Cho nộp tiền thay phạt tù không phải để "có lợi cho người giàu"
(Dân trí) - Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có 115 khoản quy định tiền là hình phạt chính, so với 76 khoản của Bộ luật Hình sự hiện hành; đồng thời quy định trường hợp người phạm tội chây ì, cố tình không nộp phạt thì sẽ bị chuyển đổi hình phạt tiền thành phạt tù.
Tiếp tục thảo luận tại Hội thảo về một số định hướng cơ bản của dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) do Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức ngày 25/3, nhiều đại biểu đã tập trung đề cập đến chính sách thay thế hình phạt tù bằng phạt tiền.
Bản dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) mới nhất đã mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính đối với các tội phạm nghiêm trọng, thậm chí cả tội rất nghiêm trọng và mở rộng đối với nhiều loại tội danh như tội phạm về môi trường, xâm phạm tài sản, quyền tự do con người…
Dự thảo quy định tiền là hình phạt chính lên 115 khoản so với 76 khoản của Bộ luật Hình sự hiện hành; đồng thời quy định trường hợp người phạm tội chây ì, cố tình không nộp phạt thì sẽ bị chuyển đổi hình phạt tiền thành phạt tù.
Về phương thức chuyển đổi từ tiền sang tù, đại diện Bộ Tư pháp cho biết tỷ lệ chuyển đổi có thể căn cứ vào ngày công lao động, cũng có thể tính phiên ngang. Ví dụ, điều luật quy định phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm thì phiên ngang, ứng với 5 triệu đồng thì phạt 6 tháng tù, ứng với 50 triệu đồng thì phạt 3 năm tù.
Nếu người phạm tội đã nộp một phần tiền phạt, sau đó chây ì ra không nộp nữa thì sẽ trừ phần đã nộp sau đó quy đổi theo cách trên.
Theo đại diện Bộ Tư pháp, phương thức phiên ngang như vậy hợp lý hơn cả. Vậy trường hợp ở khung đó chỉ có phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ mà không có phạt tù thì chuyển đổi thế nào? Đại diện Bộ Tư pháp cho rằng có thể lấy mức phạt tiền và phạt tù ở khung tiếp theo làm cơ sở để tính tỷ lệ chuyển đổi.
Về thủ tục chuyển đổi, có thể quy định cho thẩm phán có thẩm quyền quyết định ngay trong bản án mà không cần quy định thêm bất cứ một thủ tục nào khác, không cần phải mở một phiên tòa mới để xét xử người phạm tội không chấp hành bản án.
Ông Trần Văn Dũng - Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự (Bộ Tư pháp) - cho biết mặc dù có nhiều ý kiến tán đồng dự thảo nhưng cũng có không ít ý kiến băn khoăn vì quy định như trên chỉ có lợi cho người giàu, người có tiền, thiệt thòi cho người không có tiền.
“Chúng tôi thấy rằng, việc làm này không phải vấn đề “giàu - nghèo” mà là giải quyết vấn đề thái độ chấp hành án của người phạm tội chây ì, không nộp phạt. Như đã nói ở phần trên, khi xem xét để quyết định hình phạt tiền, tòa án (cụ thể là thẩm phán chủ tọa phiên tòa) đã cân nhắc đến tình hình tài sản của người phạm tội. Nếu người phạm tội không có tiền để nộp phạt được lựa chọn do Bộ luật Hình sự quy định đối với với tội phạm đó. Người có điều kiện kinh tế, có tiền để nộp phạt, thì tòa án quyết định phạt tiền”- ông Dũng nói.
Trong khi đó, đại diện VKSND tỉnh Đắk Lắk đề xuất nếu người bị phạt tiền không có tiền thì buộc người phạm tội phải lao động nghĩa vụ để trừ vào tiền phạt.
"Cái túi" để chuyển hóa tội danh từ nặng sang nhẹ ? Một nội dung tại dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) được nhiều đại biểu quan tâm là đề xuất bỏ tội danh “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo các đại biểu, cấu thành tội danh này rất mù mờ và dễ gây nhầm lẫn với các tội danh khác. Thậm chí, có đại biểu nói thẳng rằng đây là một “cái túi” để trong quá trình xử lý chuyển hóa các tội từ nặng sang nhẹ, ví dụ như tội “Tham ô tài sản” thành tội “Cố ý làm trái…”. Tuy nhiên, đại diện Tòa hình sự - TAND Tối cao, cho rằng nên giữ lại quy định về tội này bởi theo thống kê trong những năm gần đây có không ít các bị cáo bị kết án về tội này là cán bộ, đảng viên. Nếu bỏ ngay tội danh này thì dư luận có thể sẽ cho rằng nhà làm luật cố tình bao che cho hành vi sai phạm của cán bộ, đảng viên. |