Khốn đốn giữa “đại công trường” lò gạch:
Địa phương không thể vô can trong vụ “đại công trường” lò gạch
(Dân trí) - Dù hầu hết hợp đồng làm gạch đều đã hết hạn từ giữa năm 2009, và cả khi quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chấm dứt hoạt động lò gạch thủ công có hiệu lực, những hộ trên vẫn tiếp tục làm, trong khi chính quyền xã tỏ ra bất lực.
Làm việc với chúng tôi một lần nữa, ông Chủ tịch Tạ Hồng Thái khẳng định, từ trước tới giờ, xã chưa hề có một văn bản nào đề nghị huỷ bỏ các lò gạch thủ công tự phát mọc lên. Vậy mà, trong những buổi làm việc trước đó, ông Thái luôn miệng nói rằng xã rất muốn bỏ những lò thủ công ấy đi vì ô nhiễm môi trường!
Kiểm tra số hợp đồng này, chúng tôi giật mình vì hầu hết đều đã hết hạn từ giữa năm 2009, nhiều hợp đồng còn hết hạn từ năm 2008. Vậy là từ khi hết hạn đến cuối năm 2009, khi quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chấm dứt hoạt động của lò gạch thủ công chính thức có hiệu lực, những hộ trên vẫn tiếp tục làm, nhưng liệu có nộp lệ phí cho xã không?
Về việc này, ông Thái cho biết, xã không thu phí của các hộ trên dù họ đã hết hợp đồng. Ông Thái còn khẳng định, từ đầu 2010 đến nay, xã cũng không thu phí vì “mình đã ra quyết định đình chỉ họ rồi thì có cớ gì mà thu tiền của họ nữa.” Có nghĩa là, hàng năm nay, các hộ trên đã vô tư móc đất, lấy đi tài nguyên của xã mà xã vẫn làm ngơ?
Ngoài ra, theo qui định, các chủ lò chỉ được phép móc sâu tối đa là 3,5m để khai thác đất làm gạch, nhưng những hố khai thác này chiều sâu đều lên tới cả chục mét.
Ông Thái tỏ ra ngạc nhiên trước thông tin trên và nói rằng mình chưa bao giờ biết đến quy định đó. “Khai thác thế nào là quyền của người ta. Người ta đào sâu bao nhiêu chúng tôi làm sao quản lý được” - ông Thái biện minh.
Đề cập đến vấn đề các công ty, cá nhân khai thác đất làm gạch phải khắc phục hậu quả gây ra với môi trường trước khi xã xem xét gia hạn hợp đồng, ông Thái giải thích vòng vo và chỉ nói đến vấn đề đền bù thiệt hại lúa và hoa màu cho người dân mà quên đi những cánh đồng rộng lớn và cả những triền đê bị đào xới nham nhở, khoét sâu hàng chục mét, tan hoang như bãi chiến trường.
Trong 2 buổi làm việc, chúng tôi liên tục đề cập đến các biện pháp của xã để ngăn chặn việc sản xuất gạch thủ công, ông Tạ Hồng Thái khi thì lắc đầu thừa nhận sự bất lực, khi thi nói rằng chỉ còn 1 cách là cắt điện của các hộ ấy đi. Theo ông Thái các hộ làm gạch ký hợp đồng mua điện với bên điện lực, xã không có quyền cắt điện của họ. Tuy nhiên, ông Thái cũng thừa nhận, xã chưa hề có thông báo hay kiến nghị nào đến điện lực Sóc Sơn về việc này.
Tiến Nguyên