1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chợ quê những ngày cuối năm

(Dân trí) - Trong tiết trời se se lạnh của tháng chạp cuối năm, xuân âm thầm về rồi lặng lẽ làm ấm dần không khí, sắc màu,... Chợ quê trong những ngày cuối năm cũng bỗng trở nên ồn ào, náo nhiệt hơn.

Chợ quê ngày Tết vẫn còn đó những đồ quê chân chất.
Chợ quê ngày Tết vẫn còn đó những đồ quê chân chất.

Tháng chạp - tháng bâng khuâng

Chừng giữa tháng chạp, khi những khóm cúc hay vạn thọ nở vàng nơi đầu sân, ấy là lúc chợ quê cũng bắt đầu nhộn nhịp. Từ sáng sớm đã có những chiếc xe thồ hàng hóa, những gánh rau quả kĩu kịt về chợ. Phiên chợ ngày 23 tháng chạp đã tấp nập người bán người mua làm không khí ấm áp của mùa xuân lan tỏa. Cho đến chiều 30 - ngày cuối năm, không khí ấy vẫn không kém phần náo nhiệt.

Tết thổn thức trong tim của những người con xa quê hương cũng bởi hình ảnh của chợ quê. Bởi lẽ, sau chuỗi ngày dài mưu sinh những người con xa quê đi chợ để cảm nhận được không khí xuân đang tràn về. Họ đi chợ để mua sắm cho ông bà, bố mẹ những món quà quê giản dị; đi chợ để được trở về với những kỷ niệm tuổi thơ, để gặp gỡ người quen, bạn bè hỏi dăm ba câu chuyện trò hay chỉ đơn giản là ngắm nhìn chợ quê muôn sắc rộn ràng...
 
 
Nải chuối đang vẫn còn xanh, nên người mua có nhiều sự lựa chọn.
Nải chuối đang vẫn còn xanh, nên người mua có nhiều sự lựa chọn.

Tháng chạp về làm ai nấy cũng đều bâng khuâng đến lạ lùng. Đứa trẻ thơ vừa sung sướng vừa ngại ngùng khi phải đứng giữ chợ mặc thử chiếc áo mới tinh, thơm tho mùi vải mới. Các bà, các mẹ đi chợ lo sắm từng nắm lá dong, lá chuối... lo sao cho cái tết được vẹn toàn.

Trăm bán vạn mua

Chợ những ngày cuối năm như to hơn, rộng hơn, có sức chứa tất cả hàng hóa từ từ thập phương chuyển về. Nhiều đặc sản của các vùng khác nhau cũng được đem ra trao đổi mua bán. Bên cạnh đó thì vẫn là những sản vật vốn quen thuộc với cuộc sống hàng ngày của người thôn quê, như củ hành, củ tỏi, nải chuối, con gà; là những rổ rau tươi hái tại ruộng hay hoa trái được cắt trong vườn nhà... Nhưng vì đây là những sản phẩm dùng cho ngày tết nên người bán lẫn người mua đều trân trọng.
Sắc màu hoa giấy ngày tết.
 Sắc màu hoa giấy ngày tết.

Cảnh người bán người mua diễn náo nhiệt.
Cảnh người bán người mua diễn náo nhiệt.

Nhiều hàng hóa ngày thường ít thấy ở chợ thì giờ đây được bày bán tràn ngập. Nào là tranh ảnh, bánh mứt, quần áo, mũ dép từ muôn nơi nhập về. Những bó lá chuối, lá dong còn ngậm hơi sương; những nén hương trầm thơm ngát đến những sọt bưởi, sọt cam chín vàng, chuối xanh, hồng chín chen nhau đẹp mắt. Có những quả hồng xiêm, bưởi đương còn xanh ngắt, buồng dừa trái hãy còn non hay quả đu đủ mới nhỉnh hơn nắm tay... Tiếng gà, vịt kêu làm huyên náo cả khu chợ. Một góc chợ xa rực lên là khóm cúc, vạn thọ hay bó lay ơn, thược dược thi nhau khoe sắc.
Hoa tết chợ quê. 
Hoa tết chợ quê. 

“Muốn ăn tết to phải lo nhiều thứ”, để nói lên rằng ngày tết phải được chuẩn bị đầy đủ. Những phiên chợ tết thường họp từ khi gà mới gáy cho đến xế chiều. Thường khi đi chợ các mẹ, các chị còn đèo thêm đôi gà, buồng cau hay những thứ hoa trái trong vườn để bán góp vào sắm quần áo mới cho con thơ. Các bà thì lo mua trầu cau, hương hoa, vàng mã...

Nét đẹp chợ quê những ngày cuối năm vì thế mà đi sâu vào tiềm thức của người dân Việt.

Thu Thảo - Nguyễn Duy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm