1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chọn “hộp đen” cho tàu hỏa: Rẻ là nhất?

(Dân trí) - Trải qua nhiều thử nghiệm, được các nhà khoa học đánh giá tốt, nhưng sản phẩm “<a href=" http://www.dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/nhantaidatviet/2005/11/89227.vip">Hiển thị và kiểm soát tốc độ đoàn tàu</a>”, đoạt giải 3 cuộc thi Nhân tài đất Việt 2005, vẫn có nguy cơ bị loại trong cuộc đấu thầu chọn "hộp đen" cho tàu hỏa. Nguyên nhân khiến thiết bị trên “mất điểm” là do có loại thiết bị khác…rẻ hơn, dù không đảm bảo các yêu cầu đề ra.

Có hai sản phẩm đáng chú ý trong cuộc đua tranh quyết liệt này là: “Thiết bị kiểm soát tốc độ đoàn tàu” do ông Vũ Văn Đóa – Giám đốc Xí nghiệp đầu máy Hà Nội cùng nhóm nghiên cứu Trường Đại học Giao thông Vận tải thực hiện và Thiết bị của công ty Cadpro.

 

Thử nghiệm cả sản phẩm bị loại!

 

Đề cương thử nghiệm thiết bị hỗ trợ, giám sát và khống chế vượt tốc đoàn tàu của Tổng Công ty đường sắt Việt Nam (TCT ĐSVN) số 1656/ĐS-KHCN, ngày 13/7/2005, yêu cầu:  “Hiển thị tại mọi thời điểm của lý trình, mọi thời gian, trong mọi địa hình, mọi thời tiết các loại thông số”. “Các loại thông số” mà ngành đường sắt yêu cầu bao gồm: vận tốc theo công lệnh cho phép; vận tốc tức thời của đoàn tàu; vận tốc cho phép theo công lệnh tại đoạn đường phía trước có thay đổi tốc độ; khoảng cách còn lại từ đoàn tàu đến đoạn có thay đổi tốc độ kế tiếp; mác tàu, loại tàu đang chạy... TCT ĐSVN sẽ tiến hành thử nghiệm 2 bước, nếu thỏa mãn bước 1 sẽ được thử nghiệm tiếp bước 2, nếu không đạt sẽ bị loại.

 

Sau thời gian thử nghiệm 1 tháng, ngày 08/8/2005 Hội đồng đánh giá thử nghiệm đã có biên bản số 151/BB-ĐS-KHCN đánh giá chất lượng thiết bị của 2 đơn vị tham gia là công ty Cadpro và nhóm giảng viên ĐHGTVT. Tại biên bản này, Hội đồng đã chính thức kết luận: “Thiết bị của công ty Cadpro chưa đạt yêu cầu so với đề cương được TCT ĐSVN phê duyệt. Hội đồng trình TCT không cho tiếp tục thử nghiệm đối với thiết bị hỗ trợ giám sát và khống chế vượt tốc đoàn tàu của công ty Cadpro”. Ngược lại, thiết bị của nhóm trường ĐHGTVT và Xí nghiệp đầu máy Hà Nội được đánh giá: “Thiết bị đủ điều kiện cho tiếp tục thử nghiệm".

 

Như vậy, ngay từ vòng đầu tiên thiết bị của công ty Cadpro đã chính thức bị loại! Nguyên nhân bị loại chính là không đảm bảo các yêu cầu trong đề cương đưa ra của TCT ĐSVN. Tuy nhiên, không hiểu vì sao sản phẩm đã bị loại này vẫn tiếp tục được TCT ĐSVN cho phép lắp đặt chạy thử nghiệm trên các đoàn tàu của Xí nghiệp đầu máy Đà Nẵng.

 

Trong một văn bản đánh giá về 2 sản phẩm này đề ngày 08/8/2005, có bút phê của ông Nguyễn Hữu Bằng, TGĐ TCTĐSVN: “Đồng ý với thiết bị của Xí nghiệp đầu máy Hà Nội và trường ĐHGTVT. Riêng Cadpro hình như họ mới thử lần đầu, cần cho phép họ thử lại theo yêu cầu của Hội đồng, bám sát đề cương được TCT duyệt”.

 

Chọn rẻ hay đắt?

 

Theo kế hoạch của ngành ĐSVN, sau sự cố đổ tàu E1 tại Thừa Thiên-Huế, TCT ĐSVN đã lên phương án chọn nhà thầu để tổ chức đấu thầu lắp đặt thiết bị kiểm soát tốc độ cho các đầu máy tàu hỏa vào đầu năm 2006. Việc đưa vào lắp đặt thử nghiệm thiết bị của 2 đơn vị nói trên cũng nằm trong lộ trình đó. Cuộc thử nghiệm lần thứ 2 được tiếp tục kéo dài đến hết tháng 10/2005 và một lần nữa sản phẩm của nhóm ĐHGTVT lại được đánh giá cao hơn.

 

Công văn số 3626/ĐMHN ngày 28/10/2005 đánh giá: “Thiết bị của trường ĐHGTVT hoạt động chính xác, ổn định, thỏa mãn mọi yêu cầu của ĐSVN”. Ngược lại, đánh giá của Xí nghiệp đầu máy Đà Nẵng về thiết bị của Cadpro còn nhiều điểm chưa hoàn thiện: “Phần mềm chưa hoàn thiện khi khai thác dữ liệu từ thiết bị, 1/3 số máy lắp trên tàu TN3/4 thỉnh thoảng vẫn mất điện nguồn, báo cáo thời gian đến, đi các ga còn thiếu”. Đặc biệt, các báo cáo như bảng giờ tàu, chạy vượt tốc, biểu đồ chạy tầu in ra thiếu số hiệu đầu máy và phải thực hiện viết bằng tay. Trong quá trình thử nghiệm, thiết bị này thường báo lỗi chạy quá tốc độ và đưa ra mức trừng phạt 3 (dừng tàu) nhiều lần, trong khi các lỗi trừng phạt 1 và 2 lại ít.

 

Thực tế khi thử nghiệm trên chuyến tàu Thống Nhất 4, khi báo cáo in ra, tài xế vi phạm tốc độ mức cao nhất (trừng phạt 3) tới 116 lần, kéo dài tổng cộng gần 2 tiếng đồng hồ. Theo nhận xét của một số lái tàu, nếu đây là sự thật thì tài xế sẽ bị kỷ luật, đuổi việc hàng loạt. Xí nghiệp Đầu máy Đà Nẵng khẳng định rằng thiết bị đã bị nhiễu sóng khi đi qua các cầu sắt dẫn đến báo cáo không chính xác. Xí nghiệp đề nghị phải làm rõ nguyên nhân này.

 

Trong báo cáo về việc đánh giá thiết bị của 2 đơn vị tham gia thử nghiệm lần thứ 2 ngày 09/11/2005 cho thấy, có đến 2/8 thành viên Hội đồng thẩm định đánh giá sản phẩm của công ty Cadpro không đạt yêu cầu với số điểm 78,25. Đối với sản phẩm của nhóm tác giả ĐHGTVT có 8/8 thành viên đánh giá đạt yêu cầu với 86,31 điểm. Với số điểm này cùng với phần thưởng đoạt giải 3 cuộc thi Nhân tài đất Việt, khả năng sản phẩm được TCT ĐSVN lựa chọn lắp đặt đại trà cho các chuyến tàu là rất khả quan.

 

Tuy nhiên, trong phiên họp giao ban ngày 02/12 của TCT ĐSVN, ông Nguyễn Hữu Bằng đã có ý kiến khiến nhiều người bất ngờ: “Chọn loại thiết bị đạt yêu cầu kỹ thuật đã được tổ tư vấn đánh giá và có giá thành rẻ hơn”. Ở đây, nếu so sánh về giá cả thì sản phẩm của công ty Cadpro đạt được tiêu chí “rẻ”. Bởi sản phẩm của họ có mức giá 13,8 triệu đồng trong khi sản phẩm của trường ĐHGTVT là 47 triệu đồng. Theo ý kiến của vị Tổng giám đốc này, nếu chọn “rẻ” thì gần như Cadpro đã được lựa chọn.

 

Dư luận đặt câu hỏi, thế nào là “đắt” thế nào là “rẻ” đối với một thiết bị an toàn? Trên mỗi chuyến tàu là tính mạng của hàng nghìn con người, tất cả họ đều trông chờ vào thiết bị này. Vì vậy, nếu một thiết bị chưa đáp ứng được những tiêu chí trong đề cương của chính TCT ĐSVN với giá hơn 10 triệu đồng không thể gọi là rẻ. Nếu so sánh với giá chào hàng của các công ty nước ngoài khoảng 250 triệu đồng thì bộ sản phẩm của trường ĐHGTVT khoảng 50 triệu đồng chưa hẳn đã là đắt. Theo ý kiến của nhiều hành khách đi tàu thì vấn đề an toàn cần phải đặt lên hàng đầu chứ không phải chỉ là vấn đề đắt hay rẻ. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và chuyển đến bạn đọc những thông tin mới xung quanh “cuộc đua” này. 

Hoàng Lương