Chợ Viềng: Ngàn người bán rủi, vạn người mua may
(Dân trí) - Tối qua mồng 7 Tết (23/2), du khách bốn phương đổ về chợ Viềng đã lại khiến thành Nam có một đêm khác thường nhất trong năm. Hàng vạn người mang quan niệm bán rủi, mua may cùng làm nên một “phiên chợ Âm Phủ” với lượng hàng hóa được bán là... cực lớn.
Đi Viềng Chùa cầu may
Không giống như thông lệ của chợ Viềng xưa, từ chập tối chợ Viềng Nam Trực đã tấp nập người mua kẻ bán. Dường như ai cũng cố mua cho mình một vật lấy may nên nhiều người không câu nệ chờ đến giờ chập choạng sáng tối.
Chợ Viềng nay không còn những mẹt hàng bán đồ cũ, đồ cổ theo đúng nghĩa thực sự của nó. Những gian hàng la liệt “đồ cổ” luôn được các chủ nhân quảng cáo theo cách kéo lùi niên đại về hàng trăm năm.
Mặc dù theo lệ xưa, chợ Viềng chỉ họp từ đêm mồng 7 đến rạng ngày mồng 8, thế nhưng đến gần trưa hôm nay (mồng 8 tháng Giêng, 24/2) khách thập phương vẫn ùn ùn kéo đến, còn đông hơn cả lúc rạng sáng.
Dòng người như nghẽn lại khi còn cách chợ Viềng Nam Trực đến 2km, ô tô nối hai hàng dài, biển người và xe nhích từng bước một. Có thể năm nay chợ họp vào đúng ngày nghỉ cuối tuần, nên du khách đến muộn hơn. |
Chẳng hạn, một cặp bình men rạn với hoa văn sơ sài được một bà chủ khoác cho mỹ danh “cặp bình ngư ông đắc lợi” có giá 3 triệu đồng. Hay một chiếc ang khá quen mắt ở các làng gốm với “niên đại” chỉ vài năm được lên đời “ang phố Tàu” với giá tiền triệu. Chiếc độc bình sứ, hoa văn lòe loẹt được quảng cáo là bình ông Thiếu (do ông Thiếu sản xuất cách đây hơn 100 năm) có giá 12 triệu đồng...
Trong bối cảnh cũ mới lẫn lộn, khi khách còn đang nghi hoặc về một chiếc lư đồng “gia bảo truyền đời”, người bán không ngần ngại phán: “Các chú chưa đủ tuổi để xem đồ cổ đâu”!
Nhiều người đi chợ không thể tin hoàn toàn vào quảng cáo của người bán nên đành chọn giải pháp an toàn là mua những món đồ nhỏ, giá rẻ nhưng cảm thấy đắc ý. Hai cô gái đến từ Hà Nội không ngần ngại móc hầu bao 400 nghìn đồng để ẵm luôn một cặp đèn dầu mới toanh có tên “đèn dầu trung cổ”.
Đắc ý khi chọn được cặp “đèn cổ” giá hời!
Trái ngược với “chợ đồ cổ”, chợ cây cảnh không làm khó cho người mua muốn sở hữu một cây lộc đầu xuân. Chỉ cần bỏ vài nghìn đồng đã có thể mua được một cây gieo lộc cho cả năm. Tuy nhiên, cũng có những cây cảnh giá hàng chục triệu đồng, thậm chí có cây lên đến 50 triệu đồng.
Xu hướng của người mua là thích chọn những cây bé nhưng nhiều lộc, gốc rễ bề thế. Lộc vừng, si, sung với mức giá từ 5.000 đồng đến 40.000 đồng vẫn được lựa chọn nhiều nhất.
Đến Viềng Phủ cầu lộc
Theo anh Trần Văn Cường, một người con Nam Định xa quê lên Lào Cai sinh sống, đã đi chơi xuân thì không thể không đi chợ Viềng. Tùy theo tâm nguyện của từng người mà quyết định đi chợ Cầu May (Nam Trực) hay đi chợ Âm Phủ (Vụ Bản) vừa chơi chợ, vừa viếng Phủ Dầy cầu tài lộc đầu xuân.
Mấy năm gần đây, lớp trẻ thường về chợ Viềng Vụ Bản để tranh thủ vào Phủ Bà cầu tài, cầu lộc đầu xuân. Theo chân đoàn người có thâm niên đi chợ Viềng hơn chục năm liên tục, chúng tôi tập kết tại thành phố Nam Định từ 11 giờ đêm 23/2. Đúng 23 giờ 30, đoàn người rời thành phố tiến thẳng về Phủ Dầy.
Đường đến Phủ Dầy lúc này người xe nườm nượp, hai hàng ô tô đủ các loại biển đã đỗ kín hai bên đường dài hàng cây số. Con đường độc đạo vào chợ Phủ ngày thường rộng thênh thang giờ người xe chật như nêm cối. Đường tắc, xe không thể vào đến bãi gửi chính. Hàng chục điểm trông xe tự phát mặc nhiên “chém” mỗi ô tô 50.000 đồng tiền gửi. Lại mất thêm 30.000 tiền xe ôm để đi một quãng đường chưa đến 2km theo đường mòn của dân bản địa để đến Phủ trước 24 giờ! Cũng là một khoản “đầu tư” không tồi nếu không muốn đến Phủ Dầy quá trễ.
Quãng đường vào Phủ Tiên Hương chỉ mấy trăm mét nhưng chật ních người, chật ních các mẹt hàng bán đồ tế lễ, cây lộc, tiền vàng. Mỗi người một lễ trên tay cùng với “cành vàng”, “lá bạc” giơ cao trên đầu cùng nhau vào lễ Phủ.
Từ xưa, thành Nam đã nức tiếng là mảnh đất “địa linh nhân kiệt” với nhiều địa danh nổi tiếng như Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát, đình ông Khổng, lăng Mẫu, đền Vua, chùa Long Vân... Nhiều nhân vật đã trở thành Bất Tử trong nhân gian như bà chúa Liễu Hạnh, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn...
Mặc dù chợ Viềng chỉ họp một phiên duy nhất trong năm nhưng dường như ai ai cũng muốn có mặt tại mảnh đất thiêng này để được du xuân, để chơi chợ và để cầu lộc, cầu may...
Theo cơ quan chức năng tỉnh Nam Định, ước chừng trong 2 ngày mùng 7 và mùng 8 Tết năm nay có khoảng 2 vạn người đổ về trẩy hội chợ Viềng. |
Trần Đức - Cấn Cường