nào đứng ra giới thiệu nhân sự phải bảo đảm, cam kết trước tập thể, và khi đưa ra tập thể bàn, phải có trách nhiệm của từng thành viên trong tập thể đó, có lưu trữ hồ sơ. Sau này nếu xác định nhân sự được chọn có vi phạm trước khi được giới thiệu, mở hồ sơ ra sẽ truy ngay được trách nhiệm cá nhân và tập thể giới thiệu", đại biểu Lê Thanh Vân góp ý.
Làm như vậy, theo ông, mới đủ sức răn đe, để mỗi cán bộ đều dốc lòng tìm và chọn được người thực đức thực tài, cống hiến cho nước, cho dân.
Ngược lại, nếu không có lưới ngăn chặn, răn đe, sẽ khó tránh khỏi câu chuyện "quan hệ, tiền tệ, đồ đệ" khi đưa nhân sự vào bộ máy lãnh đạo.
Nhấn mạnh công tác cán bộ là "then chốt của then chốt", PGS.TS Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, cho biết mỗi cán bộ được bổ nhiệm, đề bạt, giới thiệu vào các chức danh lãnh đạo quản lý đều có một cá nhân, một tổ chức giới thiệu, tiến cử.
Để nâng cao trách nhiệm trong việc này, ông đề xuất khi cán bộ được giới thiệu, bổ nhiệm có vi phạm đến mức bị kỷ luật, cần có hình thức xử lý kỷ luật tương ứng với người giới thiệu, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ đó.
Ông Phúc nêu thực tế hiện nay có thể thấy rất nhiều cán bộ bị kỷ luật nhưng những người giới thiệu, đề cử lại không bị xử lý trách nhiệm. "Đây là một lỗ hổng cần phải khắc phục, bởi thực tế có nhiều trường hợp tiến cử không khách quan, không xem xét đến năng lực và phẩm chất mà thay vào đó, đề bạt, giới thiệu dựa trên quan hệ thân hữu, lợi ích nhóm", theo lời ông Phúc.
Một thực tế khác trong công tác cán bộ được ông Phúc chỉ ra, đó là việc vừa qua chúng ta xử lý nhiều cán bộ với hầu hết sai phạm đã có từ trước. Điều đó cho thấy tuy quy trình nhân sự rất chặt, vẫn "lọt lưới" những người biến chất và họ vẫn tiếp tục leo cao.
Nhắc lại lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói, việc lựa chọn nhân sự phải hết sức thận trọng vì liên quan đến con người, ông Phúc cho rằng chỉ có xử lý nghiêm trách nhiệm của người giới thiệu nhân sự không đủ điều kiện, dẫn đến chọn sai người, mới có thể đưa vào quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa mới những người có đủ tâm, đủ tầm.
Quy hoạch "động" và "mở"
Theo Hướng dẫn số 16 của Ban Tổ chức Trung ương về một số nội dung cụ thể trong công tác quy hoạch cán bộ, việc quy hoạch được thực hiện theo phương châm "động" và "mở".
Quy hoạch "động" là định kỳ rà soát, bổ sung, điều chỉnh để đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ không còn đủ tiêu chuẩn, điều kiện, không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc uy tín thấp và kịp thời bổ sung vào quy hoạch những cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín, triển vọng phát triển.
Quy hoạch "mở" là không khép kín trong từng địa phương, cơ quan, đơn vị mà cần mở rộng nguồn cán bộ từ nơi khác để đưa vào quy hoạch những cán bộ đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện và yêu cầu nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.