Về quê đụng lợn
(Dân trí) - Nói đến việc đụng lợn tôi chợt nhớ đến thày tôi những năm tháng còn học đại học. Thày khuyên rằng Tết đến về quê nên khuyên mọi người đụng lợn. Đó chính là một nét văn hoá làng Việt cần được duy trì.
Cứ vào khoảng tháng 10, người dân trong làng đã chuẩn bị lợn Tết. Nhà nào có của ăn của để thì giết hẳn một con. Còn thường thì 3-4 nhà mổ chung một con để ăn Tết. Con lợn nào đã để dành đến Tết được chăm sóc với chế độ đặc biệt. Chỉ ăn cám gạo và cây chuối thái. Như vậy con lợn tết mới ngon và sợ người làng người ta nói là tham vì nuôi lợn không ra gì mà dám rủ anh em đánh đụng rồi cả năm không dám nhìn mặt ai.
Nhà nào có lợn Tết phải chuẩn bị đầy đủ rau thơm, củi lửa từ chiều 29 Tết.
Sáng sớm ngày 30 cả làng rậm rịch tiếng lợn kêu, tiếng dao thớt, thái chặt… Trẻ con thì quanh quẩn bên chỗ làm lợn để chờ người lớn sai vặt và chờ cả cái bong bóng, cái khấu đuôi. Người già thì sì sụp bát nước luộc lòng xuýt xoa khen con lợn béo. Lợn chọc tiết làm lông xong thì việc đầu tiên là cắt cái thủ để luộc trước sau đó mang ra miếu làng thắp hương ông thành hoàng.
Đến khoảng 10 giờ trưa thì công việc giết mổ và chia phần lợn đã xong. Và thế là bố bê rổ thịt đi trước, con xách dao thớt đi sau nhà nào về nhà ấy chế biến món ăn để cúng tổ tiên trong ấm cúng khói hương. Cho dù bây giờ không thiếu đồ gì đồ ăn ngon nhưng bữa cơm ngày 30 Tết ở quê tôi không bao giờ thiếu món tiết canh lòng lợn.
Lạ thật, lòng lợn tiết canh bây giờ ở đâu chả có nhưng sao Tết nào cũng muốn về để gọi nhau sang nhà để thưởng thức.
Nói đến việc đụng lợn tôi chợt nhớ đến thày tôi những năm tháng còn học đại học. Thày khuyên rằng Tết đến về quê nên khuyên mọi người đụng lợn. Bởi tục đụng lợn có lẽ có từ thời nguyên thuỷ khi cả bầy đàn đi săn được con thú và cùng nhau chia phần. Đó chính là một nét văn hoá làng Việt cần được duy trì.
Hãy tưởng tưởng mấy nhà cùng nhau mổ lợn, cùng nhau chia phần, cùng nhau tận hưởng thành quả lao động thì sẽ thấy tinh thần đoàn kết của những con người trong cộng đồng làng xã được củng cổ, và tình người mới ấm áp làm sao.
Tết năm rồi, tôi cũng về quê ngủ với mẹ. Đêm 29 Tết làng quê yên ắng lạ thường. Không đì đùng tiếng pháo, không rậm rịch tiếng chân người và thưa thớt tiếng lợn kêu. Mẹ tôi trở mình trằn trọc và nói càng ngày càng ít người đụng lợn. Nhiều người nhất là những người trẻ họ ngại làm vì bận mặt khác anh em đánh chửi nhau cả năm là sao mà rủ nhau mà đụng lợn được.
Thôi thì cứ bỏ tiền ra là mua vài cân giò, vài thùng bia cho nó đỡ cách rách, ăn uống bây giờ có quan trọng đâu. Thế nhưng quê tôi vẫn còn rất nhiều người lớp tuổi mẹ tôi, cao lương mỹ vị không cần nhưng vẫn thèm bát nước luộc lòng hay bát tiết canh ăn vào mát cả ruột gan và quan trọng nhất là đọc được trong mắt họ niềm hành phúc đoàn tụ.