1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Chợ” lao động ế ẩm!

Thời điểm này những năm trước, người lao động (LĐ) thời vụ “chạy sô” cũng không hết việc. Nhưng năm nay, tại nhiều chợ lao động, không khí trở nên vắng vẻ và nặng nề vì… ế ẩm.

Đi cũng dở, ở chẳng đành

12 giờ trưa. Chợ lao động ở ngã ba đường Bưởi (Hà Nội) vẫn còn hơn 20 người, già có, trẻ có, đứng ngồi vật vạ. Người ngáp dài, ngáp ngắn, kẻ đút tay túi quần nghêu ngao huýt sáo. Lại có những đám túm năm tụm ba chơi tá lả…

“Thất  nghiệp hết cả rồi anh à” - bác Lê Văn Hải (quê ở Yên Thành, Nghệ An) co ro trong chiếc 2 chiếc áo cánh mỏng vẫn còn hở cả thịt, than thở. Đã 5 ngày hôm nay, bác Hải chưa kiếm được đồng nào. Trong khi đó, mỗi ngày bác vẫn phải “bỏ vào cái dạ dày” 30.000 - 40.000 đồng tiền cơm và 10.000 đồng/đêm ngủ. “Gần 50 tuổi đời, bôn ba đất Hà thành 15 năm trời nhưng chưa năm nào sức lao động của chúng tôi ế ẩm như thế” - bác Hải nói.

Theo bác Hải, mấy tháng trước kiếm được ít tiền, chưa kịp gửi về nhà nên còn tiền ăn, tiền ngủ. “Còn mấy chục anh em chỗ bác thuê trọ thì đến già nửa là bữa no bữa đói; tiền nhà trọ đành khất nợ chủ nhà”, bác Hải nói.

Ở chợ Bưởi, mọi năm vào thời điểm 2 tháng trước Tết, lao động ở các vùng nông thôn đổ xô ra kiếm ăn thời vụ; thậm chí còn xô  xát, cãi vã, đánh nhau đến chảy máu đầu để chiếm “chủ”, tranh “hàng”. Lúc cao điểm lên tới hàng trăm lao động; bình thường cũng phải 80 - 90 người. Nhưng, năm nay, người lao động không màng lên phố; còn những lao động đang bám trụ phố phường, không ít anh em đang tính kế về “ăn chực” vợ!

Anh Hoàng Danh Đức (24 tuổi), người cùng quê với bác Hải vừa chân ướt chân ráo ra Hà Nội chưa đầy một tuần đã tính kế về quê. Bố mẹ Đức già yếu, gia cảnh khốn khó, nghe mấy chú bảo ra Hà Nội dịp này lắm việc dễ kiếm tiền, Đức vay người thân hơn 200.000 đồng dắt lưng bắt ôtô ra phố. Mấy ngày không việc, lại ít anh em quen biết, tiền gần hết, bữa trưa Đức mua suất cơm 20.000 đồng dành luôn cho cả bữa tối. “Bây giờ về quê cũng chẳng thấy lấy đâu được tiền. Đành bám trụ ở đây ít bữa nữa xem tình hình thế nào”.

Theo lý giải của Đức, vào dịp cuối năm, các gia đình ở thành phố có nhu cầu cao về dọn dẹp nhà cửa, kiến thiết những công trình nhỏ; nhu cầu vận chuyển hàng của các đại lý cũng lớn… “Nhưng năm nay, mọi việc hầu như dậm chân tại chỗ. LĐ chân tay như chúng em cũng chẳng hiểu vì sao. Việc ít, chắc chắn không có tiền ăn Tết rồi” - Đức nói.

Ảm đạm chợ nách!

Lao động tập trung mấy chục người như Bưởi, ngã tư Giảng Võ, khu Tân Mai, Công viên Võ Thị Sáu… không kiếm được việc, nhiều người bắt đầu “tản cư” từng nhóm 5 - 7 người về các ngõ ngách chờ việc. Dân lao động quen gọi là chợ “nách”. Ở chợ này, chủ yếu là chị em phụ nữ. Họ làm công việc gồng gánh, dọn dẹp nhà cửa và vận chuyển… Thế nhưng, những việc này hiện cũng rất ít.

Chị Hoàng Thị Vân (Nam Hồng, Đông Anh), một người lao động hiếm hoi tôi gặp trên đường Âu Cơ, kể: Suốt từ 6 giờ sáng đến 3 giờ chiều mới có chủ thuê gánh 2 gánh đất đổ vào gốc đào cảnh với giá 30.000 đồng. “Còn may chán, chứ cứ về không như 2 hôm trước thì buồn lắm” - chị Vân buồn rầu. Nhóm của chị Vân, cách đây 3 tháng có 6 chị em nhưng giờ chỉ còn chị và chị Mùi.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở các khu vực trồng nhiều hoa, đào cảnh như Quảng Bá, Nghi Tàm, Nhật Tân…, sau đợt mưa lũ lịch sử, diện tích trồng đào và các loại hoa chết đáng kể; vì thế việc chăm sóc, vun xới cũng giảm nhiều khiến cho những lao động nữ ở những chợ “nách” này cũng thất nghiệp. “Chứ năm ngoái, dịp này, việc nhiều, chị em còn phải rủ thêm người quen ra đây làm việc. Làm 2 tháng, kiếm được cái Tết đàng hoàng” - chị Vân tâm sự.

Chẳng có vẻ gì bận rộn hay vội vã trong câu chuyện của những lao động với chúng tôi. Nhưng dường như, trong ánh mắt và nụ cười gượng gạo chất chứa lo âu về bữa cơm, manh áo của chồng con và của cả chính mình. Với chị Vân, đó là nỗi lo trĩu nặng về một cái Tết thiếu thốn đang mịt mờ trước mắt.

Theo Hữu Thông
Nông thôn ngày nay