Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

"Người nghèo còn lo ăn từng bữa, lấy đâu tiền đối ứng xây nhà?"

Hoài Thu

(Dân trí) - Nhắc đến mức hỗ trợ hộ nghèo trong xây dựng nhà ở, đại biểu Quốc hội kiến nghị Chính phủ xem xét tăng mức hỗ trợ lên đến 70-80%, vì với mức hiện nay, người dân không đủ tiền đối ứng để hoàn thiện nhà.

Hàng loạt đề xuất về các chính sách hỗ trợ người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa và vùng khó khăn, được các đại biểu Quốc hội nêu tại nghị trường Quốc hội với mong muốn triển khai hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Tăng mức hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người nghèo

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương trong việc tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các địa phương nhằm triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Theo nữ đại biểu, ngoài thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, có rất nhiều hạng mục công trình cần phải đầu tư, nhất là các công trình giao thông ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn, đường kiểm tra cột mốc khu vực biên giới, thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.

Người nghèo còn lo ăn từng bữa, lấy đâu tiền đối ứng xây nhà? - 1

Đại biểu Quốc hội Chu Thị Hồng Thái (Ảnh: Phạm Thắng).

Hàng năm, ngân sách tỉnh không thể cân đối cho tất cả các nhiệm vụ này, phải huy động nguồn lực từ nhân dân, song đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh còn khó khăn nên nguồn lực huy động cũng rất hạn chế.

Nhằm thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 được đồng bộ, kịp thời, thống nhất và có hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Chương trình chia thành 10 dự án thành phần với các tiểu dự án và mục tiêu cụ thể.

Do vậy, bà Thái đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi theo hướng giảm tỷ lệ đối ứng của các tỉnh nhận hỗ trợ lớn từ ngân sách Trung ương, để tỉnh có thể cân đối được nguồn vốn của địa phương.

Bà cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét tăng nguồn vốn đầu tư cho các tỉnh miền núi, các tỉnh nhận hỗ trợ lớn từ ngân sách Trung ương để thực hiện các công trình giao thông, nhất là ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

"Thực tế cho thấy nơi nào có cơ sở hạ tầng giao thông phát triển thì nơi đó sẽ có điều kiện về phát triển kinh tế - xã hội hơn. Do vậy, rất mong Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu, xem xét quyết định việc này", nữ đại biểu nêu ý kiến.

Về thực hiện tín dụng chính sách xã hội, vị đại biểu tỉnh Lạng Sơn đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét giảm lãi suất đối với một số chương trình hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất trong thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo bà, hỗ trợ sản xuất được xem là nội dung quan trọng nhất, tác động đến đời sống, thu nhập của người dân, việc hỗ trợ chính sách tín dụng là một trong những giải pháp hữu hiệu để thực hiện nội dung này.

"Việc hỗ trợ tín dụng sẽ tạo động lực cho người dân vươn lên thoát nghèo, góp phần làm giảm sự trông chờ, ỷ lại của người dân vào sự hỗ trợ của Nhà nước", theo lời bà Thái.

Người nghèo còn lo ăn từng bữa, lấy đâu tiền đối ứng xây nhà? - 2

Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng mức hỗ trợ cho vay xây dựng nhà ở với hộ nghèo (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).

Đặc biệt, với mức hỗ trợ hộ nghèo trong xây dựng nhà ở, nữ đại biểu đề xuất nâng mức này.

Theo quy định hiện hành, mức hỗ trợ xây dựng nhà ở mới là 40 triệu đồng/hộ, sửa chữa là 20 triệu đồng/hộ từ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương. Tuy nhiên, theo nữ đại biểu, với định mức hỗ trợ như vậy chưa đủ để đảm bảo được yêu cầu "3 cứng" (nền cứng, khung cứng, mái cứng) về chất lượng nhà.

"Đã là hộ nghèo còn phải lo ăn từng bữa, để có tiền đối ứng để hoàn thiện căn nhà, bảo đảm tiêu chí 3 cứng như yêu cầu của chương trình là rất khó khăn, nan giải nhưng nguồn vốn hỗ trợ này của nhiều địa phương chưa thực hiện được", bà Thái phân tích.

Đại biểu này kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét tăng mức hỗ trợ xây nhà lên đến 70-80% giá trị nhà ở đạt tiêu chí cho hộ nghèo.

Bà cũng ủng hộ xây dựng, ban hành chính sách bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động. Đây là những đối tượng yếu thế trong xã hội, không có cơ hội để vươn lên thoát nghèo do bệnh tật, người già neo đơn, rất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Đề nghị hỗ trợ 500.000 đồng/tháng để con hộ nghèo đi học

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) cũng đề nghị Chính phủ tập trung giải quyết dứt điểm những khó khăn, bức xúc nhất về đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt, quy hoạch sắp xếp ổn định dân cư ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ông nêu thực tế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mưa lũ, sạt lở ở khu vực miền núi rất lớn, thiệt hại nghiêm trọng đến đất ở, đất sản xuất và hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt.

Người nghèo còn lo ăn từng bữa, lấy đâu tiền đối ứng xây nhà? - 3

Đại biểu Quốc hội Hoàng Quốc Khánh (Ảnh: Phạm Thắng).

Những tác động tiêu cực này cũng khiến đời sống của người dân rất vất vả, nhiều thôn, bản phải di dời do nguy cơ sạt lở rất cao, cần có nguồn kinh phí lớn để thực hiện; trong khi các tỉnh khó khăn, nhất là các tỉnh miền núi ngân sách không đảm bảo.

Về các chế độ, chính sách, vị đại biểu đề nghị không cắt, giảm chính sách hỗ trợ về bảo hiểm y tế, chính sách hỗ trợ cho học sinh và giáo viên đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Đây là chính sách an sinh xã hội, đất nước càng phát triển, càng thịnh vượng, các chính sách này cần phải quan tâm hơn.

Người nghèo còn lo ăn từng bữa, lấy đâu tiền đối ứng xây nhà? - 4

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Ảnh: Phạm Thắng).

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cũng đề nghị Quốc hội cho phép các chương trình mục tiêu quốc gia dành kinh phí để hỗ trợ cho các cháu con người nghèo được đi học ở nhà trẻ, mẫu giáo.

Vị đại biểu phân tích những trẻ em này là những công dân của tương lai, rất cần phải được đi nhà trẻ, mẫu giáo để được trông coi, dạy dỗ, nuôi nấng. Nhưng thực tế còn rất nhiều gia đình nghèo không có tiền cho con đi học hoặc nếu đi học, phải học ở những cơ sở không đạt chuẩn, thiếu thốn.

"Mức hỗ trợ tôi đề nghị là khoảng 500.000 đồng/tháng/cháu. Cần tìm cách hỗ trợ hợp lý nhưng phải đúng đối tượng là con người nghèo đang học hoặc đang được trông giữ tại các cơ sở công lập cũng như dân lập", theo ông Trí.