1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Khốn đốn giữa “đại công trường” lò gạch:

Chính quyền xã “tiếp tay” cho những lò gạch trái phép?

(Dân trí) - Hàng tháng, khu “đại công trường” lò gạch thôn Lai Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội), “ngốn” một lượng điện lớn phục vụ việc làm gạch trái phép. Chính quyền xã Bắc Sơn không những không ngăn chặn mà còn ký phiếu đề nghị Điện lực Sóc Sơn cấp điện cho những lò gạch này.

Trong 2 buổi làm việc với PV Dân trí, ông Tạ Hồng Thái - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn đều nói rằng, xã rất muốn bỏ những lò làm gạch thủ công đi, “hướng” người dân chuyển sang làm lò tuy-nen để hạn chế ảnh hưởng tới môi trường. Hỏi về biện pháp của xã để ngăn chặn việc sản xuất gạch thủ công, ông Tạ Hồng Thái khi thì lắc đầu thừa nhận sự bất lực, khi thi nói rằng chỉ còn 1 cách là cắt điện của các hộ ấy đi.
 
Chính quyền xã “tiếp tay” cho những lò gạch trái phép? - 1
Đằng sau những lò gạch trái phép đang ngày đêm "nhả khói" có bàn tay của chính quyền xã Bắc Sơn.
 
Để làm rõ việc cung cấp điện cho các chủ lò sản xuất gạch trái phép tại xã Bắc Sơn, chúng tôi đã có buổi làm việc với Điện lực Sóc Sơn. Trái ngược hoàn toàn với những điều ông Thái nói, lãnh đạo xã Bắc Sơn không những không kiến nghị cắt điện của các hộ làm gạch trái phép mà còn ký nhiều phiếu đề nghị xin cấp điện trong năm 2010,  "tiếp tay" cho những lò gạch thủ công tàn phá môi trường.

Chỉ cần nhìn vào lượng điện tiêu thụ của một trạm điện, chúng ta có thể thấy sức “ngốn” điện của những lò gạch trái phép này. Trạm điện Trầm Bậu (Điện lực Sóc Sơn) là nơi cung cấp điện cho 47 hộ dùng để sản xuất gạch và 200 hộ dùng cho sinh hoạt hàng ngày. Tháng 10/2010, lượng điện 200 hộ dân dùng cho sinh hoạt là 13.000 KWh. Trong khi đó, lượng điện mà 47 hộ dùng phục vụ cho các máy móc sản xuất gạch trái phép lên tới 42.000 KWh!

Những số liệu từ lượng tiêu thụ điện cho việc sản xuất gạch trong tháng 9 và 10/2010 đã một phần lột tả rõ tốc độ sản xuất ồ ạt tại khu “đại công trường” làm gạch trái phép này. Lượng điện tiêu thụ cho việc làm gạch tháng 9 là 28.900 KWh, tháng 10 tăng vọt lên 42.000 KWh.
 
Chính quyền xã “tiếp tay” cho những lò gạch trái phép? - 2
Đường dây 220KV bị khoét sát chân cột.

Chúng tôi được ông Nguyễn Quốc Thịnh - Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh (Điện lực Sóc Sơn) cung cấp hồ sơ hợp đồng mua bán điện dùng cho việc sản xuất gạch của gia đình ông Nguyễn Văn Tý. Đây là bằng chứng của việc tiếp tay cho sản xuất gạch trái phép tại thôn Lai Sơn của lãnh đạo UBND xã Bắc Sơn. Cụ thể, ngày 12/5/2010, ông Nguyễn Đức Việt - Phó Chủ tịch UBND xã đã ký phiếu yêu cầu Điện lực Sóc Sơn cấp điện để làm gạch cho hộ ông Tý, bà Mùi.

Một minh chứng khác, ngày 27/8/2010, ông Lê Sỹ Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn lại ký một phiếu yêu cầu gửi đến Điện lực Sóc Sơn đề nghị cấp điện cho việc sản xuất gạch trái phép của hộ anh Nguyễn Văn Thu (thôn Lai Sơn).

Ông Thịnh cho biết thêm, Điện lực Sóc Sơn cũng đã nhận được đơn đề nghị của Công ty cổ phần Thương mại gốm sứ Bắc Sơn (công ty được thành lập với sự góp vốn của 18 hộ đun đốt gạch trái phép tại thôn Lai Sơn) có xác nhận của chính quyền xã Bắc Sơn về việc xin xây một trạm cung cấp điện riêng phục vụ cho các lò nung gạch tuy-nen. Tuy nhiên, Điện lực Sóc Sơn chưa xem xét giải quyết vì nhiều thủ tục pháp lý liên quan đến công ty này chưa được các cơ quan chức năng phê duyệt.

“Điện lực Sóc Sơn sẽ làm việc với UBND xã Bắc Sơn để làm rõ việc sản xuất gạch tại thôn Lai Sơn có sai phạm không. Nếu việc sản xuất gạch tại đây là trái phép, Điện lực Sóc Sơn sẽ thanh lý toàn bộ hợp đồng mua bán điện với các chủ lò gạch, đồng thời tiến hành ngừng cung cấp điện tại khu vực này” - ông Thịnh khẳng định.

Trong quá trình khảo sát khu “đại công trường” làm gạch trái phép tại xã Bắc Sơn và xã Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn), chúng tôi phát hiện các chủ lò gạch còn rất liều lĩnh khi móc sâu hàng mét sát chân các cột điện, lộ cả phần bê tông trụ móng của đường dây 220KV trung chuyển điện từ thủy điện Thác Bà về trạm điện E19 Xuân Sơn, Sóc Sơn. Theo quy định, hành lang bảo vệ an toàn của các cột điện của đường dây 220KV tính từ chân cột là 10m. Hậu quả sẽ khôn lường, khi một trong những cột trung chuyển điện này bị đổ do những chủ lò gạch móc hết đất quanh chân móng.

Tiến Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm