Nghệ An:
Choáng với danh sách 8 anh chị em cùng làm... lãnh đạo xã (!)
(Dân trí) - Bà Lương Thị Hồng - Chủ tịch UBND xã Thông Thụ (huyện Quế Phong, Nghệ An) có em trai làm Chủ tịch Hội Nông dân, em gái làm Chủ tịch Hội Phụ nữ, em rể làm Phó Chủ tịch UBND xã. Ngoài ra còn có nhiều anh em họ hàng khác giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt tại xã.
Theo phản ánh của ông Lô Văn Dần ở bản Huôi Đừa, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong gửi tới tỉnh Nghệ An và các cơ quan truyền thông, tại xã Thông Thụ đang tồn tại một “chuyện không bình thường” khi gần như toàn bộ hệ thống cán bộ chủ chốt của xã đều là người trong cùng một nhà, một dòng họ. Người dân trong xã gọi là "gia đình bà chủ tịch".
Trong đơn kiến nghị nêu rõ: Tại xã Thông Thụ, huyện Quế Phong (Nghệ An), có 8 người là anh chị em ruột hoặc có họ hàng với nhau cùng nắm giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong xã.
Cụ thể: Bà Lương Thị Hồng - Phó Bí thư Đảng uỷ, kiêm Chủ tịch UBND xã Thông Thụ.
Em trai ruột bà Hồng là ông Lương Văn Hà làm Chủ tịch Hội Nông dân xã;
Em gái ruột bà Hồng là bà Lương Thị Phượng làm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã;
Ông Lô Văn Hoà, Phó Chủ tịch UBND xã Thông Thụ là em rể bà Hồng;
Ông Quang Văn Sinh, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ xã là chú bên chồng bà Hồng;
Ông Quang Văn Thành, Trưởng Công an xã và ông Quang Văn Quế, Chỉ huy trưởng BCH quân sự xã cùng là anh em bên chồng bà Hồng. (Theo phản ánh của ông Dần, khi ông Quế được cơ cấu Trưởng BCH quân sự xã thì chưa có bằng cấp gì về chuyên môn, sau đó xã mới hợp thức hóa và tạo điều kiện cho đi học trung cấp quân sự);
Ông Quang Văn Thanh, Bí thư đoàn thanh niên xã là em rể bà Hồng;
Ông Lô Văn Vinh, cán bộ văn phòng xã là em ruột ông Lô Văn Hoà.
Ông Lô Văn Dần cho rằng, “gia đình bà chủ tịch” là điển hình tiêu biểu của thực trạng “cả họ làm quan" đang diễn ra ở nhiều nơi.
Theo tìm hiểu PV, được biết, bố đẻ bà Hồng là ông Lương Phiêng trước đây từng làm Bí thư Đảng uỷ xã Thông Thụ.
Trao đổi với PV Dân trí, bà Lương Thị Hồng xác nhận việc em trai và em gái ruột của bà đang nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội Nông dân và Chủ tịch Hội Phụ nữ. Về những cái tên lãnh đạo khác được cho là có quan hệ họ hàng với bà hoặc bên gia đình nhà chồng, bà Hồng ậm ừ rồi cung cấp một danh sách cán bộ năm 2017 nói "ai muốn tìm hiểu thì tự tìm lấy".
PV đặt vấn đề: Nhiều người dân phản ánh gia đình bà nhiều người làm lãnh đạo? Bà Hồng không công nhận và giải thích: “Việc làm cán bộ là do dân bầu, xã không quyết định được và muốn làm cán bộ thì phải qua thi tuyển và được ban tổ chức huyện quyết định”.
Cũng theo bà Hồng, trước đây gia đình bà đông anh em nhưng rất hiếu học, tại địa phương ít người học cao nên bà và những người này được lựa chọn để quy hoạch, bố trí làm cán bộ. Việc những người được bầu và bổ nhiệm làm lãnh đạo xã là hoàn toàn do người dân tín nhiệm và thực hiện đúng quy trình.
Ông Trần Đăng Khoa - Trưởng Ban Tổ chức Huyện uỷ Quế Phong cho biết: Sau khi nhận được phản ánh của nhân dân và báo chí, Huyện uỷ đã vào cuộc kiểm tra, rà soát và nhận thấy ở xã Thông Thụ đúng là đang có hiện tượng nhiều người là anh em, họ hàng cùng làm lãnh đạo. Đây cũng là yếu tố vùng miền, đặc thù của huyện Quế Phong khi từ năm 2010 về trước, tại xã Thông Thụ rất ít người học hết phổ thông nên khó khăn trong công tác cán bộ.
“Ban tổ chức đã báo cáo và sẽ tham mưu với Ban Thường vụ Huyện uỷ thực hiện điều động, luân chuyển một số vị trí thuộc diện Huyện uỷ quản lý tại xã Thông Thụ đi nhận công tác tại xã khác”, ông Khoa cho biết thêm.
Nguyễn Duy - Nguyễn Tú